Biến chứng hỏng thận
Bệnh nhân D.T.B. (58 tuổi, ngụ tại TP.HCM) được chẩn đoán mắc đái tháo đường. Tuy nhiên, bệnh nhân lại không đi khám và điều trị kiểm soát bệnh. Để kiểm soát bệnh, bệnh nhân B đã thường xuyên tìm hiểu những phương pháp điều trị không chính thống trên mạng internet.
Sau một thời gian áp dụng theo ông B cảm thấy mệt mỏi nhiều, sụt cân nhanh, phù 2 chân ngày càng tăng dần, khó thở và phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng đường huyết, huyết áp tăng cao kèm suy thận nặng phải chạy thận nhân tạo cấp cứu.
Dù được điều trị tích cực nhưng tình trạng suy thận của bệnh nhân B đã tiến triển tới giai đoạn cuối, cần phải điều trị lọc máu định kỳ và sử dụng thuốc để kiểm soát đường huyết, huyết áp, các bệnh lý kèm theo khác.
Còn trường hợp bệnh nhân Đ.T.T (62 tuổi, tại Bình Dương) thì may mắn hơn bệnh nhân B cũng được chẩn đoán mắc đái tháo đường, 4 năm nay bệnh nhân thấy khoẻ đã không đi khám mà uống thuốc theo đơn cũ.
Gần đây, bệnh nhân T cảm giác mệt mỏi trong người, phù 2 chân, huyết áp thường xuyên tăng cao. Khi đến bệnh viện kiểm tra lại, các bác sĩ chẩn đoán bà T bị bệnh thận mạn giai đoạn 4 do biến chứng bệnh đái tháo đường.
Bác sĩ Thuỳ Dung đang khám cho bệnh nhân.
Ngăn ngừa biến chứng thận
BSCKII. Trần Thị Thùy Dung, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đái tháo đường là một bệnh chuyển hoá đặc trưng bởi sự tăng glucose trong máu. Bệnh tiến triển mạn tính dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan như não, mắt, thần kinh, tim mạch và thận.
Nguyên nhân dẫn đến biến chứng thận ở người bệnh đái tháo đường là do lượng đường trong máu cao kéo dài gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở thận, từ đó dẫn đến tình trạng xuất hiện đạm bất thường trong nước tiểu, chức năng lọc của thận suy giảm, tiến triển nặng dần và gây ra suy thận giai đoạn cuối.
Hầu hết những triệu chứng bệnh thận do đái tháo đường thường rất âm thầm trong giai đoạn đầu. Vì vậy, đa số người bệnh chủ quan, không chủ động thăm khám khiến các biến chứng này thường phát hiện ở giai đoạn muộn và gây khó khăn cho việc điều trị.
Bác sĩ Trần Thị Thùy Dung lưu ý, biến chứng thận do đái tháo đường có thể được phát hiện sớm thông qua việc thăm khám và thực hiện các xét nghiệm tầm soát được chỉ định bởi các bác sĩ.
Việc tầm soát phát hiện sớm giúp cho người bệnh đái tháo đường được điều trị một cách toàn diện, ngăn ngừa biến chứng thận xuất hiện hoặc diễn tiến nhanh. Trong trường hợp không được chẩn đoán và điều trị phòng ngừa sớm, người bệnh thường nhập viện ở giai đoạn muộn, gây nhiều khó khăn trong việc điều trị, gia tăng chi phí và tỉ lệ phục hồi thấp.
Để phòng ngừa biến chứng bệnh thận đái tháo đường cần lưu ý những vấn đề sau:
- Kiểm soát đường huyết và huyết áp là yếu tố quan trọng nhất
- Uống đủ nước
- Không dùng các thuốc không rõ nguồn gốc hoặc khi không có chỉ định của bác sĩ
- Kiểm tra định kỳ chức năng thận và nước tiểu sẽ góp phần phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời
- Người bệnh cần tránh tự ý sử dụng các thuốc có khả năng làm tổn thương thận và tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thêm các thuốc khác
BSCKII. Trần Thị Thùy Dung
Bác sĩ chuyên: Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM
Quá trình học tập: Từ năm 2000 – 2006, bác sĩ đa khoa tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM; 2006 - 2009: Bác sĩ nội trú chuyên ngành Nội Tiết tại Đại học Y Dược TPHCM; 2012 - 2014: Thạc sĩ Y học chuyên ngành Nội Tổng Quát tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM.
- Hội viên Hội đái tháo đường và nội tiết TPHCM