Nhiều người thắc mắc: Đường vừa rải bê tông xong phải rắc lá khô lên trên để làm gì?

Thu Phương |

Có bao giờ bạn thắc mắc, tại sao khi vừa rải bê tông lên một đoạn đường, người ta lại rắc lá khô hoặc rơm lên trên?

Mới đây, bài đăng chia sẻ về một câu hỏi trên mạng xã hội đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều cũng như thu hút được sự tò mò của đông đảo người dùng.

Cụ thể, trong bức ảnh, có thể thấy là một đoạn đường bê tông vừa được hoàn thành. Mọi chuyện sẽ rất bình thường nếu như không xuất hiện chi tiết: 2 người đàn ông đang ôm và rải số lượng lá khô xuống mặt bê tông.

Nhiều người thắc mắc: Đường vừa rải bê tông xong phải rắc lá khô lên trên để làm gì? - Ảnh 1.

Ảnh: Blog Tâm Sự

Đây là hành động có thể dễ dàng bắt gặp trên bất cứ con đường bê tông nào vừa hoàn thành. Nhiều người không khỏi thắc mắc mục đích chính của việc làm này là gì? Tại sao lại là lá khô mà không phải là lá còn xanh?

Dưới phần bình luận của bài viết, nhiều ý kiến hài hước được đưa ra để giải thích:

“Bê tông đang còn ướt nên dễ dính, rải thế này để chim chóc đậu xuống tránh khỏi nguy hiểm ư?”

“Chắc để trống trơn trượt đó.”

“Trông giống tạo hiệu ứng 3D đường rừng quá!”

Lý do thật sự

Trên thực tế, việc làm này thật sự không vô nghĩa hay mang những ý nghĩa hài hước như nhiều người nghĩ. Theo giải thích của các chuyên gia về xây dựng, rắc lá khô lên mặt đường bê tông mới đổ là một mẹo quen thuộc, thường được thực hiện bởi mục đích chính là để giữ ẩm cho bê tông hay xi măng.

Đồng thời, nó cũng giúp che phủ bề mặt bê tông mới khỏi nước mưa hay sương, tránh khỏi việc bề mặt bê tông bị nứt, rỗ.

Việc làm này sẽ được thực hiện trong khoảng từ 1 - 2 ngày ngay sau khi bê tông được đổ xong.

Khi rải, cần che hết bề mặt bê tông, kể cả các cạnh. Nếu thời tiết và nhiệt độ ngoài trời quá nóng, người ta có thể thay thế lá bằng một lớp rơm hoặc bạt nilon, thảm hay vải chuyên dụng, vừa để che phủ kín hơn, vừa có tác dụng giữ ẩm tốt hơn.

Tuy nhiên, phương pháp sử dụng lá khô vẫn được đánh giá là vừa hiệu quả, vừa giúp tiết kiệm hơn cả.

Nhiều người thắc mắc: Đường vừa rải bê tông xong phải rắc lá khô lên trên để làm gì? - Ảnh 2.

Ngoài sử dụng lá khô, có thể dùng rơm hoặc bạt nilon hoặc thảm, vải dày để có tác dụng giữ ẩm tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Vì sao cần giữ ẩm cho bê tông, xi măng?

Việc giữ ẩm cho bê tông, xi măng là một trong những việc làm quan trọng nhất và được ưu tiên thực hiện sau khi tiến hành đổ xong.

Theo các chuyên trang về xây dựng, nếu không giữ ẩm kịp thời cho bê tông, xi măng, nước sẽ bốc hơi rất nhanh khỏi bề mặt. Càng nhanh hơn khi lớp bê tông tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh nắng mặt trời. Điều này sẽ dẫn tới cả thành phẩm bị yếu, dễ nứt. Khái niệm này không chỉ đúng khi áp dụng khi đổ bê tông đường mà còn trong thi công, xây dựng các công trình nhà ở.

Không chỉ có giữ ẩm, bê tông được bảo dưỡng tốt có cường độ phát triển tốt, ổn định về thể tích, khả năng chống đóng băng và tan băng, mài mòn, đóng cặn hay gây thấm, ngấm, giảm tuổi thọ của cả công trình.

Nhiều người thắc mắc: Đường vừa rải bê tông xong phải rắc lá khô lên trên để làm gì? - Ảnh 3.

Nền nhà nứt, vỡ có thể là do lớp bê tông, xi măng nền không được giữ ẩm tốt. (Ảnh minh họa)

Một số lưu ý khác đối với bê tông, xi măng mới đổ:

- Tránh va chạm vật lý: Đó là tránh bước, đè hay ném một vật bất kỳ có sức nặng, lên bê tông, xi măng khi mới đổ xong. Việc này sẽ phá gần như phá hủy hoàn toàn lớp bê tông, xi măng mới, dẫn đến việc phải thi công lại.

- Luôn giữ ẩm cho bê tông: Sau khi hết thời hạn phủ lớp "bảo vệ", cần tưới nước liên tục mọi bề mặt hở của bê tông cho tới khi ngừng quá trình bảo dưỡng. Thời gian bảo dưỡng phụ thuộc vào khí hậu của từng vùng địa lý, giao động khoảng 1 - 7 ngày.

Tần suất tưới nước cũng vào khoảng 3 giờ tưới 1 lần, ban đêm ít nhất 2 lần. Những ngày sau mỗi ngày tưới 3 lần.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại