Nhiều người lao động "tự nguyện" không về quê ăn Tết: Không chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà còn những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai

Diệp Lục |

Có nhiều lý do khác nhau khiến nhiều người lao động ở Trung Quốc không về quê trong dịp Tết mà thay vào đó họ lựa chọn thời điểm khác.

Tiền thưởng là động lực

Những người đàn ông giao đồ ăn mặc áo đồng phục màu vàng đang đứng tập trung ở một góc bên ngoài một trung tâm mua sắm của thành phố Thượng Hải. Trong số đó, có anh Wang Junqiang đang đứng kiểm tra điện thoại di động của mình chờ nhận đơn hàng tiếp theo. Anh Wang đến từ phía tây bắc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc và vừa mới bước sang tuổi 40. Anh làm việc tại Thượng Hải được 10 năm nay.

Wang từng là nhân viên phục vụ tại chuỗi nhà hàng của Đài Loan. Anh mới gia nhập đội quân giao đồ ăn này từ năm ngoái khi xu hướng đặt đồ ăn trực tuyến bùng nổ. Wang cho biết anh sẽ làm việc xuyên Tết trong thời gian tới và anh cảm thấy vui vì điều đó. Công ty của Wang trả gấp 3 tiền lương hàng ngày cho nhân viên làm việc trong thời gian nghỉ Tết kéo dài một tuần.

Chưa dừng lại ở đó, sẽ có một phần thưởng trị giá 1000 nhân dân tệ (gần 4 triệu đồng) cho những ai làm việc đến đêm Giao thừa. Wang là một trong số nhiều người lao động lựa chọn ở lại thành phố thay vì về quê ăn Tết. Nhiều người lao động nhập cư chấp nhận không về quê hương trong dịp lễ Tết để họ có thêm tiền thưởng lo cho gia đình. Đối với Wang, người nhiều năm không về quê vào dịp Tết Nguyên đán, số tiền mà anh kiếm được là một sự khích lệ lớn.

Wang cũng nói rằng anh rất mừng khi không tham gia xuân vận, cuộc di cư lớn nhất trong năm của người Trung Quốc để về quê ăn Tết. Để trở về quê nhà của mình, anh phải qua Lan Châu hoặc Tây An vì không có chuyến tàu hoặc chuyến bay nào nối từ Thượng Hải. Việc mua vé tàu trong mùa xuân vận cao điểm cũng là điều khó khăn. Vợ con anh đều ở Thượng Hải cùng với Wang nên gia đình anh sẽ lựa chọn về quê vào thời gian thích hợp khác.

Nhiều người lao động tự nguyện không về quê ăn Tết: Không chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà còn những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai - Ảnh 2.

Nhiều người lao động tích cực làm việc trong dịp Tết Nguyên đán.

Cô Maggie Lu, 28 tuổi, một thợ làm tóc cũng không về quê ăn Tết. Cô gái này cho hay dịp Tết là thời gian cao điểm nơi cô làm việc, nhiều khách hàng nữ có nhu cầu làm tóc đẹp để đón năm mới.

"Đối với nghề của tôi thời gian bận rộn nhất là một tháng trước khi Tết đến bởi vì mọi người đều muốn có một mái tóc đẹp để đón năm mới. Vì vậy tôi chọn ở lại đây và vui chơi sau đó. Tôi cũng có một vài đồng nghiệp không về quê. Do vậy, nhân cơ hội này chúng tôi sẽ đi du lịch cùng nhau", Maggie cho hay.

Maggie Lu chuyển đến Thượng Hải từ vùng Tân Cương xa xôi cách đây nửa năm. Cô dự định sẽ về thăm quê hương vào thời gian khác. Cô cho biết, ở Thượng Hải cô kiếm được số tiền gấp đôi so với ở quê nhà. Chỉ cần siêng năng, chịu khó, tiền thưởng của cô cũng rất lớn.

Nhiều người lao động tự nguyện không về quê ăn Tết: Không chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà còn những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai - Ảnh 3.

Với thợ làm tóc như cô Maggie Lu, tháng Tết là thời gian cao điểm.

Sự lựa chọn khác

Còn đối với chị Lu Xiaomei, người có 15 năm sống ở Thượng Hải, việc không về nhà ăn Tết có một lý do khác, tiền không phải là yếu tố quyết định. Chị Lu là công nhân dọn vệ sinh cho một khu dân cư ở quận Jingan của Thượng Hải. Chị không hề được trả thêm tiền khi làm việc trong những ngày nghỉ lễ. Tuy nhiên, chị và chồng đều thích trở về quê hương vào thời gian khác.

"Trước tiên là thật khó để mua vé tàu. Nguyên nhân thứ 2 là chúng tôi rất khó để xin nghỉ về quê ăn Tết vì những người có quê gần Thượng Hải đều xin về hết. Vì vậy những người có quê xa như chúng tôi cần phải ở lại làm việc", chị Lu nói.

Còn cô Mathilda Lan, một nữ nhà báo trẻ, cho hay cô cảm thấy không thoải mái với những lời nói kém duyên của họ hàng mỗi khi gia đình sum họp. Chình vì thế cô lựa chọn không về nhà ăn Tết để tránh phải gặp mặt những người cô không thích với những câu hỏi nhàm chán.

Cô cho biết: "Đây là năm thứ 5 tôi không về nhà đón Tết. Trong khi ai cũng cố gắng bắt kịp chuyến xe về quê, tôi chỉ muốn tìm một nơi nào đó thật yên tĩnh, tránh xa khỏi lộn xộn và áp lực".

Nhiều người lao động tự nguyện không về quê ăn Tết: Không chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà còn những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai - Ảnh 5.

Chị Lu suy nghĩ cho công việc chung của mọi người nên không về quê ăn Tết.

Nhiều người lao động tự nguyện không về quê ăn Tết: Không chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà còn những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai - Ảnh 6.

Vào dịp Tết, các bến tàu, bến xe ở Trung Quốc luôn trong tình trạng quá tải.

Một cô gái trẻ (đến từ Tứ Xuyên, Trung Quốc) lại cho biết cô không thể về quê vì chưa được trả tiền lương. Rất nhiều người lao động bị trả chậm lương hoặc bị chủ "bùng tiền lương" đã khiến họ rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười. Họ không thể trở về quê nhà đón năm mới khi không có nhiều tiền.

Còn theo giáo sư Zheng Fengtian, người nghiên cứu về phát triển nông thôn và người lao động nhập cư Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho biết việc người lao động vẫn tiếp tục làm việc trong thời gian nghỉ lễ có ý nghĩa rất lớn.

Nếu tất cả đều biến mất trong kỳ nghỉ, đó sẽ làm một thảm họa cho cuộc sống đô thị. Các nhà hàng đều đóng cửa, thiếu các dịch vụ thiết yếu. Bất kỳ công việc nào cũng phải tính đến tính bền vững, thậm chí khi bạn chỉ điều hành một tiệm ăn vặt nhỏ, việc kinh doanh của bạn cũng có thể rơi vào tay một người lạ sau khi bạn trở về từ kỳ nghỉ lễ dài”, giáo sư này cho hay.

Trong thời gian này, quốc gia đông dân nhất thế giới đã bước vào giai đoạn cao điểm của giao thông dịp Tết Nguyên đán, khi hàng trăm triệu người lên đường về quê đoàn tụ gia đình. Ước tính khoảng 3 tỷ chuyến đi sẽ diễn ra trong thời gian từ 10/1 đến 18/2.

Nhiều người lao động tự nguyện không về quê ăn Tết: Không chỉ vì nỗi lo cơm áo gạo tiền mà còn những nỗi niềm chẳng biết tỏ cùng ai - Ảnh 8.

Nguồn: SCMP


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại