Tại khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai là tuyến cuối của Bộ Y tế cấp cứu 150 bệnh nhân nặng/ngày, không tăng so với ngày thường, trong đó 50% số ca chuyển tuyến.
Các ca bệnh chủ yếu là tim mạch, huyết áp, hô hấp, tai biến mạch máu não, sốc nhiễm khuẩn, đột quỵ, xuất huyết tiêu hóa do liên quan đến rượu, suy gan thận cấp.
Riêng số ca đột quỵ nhiều hơn ở người cao tuổi mắc bệnh lý mạn tính do ảnh hưởng thời tiết. Tuy nhiên bệnh viện đã cứu sống do cấp cứu kịp thời để làm kỹ thuật tiêu huyết khối, hạn chế để lại di chứng.
Theo các bác sĩ, số bệnh nhân trong dịp này không tăng là kết quả của việc thay đổi nhận thức của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe, đồng thời ghi nhận những nỗ lực chuyên môn của tuyến dưới xử lý kịp thời nên bệnh nhân giảm chuyển tuyến.
Bệnh nhân cấp cứu tại khoa A9, BV Bạch Mai. Ảnh: Dương Ngọc.
Lưu ý dấu hiệu cảnh báo cơn đột quỵ
Trong 5 ngày nghỉ lễ, khoa Cấp cứu A9 đã cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân đột quỵ trong tình trạng bệnh rất nặng. Chính vì thế, các chuyên gia cảnh báo người dân cần chú ý phòng bệnh và khi gặp người đột quỵ cần đưa đến cơ sở y tế ngay để cứu họ trong "giờ vàng", không làm mất đi cơ hội điều trị.
Tuyệt đối không áp dụng các biện pháp dân gian truyền miệng như cạo gió, chích máu đầu ngón tay hay cho bệnh nhân uống bất cứ loại thuốc gì.
Nói về đột quỵ, PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: “BV Bạch Mai là nơi tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ lớn nhất khu vực miền Bắc. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, số bệnh nhân được ghi nhận tăng lên, khoảng vài chục bệnh nhân mỗi ngày. Chúng tôi làm việc liên tục 24 giờ để hội chẩn, đưa ra phương án cứu chữa bệnh nhân kịp thời”.
Chuyên gia cũng chỉ rõ, bệnh đột quỵ có nhiều yếu tố nguy cơ, điển hình là tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì... Những người mang yếu tố nguy cơ này thì khi gặp điều kiện thời tiết bất thường như quá nắng nóng, quá lạnh thì dễ làm các yếu tố nguy cơ khởi phát và gây đột quỵ.
Biểu hiện đột quỵ rất đơn giản, người dân có thể nhận biết được. Các dấu hiệu này được tóm tắt bằng chữ F.A.S.T gồm:
F (Face): Đầu tiên là biến đổi ở mặt, bệnh nhân có thể liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch đi, biểu hiện rõ khi bệnh nhân cười, nhe răng.
A (Arm): Yếu liệt tay chân. Đánh giá bệnh nhân có bị yếu hoặc liệt một bên hay không bằng cách yêu cầu bệnh nhân đưa hai tay lên cao. Bệnh nhân không nâng tay lên được, nếu nâng được cũng rất khó.
S (Speech): Ngôn ngữ bất thường, nói khó.
T (Time): Khi xuất hiện bất kỳ các triệu chứng trên một cách đột ngột hãy nhanh chóng gọi cấp cứu 115, đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất.
Muốn phòng bệnh đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo người dân cần kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ như đã kể trên (tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, béo phì....); giữ lối sống lành mạnh, vận động hợp lý, khám sức khỏe định kỳ....
Xem thêm thông tin do PGS.TS Nguyễn Văn Chi tư vấn