Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"

nhật vũ |

Với lợi nhuận "khủng" từ những trại rắn hổ mang, dân làng Tứ Xã,Phú Thọ phải chấp nhận đối mặt với "tử thần" mỗi ngày.

Truyền thống nuôi rắn độc

Khi nhắc tới làng nuôi rắn độc ở đất Bắc, không ai không biết đến làng rắn Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Người dân trong làng chủ yếu nuôi rắn hổ mang phì. Rắn hổ mang phì là một trong những loài rắn cực kì độc và nguy hiểm. 

Nghề nuôi rắn ở đây được hình thành từ đầu những năm 1990 và chính thức được công nhận là làng nghề nuôi rắn vào năm 2007. Giai đoạn 2005 - 2010 là thời gian cực thịnh của làng nghề này, với hơn trăm tấn rắn thương phẩm xuất khẩu mỗi năm, giá trung bình hơn 700.000 đồng/con.

Đến năm 2016, nhiều hộ dân tại làng nghề chuyển mô hình từ nuôi rắn hổ mang thương phẩm sang nuôi rắn hổ mang sinh sản do nhu cầu thị trường tăng mạnh. Tại thời điểm rực rỡ nhất, các hộ xuất khẩu cả trăm vạn trứng và rắn hổ mang con sang Trung Quốc.

Mỗi con nặng từ 2 đến 5 kg. Lượng nọc độc được tiết ra từ cú cắn của một con rắn hoàn toàn có thể hạ gục một người trưởng thành trong 30 phút nếu không được sơ cứu kịp thời. Nhưng cũng chính loại rắn độc này đã mang đến sự thịnh vượng cho những người dân nơi đây.

Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 1.
Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 2.

Các chuồng trại nuôi rắn tại các hộ ở làng Tứ Xã

Tại khu vực chuồng trại rộng khoảng 400m2 của gia đình ông Nguyễn Văn Cẩn có khoảng 1500 cá thể từ rắn thương phẩm đến rắn giống. Hệ thống chuồng trại và trang thiết bị an toàn được thiết kế khá đơn giản, thô sơ. Hang rắn rộng 60 phân vuông, được ốp bằng 5 đến 8 đường gạch chỉ thành dạng hình hộp chữ nhật. 

Cửa hang được đặt phía trước được làm bằng các nẹp gỗ, kèm theo lưới thép có lỗ nhỏ hơn đầu rắn, phía trên có các khoá an toàn. Bên dưới có máng hốt đựng chất thải và xác rắn. Với thiết kế như vậy, rắn hoàn toàn có thể thoát ra ngoài nếu như khoá an toàn không được khoá chắc chắn.

Tay kẹp kéo dài được dùng mỗi khi cho rắn ăn hoặc dọn xác rắn đều là những sản phẩm tự chế của người dân. Tay kẹp bao gồm 1 bộ phanh tay xe đạp, một tay cầm bằng inox và một đầu kẹp. Độ an toàn của những tay kẹp này hoàn toàn chưa được kiểm chứng.

Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 3.
Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 4.
Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 5.

Nọc độc của rắn hổ mang có thể tác động lên hệ thống thần kinh, gây ra các triệu chứng như đau đớn, co giật, và thậm chí là mất ý thức. Đối với những người bị cắn, nó có thể gây ra sự suy giảm chức năng hô hấp, tim mạch và gây tử vong.

Bản thân ông Bùi Tuấn Thành (một hộ nuôi rắn khác trong xã) cũng đã từng thoát chết trong một lần bị cắn khi lấy trứng trong ổ rắn.

Trở thành tỷ phú nhờ nuôi “tử thần”

Trong thời kì ngủ đông, rắn sẽ không ăn uống bất kì thứ gì. Nhiệt độ thời tiết xuống 20 độ thì con rắn sẽ tự động nghỉ ăn. Sau đó khi khí hậu ấm lên trên 20 độ rắn có thể ăn bất kỳ thứ gì. Thức ăn cho rắn là nhái, cóc, gà, vịt con…

"Từ tháng 10 đến đến tháng 2 âm lịch là thời gian nghỉ đông của rắn, đến tháng 2 trời ấm lên thì mới cho rắn ăn. Mồi cho rắn ăn thì phải rã đông trước, đa phần là gà hoặc vịt con mới nở bị loại. Đến khi cho ăn phải biết cho ăn cầm chừng để rắn không thừa sức mà phá chuồng", ông Cẩn cho biết.

Quy trình vệ sinh chuồng trại rắn sẽ diễn ra sau khi rắn được bán đi. Người ta sẽ cạo phân và lấy xác rắn ở hang, dọn cho hang sạch sẽ rồi sau đó quét một lớp vôi để khử trùng…

Nguy hiểm là vậy, thế nhưng với những hộ chăn nuôi tại đây, loài bò sát này còn quen mặt hơn cả những loài gia súc, gia cầm như gà, vịt, lợn… Bởi lẽ, đối với người dân ở đây, rắn là cả "gia tài" nên việc họ dành nhiều thời gian cho chúng cũng là lẽ tất yếu. Có thể nói, người làng Tứ Xã đang làm bạn, chăm sóc và thu lợi từ loài bò sát "tử thần".

Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 6.
Nhiều người đánh cược tính mạng để trở thành tỷ phú với nghề nuôi rắn "tử thần"- Ảnh 7.

Ngoài bán rắn thương phẩm và rắn giống ra thị trường, gia đình ông Thành còn kinh doanh nhiều đặc sản thịt rắn như súp rắn, rượu rắn, cao rắn,..v.v.. Tổng thu nhập ước tính từ việc nuôi rắn đem đến cho gia đình ông hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Những sản phẩm từ rắn không quá phổ biến tại Việt Nam vì vậy Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính. Thậm chí, các thương lái từ Lạng Sơn, Móng Cái về ăn ngủ tại làng để tìm kiếm nguồn hàng. Giá trứng rắn hổ mang cao điểm nhất vào năm 2018 đã lên đến 80.000 đồng/quả.

Nhưng một vài năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, hàng không xuất đi được, người dân lâm vào cảnh lao đao, khốn khó khi mà bỏ thì lỗ mà tiếp tục nuôi chờ ngày thông biên thì quá tốn kém. 

Ngoài ra, việc tìm kiếm thức ăn cho rắn cũng đang gặp khó khăn. Trước đây, thức ăn của rắn chủ yếu là cóc. Nhưng bây giờ cóc ít, người dân chuyển sang nuôi rắn bằng trứng, gà, vịt con nên phải đi khắp các trại ấp nở để thu mua. Tuy nhiên, gần đây, giá những loại thức ăn này tăng nên kéo theo chi phí đầu vào cao hơn. 

Rắn thương phẩm xuống giá, khiến người dân phải chuyển qua nuôi rắn sinh sản nhằm cung cấp giống cho các địa phương lân cận. Nhiều hộ dân đã tìm cách để đa dạng và mở rộng cách thứ chăn nuôi. Từ đó tạo nên những bước đột phá trong việc phát triển và tiêu thụ rắn. Cũng chính vì vậy mà tới thời điểm hiện tại làng nghề nuôi rắn truyền thống này cũng có những bước khởi sắc.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại