Nhiều người dân Trung Quốc chán cảnh 'nghỉ dài - làm bù'

Hoa Vũ/VTC News |

Việc làm bù những ngày cuối tuần để có được kỳ nghỉ lễ dài hơn không còn nhận được sự ủng hộ của không ít người lao động Trung Quốc.

Cũng giống như hàng trăm triệu công nhân khác ở Trung Quốc, Hao Zeyu, một kỹ sư thuật toán làm việc cho một nhà sản xuất xe điện, được nghỉ 5 ngày trong tuần này nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động. Tuy nhiên, Hao "không thấy vui".

Để có kỳ nghỉ dài từ ngày 1/5 - 5/5, người lao động Trung Quốc sẽ phải làm bù một ngày vào mỗi cuối tuần trước và sau kỳ nghỉ.

Việc điều chỉnh ngày làm việc sang cuối tuần để có kỳ nghỉ dài hơn trong những ngày lễ lớn của Trung Quốc gọi là “tiaoxiu”, được giới thiệu vào năm 1999 để kích thích chi tiêu của người tiêu dùng sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Điều này trở thành chủ đề gây phẫn nộ trên mạng trong những tuần trước kỳ nghỉ lễ Lao động năm nay.

"Tôi thực sự không thích điều đó", Hao nói với CNN. "Tôi nghĩ chính sách này nhằm mục đích thúc đẩy tiêu dùng vào một giai đoạn nhất định của sự phát triển đất nước, nhưng tôi không còn ủng hộ nó nữa".

Nhiều người dân Trung Quốc chán cảnh 'nghỉ dài - làm bù'- Ảnh 1.

Nhiều người lao động Trung Quốc không ủng hộ việc điều chỉnh kỳ nghỉ Lễ Lao động năm nay. (Ảnh: Getty Images)

Vậy, tại sao một chính sách kéo dài hàng thập kỷ lại gây ra nhiều bức xúc ở một đất nước hàng năm vẫn coi trọng Ngày Quốc tế Lao động?

Mong muốn kỳ nghỉ thực sự

Trong những tuần gần đây, các than phiền về việc sắp xếp kỳ nghỉ lễ Lao động năm nay đã nổ ra trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người cho rằng chính phủ vì ưu tiên kinh doanh hơn là thứ người lao động thực sự cần, đó là một kỳ nghỉ thực sự.

Một cư dân mạng bày tỏ quan điểm rằng cuộc thảo luận trực tuyến không chỉ là tranh luận về chính sách, mà còn là hiện thân của "sự cạn kiệt về thể chất và tinh thần do tình trạng làm thêm giờ điên cuồng".

“Những gì chúng tôi mong muốn là một kỳ nghỉ hiệu quả, điều cần thiết sau những ngày làm việc quá sức,” người này bình luận.

Một người khác viết trên nền tảng mạng xã hội Weibo rằng họ “muốn có những kỳ nghỉ mà người lao động không phải làm bù để có được những kỳ nghỉ dài ngày đó”.

“Ai sẽ có tâm trạng tiêu tiền nếu họ không có những ngày nghỉ thực sự?” , người này đã viết.

Tệ hơn nữa, các kỳ nghỉ “được sắp xếp” thường dẫn đến tình trạng tranh giành vé tàu, vé máy bay, giá phòng khách sạn tăng cao và sự hỗn loạn tại các điểm du lịch nổi tiếng, Hao nói với CNN .

Nhiều người dân Trung Quốc chán cảnh 'nghỉ dài - làm bù'- Ảnh 2.

Các kỳ nghỉ lễ dài thường nhằm mục đích kích cầu tiêu dùng, du lịch ở Trung Quốc. (Ảnh: Chinanews)

Ngày Quốc tế Lao động 1/5 không phải là ngày lễ duy nhất áp dụng chính sách "làm bù - nghỉ dài" ở Trung Quốc, mà còn thường được áp dụng cho các kỳ nghỉ Tết Nguyên đán vào tháng 1 hoặc tháng 2, Ngày Quốc khánh 1/10, để tạo ra những kỳ nghỉ 7 ngày được gọi là “Tuần lễ vàng”.

Ngày nghỉ thực tế không nhiều

Christian Yao, một giảng viên cao cấp tại Đại học Wellington (New Zealand), cho biết nền kinh tế Trung Quốc đang "trải qua những năm rất khó khăn" khi nước này nỗ lực chuyển đổi từ một cường quốc sản xuất thành một nền kinh tế tri thức.

Ông cho rằng người lao động đang bắt đầu đặt câu hỏi về hướng đi của đất nước, trong khi nền kinh tế chậm lại gây áp lực lên các công ty trong việc cải thiện năng suất đồng thời cắt giảm chi phí.

“Người lao động buộc phải làm việc chăm chỉ hơn, sợ mất việc, đồng thời lo lắng rằng liệu việc tìm một công việc khác có mang lại cho họ mức lương cao hơn hay không”, ông Yao nói.

Mặc dù một bộ phận người lao động đã quen với việc làm việc nhiều giờ theo văn hóa làm việc “996” của Trung Quốc (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối trong 6 ngày một tuần), phổ biến ở các công ty công nghệ, công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp tư nhân khác của đất nước, nhưng Yao cho biết nhiều người vẫn không ủng hộ việc "làm bù - nghỉ dài".

Với chính sách này, Trung Quốc có thể chỉ định hơn 25 ngày là ngày nghỉ lễ chính thức. Tuy nhiên, nếu trừ đi những ngày làm bù, người lao động sẽ chỉ có 11 ngày. Dù vậy, số ngày nghỉ này vẫn không ít hơn nhiều quốc gia phát triển khác, như Mỹ có 11 ngày nghỉ lễ liên bang trong khi Vương quốc Anh chỉ có 8 ngày.

Nhiều người dân Trung Quốc chán cảnh 'nghỉ dài - làm bù'- Ảnh 3.

Người lao động Trung Quốc mệt mỏi với văn hóa làm việc 669. (Ảnh: Bloomberg)

Tuy nhiên, vấn đề đối với người lao động Trung Quốc là thời gian nghỉ phép có lương theo quy định (PTO) hoặc nghỉ phép hàng năm của họ chỉ là 5 ngày một năm, ít hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác.

Khi tình hình kinh tế thuận lợi, các công ty Trung Quốc hào phóng hơn trong việc cấp các ngày nghỉ phép PTO đó. Nhưng tình hình lại khác trong thời kỳ suy thoái kinh tế.

Max Teng, một chuyên gia kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, nói với CNN rằng anh từng làm việc cho một công ty nước ngoài ở Trung Quốc nhưng sự thật là nó không hề tốt hơn.

"Nếu bạn nghỉ phép dài ngày, mọi người sẽ có những phản hồi tiêu cực về bạn. Vì vậy, nhiều người không dám nghỉ phép ngay cả khi được cho phép", anh nói.

Tuần tới, Teng sẽ phải làm bù vào ngày thứ bảy (11/5). “Tôi cảm thấy rất chán nản vì phải làm việc ít nhất 6 ngày liên tục”, anh nói.

Những ngoại lệ

Một số ít công ty đang làm mọi việc theo cách riêng của họ. Yaer Tuerdi, 26 tuổi, làm việc trong bộ phận tiếp thị của Kentucky Fried Chicken, được điều hành bởi gã khổng lồ thức ăn nhanh Yum China (YUMC).

Yum China không yêu cầu nhân viên phải đến làm việc trong hai ngày làm bù được chỉ định của kỳ nghỉ lễ Lao động năm nay.

"Tôi thích điều đó. Tôi có thể nghỉ ngơi một cách thoải mái", Tuerdi chia sẻ.

Một phong trào giữa các doanh nghiệp độc lập đang đẩy lùi lại sự ám ảnh về việc làm thêm giờ quá dài ở Trung Quốc. Một trong những người ủng hộ nổi bật hơn là Pang Dong Lai, chuỗi siêu thị nổi tiếng về dịch vụ khách hàng có trụ sở tại tỉnh Hà Nam, miền trung nước này.

Nhiều người dân Trung Quốc chán cảnh 'nghỉ dài - làm bù'- Ảnh 4.

Ông Yu Donglai, người sáng lập kiêm Chủ tịch Pang Dong Lai, luôn ủng hộ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. (Ảnh: MS News)

Vào tháng 3, người sáng lập kiêm Chủ tịch Yu Donglai tuyên bố ông sẽ bổ sung 10 ngày nghỉ phép "không vui" mỗi năm cho các nhân viên không cảm thấy hứng thú với công việc.

"Mọi người đều có những lúc cảm thấy chán nản và nếu họ có thể nghỉ phép những lúc buồn chán này, họ có thể cảm thấy vui vẻ trở lại để làm việc hiệu quả hơn", ông Yu nói thêm và chỉ thị các nhà quản lý "không có quyền" từ chối các đơn xin nghỉ phép như vậy.

Ông Yu là một trong số ít những người ủng hộ sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống trong một nền văn hóa "chịu khổ để thành công". Ông thường xuyên lên tiếng tại các diễn đàn kinh doanh để rao giảng niềm tin của mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại