Sau một số sang chấn tâm lý rất dễ bị stress
Tại buổi toạ đàm "Rối loạn liên quan đến stress và gánh nặng" do Viện Sức khỏe Tâm thần (SKTT), Bệnh viện Bạch Mai tổ chức chiều 4-4, bác sĩ Dương Minh Tâm, Phòng Điều trị Rối loạn liên quan stress thuộc Viện SKTT, cho biết thế giới có khoảng 350 triệu bệnh nhân phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu, và chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn, gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường.
Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.
Tại Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan tới stress, tỉ lệ này ngày càng cao.
Hiện rất nhiều người bị stress do các nguyên nhân khác nhau: sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội… sự thiệt hại về kinh tế hoặc mất người thân. Các rối loạn bệnh có liên quan đến stress như các rối loạn lo âu, ám ảnh, hoảng sợ, lo âu lan toả, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm…
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân đến cơ sở y tế được chẩn đoán bị các vấn đề sức khoẻ tâm thần rất muộn do đa phần người bệnh không nhận biết được mình bị bệnh gì.
Thêm nữa, do hiểu lầm về bệnh tâm thần phải thường là "hâm hâm dở dở", "nhặt lá, đá ống bơ", trong khi bệnh lại ẩn dưới nhiều biểu hiện khác nhau, thậm chí trước khi được điều trị đúng bệnh, họ được nhận diện các bệnh lý hoàn toàn khác như: tim mạch, hô hấp...
Các bệnh nhân hay đến khám chuyên khoa tim mạch hơn là tâm thần. Rất nhiều trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… Sau khám tim mạch và dùng thuốc điều trị, các bệnh trên đều không thuyên giảm.
Trong khi đó, rối loạn tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tâm thần. Nhiều ca sĩ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về sức khỏe tâm thần mà căn nguyên gốc liên quan đến stress.
Bác sĩ cho biết Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan tới stress
Đáng nói là có một bộ phận người bệnh bị các bệnh lý tâm thần đã tìm đến biện pháp cúng bái để... chữa bệnh.
"Mới đây chúng tôi tiếp nhận bệnh nhân nữ 38 tuổi vào viện vì đau đầu kéo dài, mất ngủ (chỉ ngủ 1-2 giờ/đêm) và thường xuyên bị căng thẳng, hồi hộp, tức ngực, vã mồ hôi, dạ dày trào ngược...
Trước khi đến bệnh viện khám chuyên khoa tâm thần, bệnh nhân này đã đi khám dạ dày, thần kinh, tim mạch, hô hấp, uống nhiều thuốc tại các tuyến điều trị mà không khỏi bệnh. Bệnh nhân chỉ được chữa khỏi khi được chẩn đoán và điều trị theo phác đồ bệnh lý rối loạn lo âu lan tỏa.
Theo tiến sĩ-bác sĩ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện SKTT (Bệnh viện Bạch Mai), sau stress ai cũng có cảm xúc căng thẳng nhất định.
Tuy nhiên, nếu thấy trước đây khoẻ, mà nay xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) nhưng không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng... nên đến khám ở các chuyên khoa sức khoẻ tâm thần.
Dễ bị stress sau vì bị ấu dâm, lạm dụng tình dục
Các bác sĩ cũng lưu ý, nhiều trường hợp bị rối loạn strees sau sang chấn tâm lý có liên quan đến việc bị bạo hành, bị ấu dâm, bị lạm dụng tình dục. Đặc biệt, với những đứa trẻ bị lạm dụng, sau này nguy cơ bị stress sẽ cao hơn rất nhiều.