Nhiều người bị cúm, có "cháy" Tamiflu không?

Khánh Ngọc |

Tamiflu được nhiều người “săn” mua vì lo ngại dịch cúm và đến nay thuốc này không còn ở nhiều hiệu thuốc và giá cũng được thổi lên.

Anh Nguyễn Mạnh Hà trú tại Linh Đàm, Hà Nội mệt mỏi vì con trai 2 tuổi của anh bị cúm A H1N1 và bác sĩ kê cho thuốc Tamiflu nhưng khi anh đi mua thì không thể mua nổi thuốc này ở các nhà thuốc do “cháy” hàng.

Anh Hà cho biết con trai thứ hai nhà anh bị sốt 3 ngày kèm theo triệu chứng ho. Lúc đầu anh chị tưởng con sốt vi rút nên chỉ hạ sốt nhưng hết sốt được 1 ngày sau thì cháu lại bị sốt lại. 

Lúc này, anh Hà đưa con đi khám và làm thêm xét nghiệm cúm. Kết quả, bé dương tính với cúm A/H1N1 và được bác sĩ kê thuốc Tamiflu.

Không mua được ở hiệu thuốc, anh Hà cầm đơn ra tận chợ thuốc đi nhiều cửa hàng hỏi mua cũng mua được vỉ thuốc với giá 510 nghìn đồng. Anh Hà kể vì gần Tết và nghe thấy cúm có thể dễ lây lan đặc biệt bé mệt mỏi, hay sốt lại nên anh càng sốt suốt hơn phải cố mua bằng được.

Trường hợp của con chị Vũ Thị Yến – Kim Liên, Hà Nội cũng bị cúm A./H1N1 và được kê thuốc Tamiflu. Không mua được thuốc, chị Yến phải lên mạng hỏi tất cả mọi người có ai tích trữ thuốc này hay mua ở đâu chỉ giúp chị Yến.

Tuy nhiên, đây là loại thuốc đắt lại không phổ biến trong gia đình hàng ngày nên việc mua lại hay nhờ cậy những người thân càng trở nên khó khăn hơn. 

Cuối cùng, chị Yến đành điều trị cúm cho con bằng thuốc khác. Đã hết 1 tuần, sức khỏe bé ổn định hơn nhưng khi rơi vào hoàn cảnh không mua được thuốc cho con khi con bị ốm, chị Yến lại thêm hoang mang.

Vế phía Bộ Y tế, theo ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược thuốc Tamiflu và các thuốc khác có chứa hoạt chất Oseltamivir là thuốc kê đơn, khi cấp phát, bán lẻ và sử dụng phải có đơn thuốc, nếu sử dụng không theo đúng chỉ định của người kê đơn thì có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe.

Hiện nay, Cục Quản lý Dược đã chủ động chỉ đạo các doanh nghiệp dược phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để kịp thời dự báo nhu cầu sử dụng thuốc, làm cơ sở cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ động kế hoạch cung ứng thuốc.

Qua đánh giá sơ bộ từ số lượng nhập khẩu, hiện khả năng cung ứng thuốc Tamiflu là đủ để cung ứng cho nhu cầu sử dụng thuốc trong bối cảnh hiện tại ở nước ta.

Ông Đông cũng chỉ rõ, các đơn vị sử dụng cần chủ động dự trù, đặt hàng dự trữ tồn kho với các cơ sở kinh doanh xuất nhập khẩu để có kế hoạch cung ứng thuốc kịp thời, tránh trường hợp khi không có dịch không dự trữ, đến khi có dịch không kịp nhập khẩu.

Cũng theo thông tin của ông Đông, thuốc Tamiflu chứa hoạt chất Oseltamivir hàm lượng 75mg đã được cấp giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam và không phải thuốc thuộc diện kiểm soát đặc biệt.

Theo quy định hiện hành, thuốc được nhập khẩu mà không phải thực hiện việc cấp phép nhập khẩu nên không bị giới hạn về số lượng thuốc nhập khẩu và được nhập khẩu theo nhu cầu thị trường.

Theo khuyến cáo của Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế, bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C.

Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều khuyến cáo việc dùng thuốc điều trị Tamiflu cho bệnh nhân cúm chỉ có tác dụng khi phát hiện bệnh từ rất sớm. Thuốc chỉ có tác dụng trong 48 giờ đầu sau khi uống giảm sốt và rút ngắn thời gian mắc bệnh xuống 3-4 ngày.

Vì vậy, khi con cúm, cha mẹ không nhất thiết phải tìm mua bằng được thuốc Tamiflu để uống thay vào đó hãy chăm sóc tốt cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại