Ước kết quả kinh doanh hợp nhất tháng 8-2021 vừa được Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) gửi đến Ủy ban Chứng khoán nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM ngày 27-9 cho thấy doanh nghiệp (DN) này đạt doanh thu hơn 4.700 tỉ đồng, bằng 166% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế 320 tỉ đồng, bằng 147% so với cùng kỳ.
Bệ đỡ xuất khẩu
Lũy kế 11 tháng niên độ tài chính 2020-2021, HSG ước đạt tổng sản lượng hơn 2 triệu tấn sản phẩm, vượt xa so với kế hoạch 1,8 triệu tấn và bằng 143% so với cùng kỳ. Doanh thu trong 11 tháng của HSG đạt trên 42.500 tỉ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ước đạt gần 4.000 tỉ đồng, tăng rất mạnh so với lợi nhuận chỉ hơn 1.000 tỉ đồng trong 11 tháng cùng kỳ.
Đại diện HSG cho hay xuất khẩu là một trong hai kênh bán hàng chủ lực của tập đoàn khi "phủ sóng" được tới khách hàng ở trên 87 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, sản lượng xuất khẩu của HSG vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.
Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam cũng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay, sản lượng xuất khẩu tôn mạ của HSG chiếm hơn 42% kim ngạch xuất khẩu tôn mạ toàn ngành. Hiện, HSG đã ký các hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 11-2021 với sản lượng xuất khẩu trung bình trên 120.000 tấn/tháng.
Với lợi thế có cảng biển nước sâu ngay tại nhà máy, sản phẩm thép của Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát cũng có nhiều lợi thế cạnh tranh nhờ việc dễ dàng vận chuyển đến các thị trường quốc tế.
Tính riêng tháng 8-2021, sản lượng sản xuất thép thô của DN này đạt 681.000 tấn, tăng 40% so với cùng kỳ, trong khi đó, sản lượng bán hàng các sản phẩm thép đạt tới 690.000 tấn.
DN ngành thép này cũng định hướng đẩy mạnh xuất khẩu đối với các sản phẩm như tôn mạ lạnh và mạ kẽm đến các nước châu Âu, Mỹ, khu vực Nam Mỹ và Đông Nam Á. Đã có thời điểm, sản lượng xuất khẩu tôn mạ lạnh và mạ kẽm của DN chiếm trên 50% sản lượng sản xuất.
Nỗ lực duy trì "3 tại chỗ"
Các DN ngành gỗ đặt mục tiêu xuất khẩu toàn ngành trong năm nay đạt khoảng 16 tỉ USD, tăng đáng kể so với kết quả 12,3 tỉ USD của năm ngoái. Số liệu từ Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho thấy 7 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu sản phẩm ngành gỗ mỗi tháng tăng trưởng khoảng 1,3-1,4 tỉ USD.
Tuy dịch bệnh khiến đà tăng trưởng giảm trong tháng 8 song ước tính 9 tháng đầu năm, xuất khẩu toàn ngành vẫn đạt 11,14 tỉ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
"Sở dĩ các DN duy trì mức tăng trưởng đáng kể là nhờ họ nỗ lực duy trì sản xuất "3 tại chỗ", chấp nhận lỗ để không làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đáp ứng được đơn hàng xuất khẩu trong thời điểm khó khăn như hiện nay.
Nhiều DN còn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại, phần nào đáp ứng được nhu cầu tự động hóa. Từ đó, áp lực về lao động giảm xuống và cơ hội tìm kiếm, giao dịch với khách hàng tăng lên" - ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, giải thích.
Đại diện Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay tính đến thời điểm này, phần lớn DN trong ngành đều đã tổ chức tiêm vắc-xin cho công nhân. Các DN mong đợi chính sách "sống chung với Covid-19" sắp tới sẽ tạo cơ hội cho ngành gỗ khởi động sản xuất để giải quyết đơn hàng xuất khẩu tăng cao vào những tháng cuối năm.
Cũng phải nỗ lực duy trì sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", các DN ngành hồ tiêu bị giảm công suất sản xuất, kéo theo xuất khẩu bị ảnh hưởng. Do đó, 9 tháng đầu năm, DN ngành này xuất khẩu hơn 204.000 tấn, giảm nhẹ 0,29% về lượng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng hơn 47% về trị giá.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho hay nguồn cung hồ tiêu thế giới giảm do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trong khi nhu cầu tăng nhẹ đã giúp giá hồ tiêu tăng từ mức 2.100 USD/tấn ở cùng kỳ năm ngoái lên mức 3.700-4.000 USD/tấn hiện nay.
"DN hy vọng sớm được nới lỏng giãn cách để khôi phục sản xuất. Nếu được như vậy, ngành hồ tiêu năm nay có thể tăng trưởng về cả sản lượng và giá trị xuất khẩu so với năm ngoái" - ông Hải nhận định.
Nhiều ngành sản xuất không chỉ trụ vững trong dịch Covid-19 mà còn tăng trưởng tốt. Ảnh: HOÀI DƯƠNG
Nắm bắt cơ hội thị trường
Ở lĩnh vực bánh kẹo, Kido là một trong những DN nhanh nhạy biến nguy thành cơ khi kịp thời thay đổi các mục tiêu phát triển, cập nhật và bổ sung các loại hình kinh doanh mới để phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, Kido ghi nhận doanh thu mảng dầu ăn tăng trưởng 34% trong nửa đầu năm 2021.
Ông Trần Lệ Nguyên, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Kido, cho biết DN luôn chủ động chuẩn bị các kế hoạch kinh doanh linh hoạt phù hợp với tình hình thị trường. Trong đó, DN đã thành lập "team" phản ứng nhanh với Covid-19 tại DN, xây dựng quy chế nội bộ nhằm xử lý và kiểm soát hoạt động của DN cũng như kiểm soát dịch bệnh…
Trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, DN này đã phải tạm ngưng phát triển, mở rộng mô hình cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy tại TP HCM trong tháng 6 và 7. Tận dụng khoảng thời gian giãn cách với mục tiêu biến khó khăn thành cơ hội, DN đã nghiên cứu để cho ra những sản phẩm mới, độc đáo, khác biệt so với sản phẩm của DN khác trong ngành.
"Cùng với cà phê, trà sữa, kem… với đặc trưng riêng của thương hiệu Chuk Chuk, chúng tôi có các sản phẩm khác như nước xoài xanh muối ớt, nước hồng trà ổi xá lị... Khoảng thời gian giãn cách cũng là cơ hội để chúng tôi nâng cấp thương hiệu thông qua việc nâng cấp bao bì, chất lượng sản phẩm cùng các dịch vụ giao hàng" - Tổng Giám đốc Kido tiết lộ.
Trong ngành điều, 8 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 396.00 tấn, tăng gần 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông Trần Hữu Hậu, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, cho biết hạt điều có giá trị dinh dưỡng cao, dự trữ được trong thời gian dài nên được thị trường thế giới ưa chuộng, đặc biệt là tại châu Âu và Mỹ.
Ngoài ra, xuất khẩu điều thời gian qua tăng trưởng tốt còn do sản phẩm của Việt Nam là điều nguyên liệu, được các nhà sản xuất, chế biến trên thế giới tăng cường thu mua để phục vụ chế biến. "Để không bị đứt gãy chuỗi cung ứng, các DN điều trong nước đã phải tìm kiếm nhiều nhà cung ứng vận tải biển, thậm chí chấp nhận giá cao để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu" - ông Hậu cho biết thêm.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính xuất khẩu trong tháng 9 đạt trên 232 triệu USD, tăng 1,52% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,75 tỉ USD, tăng 10,4 % so với cùng kỳ năm ngoái.
"Lưu thông hàng hóa trong tháng 9 đã cải thiện hơn giai đoạn đầu giãn cách nên giá trị xuất khẩu tăng nhẹ. Các thị trường ngoài Trung Quốc như Nga, Mỹ, Úc, Nhật tăng nhập khẩu sản phẩm từ Việt Nam đến 23%-46% so với cùng kỳ cũng giúp bức tranh xuất khẩu của ngành sáng hơn" - ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhìn nhận.
Theo đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu các loại rau củ quả từ các thị trường thế giới đang tăng mạnh.
Trong khi đó, khả năng đáp ứng của các DN Việt Nam đến đâu lại tùy thuộc vào công tác kiểm soát dịch Covid-19 trong nước. Nếu sang tháng 10, giãn cách được nới lỏng thì ngành này sẽ tăng trưởng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu các thị trường vào cuối năm.
Giao thương hàng hóa dần cải thiện
Sở Công Thương TP HCM ngày 27-9 cho biết tình hình giao thương hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố đã dần được cải thiện. Dẫn số liệu của Cục Thống kê TP, Sở Công Thương cho hay doanh thu nhóm mặt hàng này trong tháng 9 ước đạt 5.864 tỉ đồng, giảm 0,6% so với tháng trước (doanh thu tháng 8 ước giảm đến 7,95% so với tháng 7).
Thời gian qua, ngành công thương đã triển khai nhiều giải pháp bảo đảm cung ứng hàng hóa lương thực thực phẩm thiết yếu đến tay người dân thành phố.
Sắp tới, theo lộ trình kế hoạch mở cửa trong điều kiện an toàn phòng chống dịch của TP HCM, Sở Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp các sở ngành, địa phương tổ chức kiểm tra chặt chẽ việc đáp ứng các điều kiện về an toàn phòng chống dịch Covid-19, đánh giá nguy cơ và khả năng kiểm soát trước khi đưa vào hoạt động các chợ đầu mối nông sản, thực phẩm trên địa bàn.
Song song đó, xây dựng kế hoạch, phương án mở cửa hoạt động đối với các chợ truyền thống; rà soát, đánh giá lại tình hình cung ứng hàng hóa lương thực, thực phẩm thiết yếu để đúc kết kinh nghiệm và xây dựng mô hình hoạt động mang tính bền vững hơn...