Ngân hàng ACB vừa công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020. Theo đó, quý 3/2020, tổng thu nhập hoạt động của ngân hàng đạt 4.485 tỷ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 20,2% đạt 3.635 tỷ đồng.
Các mảng khác như kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư cũng tăng trưởng cao. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 5,3% xuống 491 tỷ đồng, hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 66,5% xuống 17 tỷ đồng.
Ảnh minh họa
Chi phí hoạt động trong quý 3/2020 của ACB chỉ ở mức 1.732 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019. ACB đã trích 162 tỷ đồng cho chi phí dự phòng trong quý 3/2020, tăng 143% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận trước thuế quý 3 của ngân hàng đạt 2.591 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 6.411 tỷ đồng, tăng 15,3%, bất chấp ngân hàng đã tăng mạnh chi phí dự phòng lên hơn 4 lần so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng của ACB 9 tháng ở mức 694 tỷ đồng, chỉ chiếm 9,8% so với lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh do ngân hàng có nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất hệ thống.
Mới đây, báo cáo tài chính quý 3/2020 của Vietcombank công bố cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 4.983 tỷ đồng, giảm 21%. Lũy kế 9 tháng, ngân hàng này thu về tổng cộng 15.965 tỷ lợi nhuận trước thuế, giảm 9%.
Nguyên nhân khiến lợi nhuận quý 3 của ngân hàng này giảm là do thu nhập lãi thuần và lãi dịch vụ đạt lần lượt 8.723 tỷ và 1.257 tỷ đồng, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Các hoạt động ngoài tín dụng như lãi mua bán chứng khoán kinh doanh giảm 79%; lãi hoạt động khác giảm 39%.
Trong khi đó, chi phí dự phòng rủi ro quý vừa qua của Vietcombank tăng 35%, tiêu tốn trên 2.000 tỷ đồng của ngân hàng. Đặc biệt, dòng tiền kinh doanh quý vừa qua của Vietcombank âm tới gần 71.200 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ âm chưa tới 10.400 tỷ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do Vietcombank gia tăng các khoản đầu tư an toàn như trái phiếu, tiền, vàng gửi và cho vay các TCTD khác, và giảm các khoản có phát sinh rủi ro như chứng khoán, cho vay khách hàng…
Lợi nhuận ngân hàng giảm không chỉ trong bối cảnh hiệu quả cho vay thấp mà còn đến từ tăng chi phí dự phòng tín dụng. Xu hướng này diễn ra trong bối cảnh nợ xấu gia tăng. Đến cuối tháng 9, tổng tài sản của ngân hàng giảm 3%, còn gần 1,2 triệu tỷ; cho vay khách hàng tăng 7%, đạt 783.757 tỷ đồng.
Trong đó, nợ xấu của ngân hàng tăng 36% so với đầu năm, đạt gần 7.885 tỷ. Đáng chú ý, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng hơn 4 lần, Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng gần 3 lần, Nợ nhóm 5 – Nợ có khả năng mất vốn giảm 26%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ngân hàng qua đó tăng từ 0,79% đầu năm lên 1,01%.
Theo công bố về kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2020 của VPBank , tổng doanh thu hợp nhất sau 9 tháng đạt 28,3 nghìn tỷ đồng (tăng 7,6%), riêng ngân hàng mẹ tăng trưởng 18,7% so với cùng kỳ. Tính riêng trong quý 3, doanh thu của ngân hàng mẹ đạt gần 5 nghìn tỷ đồng (tăng gần 8% so với quý 2/2020).
Thu nhập từ phí của ngân hàng mẹ tăng trưởng gần 36%, đạt hơn 2,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 15,1% tổng thu nhập hoạt động.
Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro sau 9 tháng đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (tăng 24%), và ghi nhận tăng trưởng đột phá tại FE Credit (công ty con 100% vốn của VPBank) với mức tăng 30,3% so với cùng kỳ.
VPBank cho biết lợi nhuận trước thuế thu được sau 9 tháng đã đạt 92% kế hoạch đề ra hồi đầu năm, tương đương mức gần 9.400 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận của ngân hàng mẹ đạt hơn 6.200 tỷ đồng, đóng góp 66% vào lợi nhuận hợp nhất.
Mức tăng trưởng tín dụng hợp nhất tại VPBank đạt 16,50% sau khi kết thúc quý 3, trong đó ngân hàng riêng lẻ đạt 19,34%. Tuy nhiên, chi phí dự phòng gần 3.900 tỷ đồng quý 3/2020 đã khiến lợi nhuận trước thuế của VPBank giảm nhẹ 2%, đạt 2.813 tỷ.
Tổng nợ xấu hợp nhất đến cuối quý 3 của ngân hàng là hơn 10.147 tỷ, cao hơn 15% so với đầu năm. Trong đó, Nợ nhóm 3 - Nợ dưới tiêu chuẩn tăng 15%, Nợ nhóm 4 – Nợ nghi ngờ tăng 36%. Kết quả này kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ vay của ngân hàng tăng từ mức 3,42% đầu năm lên 3,65%.
Ngược lại, theo công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương ( Saigonbank ), quý 3/2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt 52 tỷ đồng, giảm 61% so với cùng kỳ năm 2019.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Saigonbank đạt hơn 560 tỷ đồng, giảm 7,6% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 177 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2019.
Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập lãi thuần giảm mạnh 36% chỉ đạt 134 tỷ đồng, trong khi các mảng kinh doanh khác cũng không có tăng trưởng đột biến. Trong khi đó, chi phí hoạt động của Saigonbank tăng 7,5% lên 357 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Đến cuối tháng 9, nợ xấu nội bảng của ngân hàng này tăng 19% so với đầu năm, đạt 6.837 tỷ đồng, 80% là nợ có khả năng mất vốn. Tỷ lệ nợ xấu tăng từ 1,9% lên 2,14% tổng dư nợ.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) công bố 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 8.134 tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ. Với kết quả này, MB đã hoàn thành khoảng 82% kế hoạch lợi nhuận của cả năm. Chất lượng tín dụng của ngân hàng vẫn đang được kiểm soát khá tốt khi tỷ lệ nợ xấu/cho vay đang ỏ mức khá thấp là 1,5%.
Tại Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt trên 1.666 tỷ đồng, vượt mức 1.439 tỷ đồng kế hoạch của cả năm 2020 (tương đương vượt 15,8%). Lợi nhuận sau thuế đạt gần 1.328 tỷ đồng, bằng 127% tổng lợi nhuận sau thuế của cả năm 2019.
Trong khi đó, Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) công bố lũy kế 9 tháng tổng doanh thu đạt 7.854 tỷ đồng, tăng 34%. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.025 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu tại VIB cũng ở mức thấp dưới 2%, giảm so với quý 2.
Trước đó, TPBank cũng đã hé lộ kết quả kinh doanh quý 3 với tổng thu nhập hoạt động đạt 7.103 tỷ đồng, tăng 22,79% so với cùng kỳ năm trước. Kết thúc quý, TPBank đạt 3.024 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 25,78% so với cùng kỳ năm trước, đạt 74,33% kế hoạch cả năm. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối tháng 9 vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới 2%.