Ngày 12-12, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị tổng kết sáu năm thi hành Luật Thanh tra và ba năm thi hành Luật Tiếp công dân.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng nhiều cuộc thanh tra kéo dài, có kết quả rồi nhưng không kết luận hoặc có kết luận nhưng cũng còn nhập nhằng, trầy trật…
Kiến nghị thu hồi gần 200.000 tỉ đồng
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong sáu năm (2011-2017), toàn ngành thanh tra đã triển khai hơn 47.400 cuộc thanh tra hành chính, hơn 1,2 triệu cuộc thanh tra chuyên ngành; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước gần 200.000 tỉ đồng và 29.400 ha đất…
Tuy nhiên, sau sáu năm thi hành Luật Thanh tra vẫn còn những bất cập, vướng mắc, hạn chế.
Chất lượng hoạt động thanh tra chưa đồng đều, nhiều cuộc thanh tra chưa đáp ứng quy định về thời hạn, nhất là về thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra.
Quy trình nghiệp vụ và đạo đức công vụ trong hoạt động thanh tra chưa bảo đảm thực hiện tốt ở nhiều nơi.
Hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra còn có biểu hiện thiếu khách quan, minh bạch, rõ ràng; nhiều kết luận thanh tra chưa cụ thể về mức độ thiệt hại, mức độ sai phạm và xác định trách nhiệm.
Ngoài ra vẫn còn tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, nhất là giữa cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc bộ với cơ quan thanh tra địa phương; giữa thanh tra các bộ, ngành; chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa thanh tra bộ với thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành.
Đặc biệt phổ biến là sự chồng chéo trong hoạt động giữa các cơ quan thanh tra nhà nước và Kiểm toán Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều kết luận thanh tra chưa chú trọng đến các kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật, biện pháp quản lý, điều hành; còn có hiện tượng thiếu khách quan, nể nang trong việc kiến nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm...
Có cuộc thanh tra kéo dài hai nhiệm kỳ
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng khẳng định bên cạnh những diễn biến tích cực thì công tác thanh tra còn một số hạn chế, chưa xử lý triệt để, sâu sắc.
Một trong những vấn đề quan trọng đó là lực lượng thanh tra phải đảm bảo kết luận thanh tra đúng, khách quan, rõ ràng, xác định rõ, cụ thể mức độ sai phạm, từ đó có những hướng xử lý, không để muộn, chậm, quá hạn trong hoạt động thanh tra và kết luận thanh tra.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều cuộc thanh tra kéo dài, kết luận chần chừ; kéo dài cuộc thanh tra hoặc có kết quả rồi nhưng không kết luận.
“Có những vụ từ nhiệm kỳ trước đã có kết luận thanh tra nhưng không công bố, sau đại hội mới công bố; kết luận cũng nhập nhằng, trầy trật; đến khi có kết luận thì bên Đảng đã vào kết luận trước, xử lý rồi, ví dụ như cuộc thanh tra xơ sợi Đình Vũ và các dự án sinh học là rất rõ.
Tồn tại này còn kéo dài, nhập nhằng, vi phạm pháp luật…” - Phó Thủ tướng nói.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh lực lượng thanh tra cần thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 20/2017 của Thủ tướng về chấn chỉnh công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Theo đó, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần có sự phối hợp chặt chẽ, tránh tình trạng chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu ngành thanh tra nâng cao chất lượng, xây dựng kế hoạch cho từng cuộc thanh tra, xác định rõ thời gian, cách thức, nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể; thực hiện nghiêm túc quy định, quy trình nghiệp vụ, đạo đức công vụ trong công tác thanh tra.
Đồng thời tăng cường giám sát thực hiện kết luận sau thanh tra từ trong nội bộ ngành thanh tra, từ các cơ quan nhà nước và từ phía xã hội; đảm bảo hiệu lực của kết luận thanh tra…
Nhiều đoàn khiếu kiện tập trung trước nhà lãnh đạo
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, trong ba năm thực hiện Luật Tiếp công dân, tình hình công dân đến các cơ quan nhà nước để khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp và gay gắt ở một số bộ, ngành, địa phương, nhất là những thời điểm diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng.
Trong đó, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên các cơ quan trung ương, thậm chí tuần hành trên đường phố, thường xuyên tập trung tại các khu vực trung tâm, nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước...
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, đông người chủ yếu thuộc lĩnh vực đất đai, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc.
Đáng chú ý, các đoàn công dân khiếu kiện đông người có sự liên kết với nhau, tổ chức chặt chẽ và được sự ủng hộ lương thực, tiền của một số tổ chức tại khu vực Tây Nguyên, miền Trung, miền Nam; nhất là sau khi xảy ra sự cố môi trường tại bốn tỉnh miền Trung.
Đặc biệt tình trạng công dân khiếu kiện tại trụ sở tiếp công dân trung ương có thái độ quá khích, bức xúc gia tăng và ngày càng nghiêm trọng. Đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân; tấn công lực lượng bảo vệ…