Nhiều dấu hiệu cho thấy "vũ khí bí mật" của TQ vô dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ

Minh Khôi |

Trung Quốc vẫn tự tin rằng, thị trường 1,4 tỷ dân trong nước sẽ giúp tiêu thụ lượng hàng hóa dưới áp lực bị Mỹ tăng thuế. Nhưng thực tế cho thấy điều ngược lại.

Mức độ nợ và sự bất ổn gia tăng về triển vọng kinh tế sẽ khiến tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc cân nhắc hơn về khả năng mua các mặt hàng xa xỉ.

Sự thay đổi này có thể làm giảm hy vọng rằng, người tiêu dùng trong nước sẽ trở thành "phao cứu sinh", thậm chí là "vũ khí" bí mật, sẽ chi tiêu nhiều hơn để bù đắp lại thiệt hại trong xuất khẩu do cuộc chiến thương mại với Mỹ gây ra và giúp ổn định tăng trưởng kinh tế.

Thống kê chi tiêu từ đầu năm lại cho thấy, người tiêu dùng Trung Quốc đang thắt chặt chi tiêu vào các mặt hàng tiêu dùng khi tăng trưởng thu nhập chậm lại và nợ hộ gia đình tăng lên.

Trái với mô tả của Bắc Kinh rằng tiêu dùng trong nước với các mặt hàng xa xỉ chất lượng cao đang tăng lên, nhiều người Trung Quốc lại cho thấy điều ngược lại. Họ cắt giảm chi tiêu và chuyển dần sang những sản phẩm thay thế rẻ hơn.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, ngay cả khi các hộ gia đình vay nhiều hơn, họ vẫn chi tiêu ít hơn. Dư nợ cho vay của các hộ gia đình tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tỷ lệ tăng trưởng doanh số bán lẻ của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong 15 năm vào tháng 5 năm nay.

Shen Weipeng, 29 tuổi, là quản lý một quỹ đầu tư - việc làm thuộc hàng có mức lương được chi trả cao nhất ở Trung Quốc - 260.000 Nhân dân tệ (38.000 USD). Năm nay, Shen đã quyết định cắt giảm chi tiêu bằng cách thay thế các loại cocktail yêu thích bằng nước lọc, hủy chuyến du lịch đã định sẵn đến châu Âu và tiếp tục sử dụng chiếc điện thoại di động cũ mặc dù màn hình đang bị nứt.

Nhiều dấu hiệu cho thấy vũ khí bí mật của TQ vô dụng trong cuộc chiến thương mại với Mỹ - Ảnh 2.

Đang có hiện tượng "hạ cấp chi tiêu" trong tầng lớp trung lưu Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Shen cho biết, anh đang cố gắng tiết kiệm tiền vì khoản thế chấp nhà hàng tháng 11.000 Nhân dân tệ và lo lắng thu nhập sẽ bị giảm xuống khi chính phủ siết chặt các bong bóng ngân hàng.

"Tôi không có lựa chọn nào tốt hơn là cắt giảm chi tiêu. Thu nhập của tôi đã giảm khoảng 30% từ đầu năm", anh nói.

Tình trạng tài chính của Shen không phải là duy nhất ở Trung Quốc, khi tiêu dùng đang được hạn chế và triển vọng kinh tế đang bớt lạc quan.

Qin Han, giám đốc phân tích thu nhập tại Guotai Junan Securities, đã lưu ý về hiện tượng "hạ cấp tiêu dùng" gần đây ở xã hội Trung Quốc trong một nghiên cứu hồi tháng trước.

Người tiêu dùng Trung Quốc tiếp tục chi tiêu trong quý đầu tiên, nhưng tốc độ tăng trưởng đang chậm lại.

Nợ tiêu dùng tăng nhanh đi kèm với một triển vọng xấu đi cho nền kinh tế, và sau đó là thu nhập. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã giảm xuống 6,7% trong quý II năm nay, từ mức 6,8% của quý đầu tiên và dự kiến ​​sẽ tiếp tục giảm trong nửa cuối năm do tác động trong nỗ lực giảm các khoản nợ của chính phủ Trung Quốc và cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Liu Yunan, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc cho biết, sự suy giảm trong tăng trưởng thu nhập hộ gia đình có thể làm hạn chế sức tiêu dùng và kỳ vọng của người tiêu dùng.

Một số bài viết về cách thay đổi lối sống của một người để tiết kiệm tiền đã lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc năm nay: "Không cần trà chiều, không taxi, hãy đi xe buýt, không cần quần áo mới, đồng phục đi làm cũng được"…

Trung Quốc tăng trưởng ổn định trong quý đầu tiên, nhưng bóng ma của chiến tranh thương mại với Mỹ đã bắt đầu xuất hiện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại