CNOOC là một trong những đại gia dầu mỏ có nguy cơ bị hủy niêm yết tại Mỹ thời gian tới - Ảnh: Getty Images
Trong đó, hãng dầu mỏ ngoài khơi lớn nhất Trung Quốc CNOOC có nguy cơ bị hủy niêm yết nhất bởi tập đoàn này hiện đang nằm trong "danh sách đen" các công ty bị Bộ Quốc phòng Mỹ xác định là thuộc sở hữu hoặc do quân đội Trung Quốc kiểm soát, theo nhà phân tích Henik Fung của Bloomberg Intelligence. Ngoài ra, PetroChina Co. và Tập đoàn hóa dầu Trung Quốc - còn được biết đến là Sinopec, cũng có nguy cơ trở thành "nạn nhân" tiếp theo bởi năng lượng là một trong những lĩnh vực tối quan trọng với quân đội Trung Quốc.
"Nhiều công ty Trung Quốc có thể bị hủy niêm yết tại Mỹ và các đại gia dầu mỏ có thể là đối tượng tiếp theo", Steven Leung, giám đốc điều hành tại ngân hàng UOB Kay Hian ở Hồng Kông, nhận định. Theo Leung, việc các công ty viễn thông Trung Quốc bị hủy niêm yết có thể không gây nhiều tác động lớn bởi họ không kinh doanh tại Mỹ và cũng không huy động vốn lớn đây.
Sau thông tin trên, giá cổ phiếu Cnooc trên sàn chứng khoán Hồng Kông giảm tới 5,7% đầu phiên giao dịch ngày 4/1, còn cổ phiếu PetroChina và Sinopec giảm lần lượt 2,5% và 1,4%. Cả ba công ty này hiện cũng niêm yết trên sàn chứng khoán New York.
NYSE tuần trước cho biết sẽ hủy niêm yết với các tập đoàn viễn thông của Trung Quốc theo một sắc lệnh nhằm hạn chế những doanh nghiệp có liên quan tới quân đội Trung Quốc. Ba công ty gồm China Mobile, China Telecom Corp và China Unicom Hong Kong Ltd. sẽ bị dừng giao dịch trên sàn này trong khoảng thời gian từ 7-11/1 và các thủ tục hủy niêm yết đối đang được tiến hành. Cổ phiếu của cả 3 công ty đều giảm trong phiên giao dịch ngày 4/1.
Trong các thông cáo riêng phát đi ngày 4/1, China Mobile, China Telecom Corp và China Unicom Hong Kong đều nói rằng "rất tiếc" về động thái của NYSE và cho biết quyết định này có thể ảnh hưởng tới giá và lượng giao dịch cổ phiếu của họ. Cả ba công ty nói rằng chưa nhận được bất kỳ thông báo nào từ phía NYSE về việc hủy niêm yết.
China Unicom và China Mobile cho biết đang xem xét các phương thức để bảo vệ "quyền lợi hợp pháp" của mình. Trong khi đó, China Telecom nói đang cân nhắc "các lựa chọn tương ứng" nhằm "bảo vệ lợi ích hợp pháp của công ty".
Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 2/1 cho biết chính phủ nước này sẽ có hành động cần thiết để bảo vệ quyền của các doanh nghiệp Trung Quốc và hy vọng hai quốc gia có thể làm việc với nhau để tạo ra một môi trường công bằng và dễ đoán định cho doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư.
Ngày 3/1, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc cho biết vì số lượng cổ phiếu giao dịch của 3 công ty viễn thông trên Trung Quốc tại Mỹ không lớn, nên ảnh hưởng sẽ không quá lớn và cả ba công ty đều có tiềm lực để giải quyết bất kỳ vấn đề nảy sinh từ việc bị hủy niêm yết.
Trước đó, Vào tháng 11/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh cấm các công ty, tổ chức Mỹ đầu tư vào doanh nghiệp Trung Quốc thuộc sở hữu hoặc do quân đội kiểm soát. Theo sắc lệnh này, các nhà đầu tư Mỹ không được phép mua hoặc bán cổ phần của các công ty Trung Quốc nằm trong "danh sách đen" có liên hệ với quân đội Trung Quốc do Bộ Quốc phòng Mỹ lập ra.
Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng cáo buộc Mỹ "vu cáo một cách ác ý" những chính sách kết hợp quân-dân sự của Bắc Kinh và khẳng định sẽ bảo vệ các doanh nghiệp của mình. Nhiều quan chức Trung Quốc cũng dọa sẽ đáp trả hành động của chính quyền Trump bằng một "danh sách đen" gồm các công ty Mỹ.
Trước đó, hồi tháng 5, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng cấm China Mobile hoạt động tại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia Tới tháng 12, cơ quan này tiếp tục yêu cầu các nhà mạng Mỹ gỡ bỏ thiết bị do tập đoàn Huawei của Trung Quốc sản xuất và bắt đầu cân nhắc cấm China Telecom hoạt động tại Mỹ. Trong một báo cáo vào tháng 6/2020, chi nhánh tại Mỹ của China Telecom khẳng định họ là một công ty độc lập và không liên quan tới chính phủ Trung Quốc.