Trong khi nhiều người bất ngờ trước việc vợ chồng Emily đã thực hiện biện pháp tranh thai nhưng vẫn "dính bầu" thì cô lại tỏ ra phấn khích. Với các cân nhắc về tài chính và thời gian, việc vợ chồng Emily dừng lại ở 4 đứa con là hợp lý.
Tuy nhiên, Emily vẫn muốn sinh thêm con. Sinh ra trong một gia đình có 4 anh chị em, cô có cuộc sống đầy đủ và rất thích không khí gia đình đông vui.
Coi con cái là trọng tâm của hôn nhân
Leah, một bà mẹ có 5 con, cho biết, cô không hối hận khi sinh nhiều con. Với cô, việc nuôi dạy những đứa trẻ khỏe mạnh là một hành động cấp tiến và ủng hộ nữ quyền. Được thúc đẩy bởi trải nghiệm từ một gia đình có cha mẹ ly hôn, Leah ưu tiên gia đình hơn sự nghiệp.
Những phụ nữ như Leah, những người đi ngược xu hướng sinh ít hoặc không sinh con, họ coi con cái là điều may mắn và là trọng tâm trong cuộc hôn nhân của mình. Những người phụ nữ này đánh giá cao việc có một gia đình đông con đến mức họ lên kế hoạch cho những mục tiêu khác trong cuộc sống xoay quanh việc sinh con.
Việc chú trọng vào gia đình thường giúp họ kết hôn và sinh con trong khi vẫn đạt được những cột mốc quan trọng về sự nghiệp và tài chính.
Vì quan niệm có một gia đình lớn rất quan trọng với họ nên họ cố tình theo đuổi hôn nhân. Họ chọn trường đại học, nhà thờ và môi trường xã hội để tăng cơ hội tìm được bạn đời. Thứ hai, họ tìm kiếm những người bạn đời có chung mong muốn sinh nhiều con, đảm bảo sự thống nhất trong các mục tiêu gia đình.
Cuối cùng, những phụ nữ theo đuổi điều này đã điều chỉnh con đường sự nghiệp của mình để phù hợp với kế hoạch sinh con, chọn những ngành nghề có thời gian làm việc linh hoạt, như giảng dạy, điều dưỡng, thiết kế đồ họa hoặc kinh doanh tại nhà.
Một bức tranh đa sắc
Hình ảnh bé Clover cùng mẹ Emily giao hoa đến đám cưới ngay khi mới vài ngày tuổi là một bức tranh chân thực, mới mẻ về cuộc sống của một "gia đình lớn" (gia đình có từ ba con trở lên).
Báo chí đã đưa tin về cặp vợ chồng đầu bếp người Anh Jamie và Jools Oliver đã tạo ra một hình ảnh hoàn hảo về cuộc sống với 5 đứa con. Jools Oliver, 49 tuổi, đã cởi mở về việc mình không thể thụ thai đứa con thứ sáu và quyết định đi học nghề hộ sinh vì yêu thích trẻ em. Tin tức về việc thay đổi nghề nghiệp của cô nhận được nhiều tán thưởng từ những người khác.
"Tôi nghĩ tôi chỉ muốn được bế và chăm sóc trẻ sơ sinh. Công việc mơ ước của tôi là đón em bé ra khỏi bụng mẹ", Oliver nói và cho biết, cô ước mình có thể vào thẳng trường đại học để được đào tạo thành một nữ hộ sinh.
Những gia đình nổi tiếng ở Anh như Beckhams, Tennants, Ramsays đã khắc họa hình ảnh về cuộc sống trong một gia đình đông con, thu hút sự chú ý của công chúng. Sức hấp dẫn này một phần xuất phát từ nhận thức về địa vị gắn liền với việc sinh nhiều con, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Ở Anh, chi phí trung bình để nuôi dạy 1 đứa trẻ trong gia đình có đầy đủ cha mẹ là 150.000 bảng Anh (tương đương hơn 4,85 tỷ đồng), tăng 200.000 bảng Anh (tương đương hơn 6,47 tỷ đồng) đối với cha mẹ đơn thân.
Theo thống kê, năm 2022, có 1,247 triệu "gia đình lớn" ở Anh. Số con trung bình trong mỗi gia đình ở Anh là 1,7 con. Ở Mỹ, tỷ lệ sinh có xu hướng giảm và hiện ở mức khoảng 1,62 con/phụ nữ; vào năm 1950, con số này là 3 con/phụ nữ. Tình hình còn nghiêm trọng hơn ở các nước khác, với tỷ lệ sinh thấp nhất ở Hàn Quốc.
Việc có một "gia đình lớn" không chỉ đòi hỏi khả năng tài chính tốt, quản lý lịch trình mà còn cần kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình.
Kelcey Kintner, đến từ Atlanta, Georgia (Mỹ), người có 5 đứa con, cho biết: "Tôi biết mình sẽ dành đủ tình yêu thương cho các con. Nhưng thời gian và tiền bạc là hai thứ khác nhau. Bạn phải từ bỏ một số thứ khi bạn có một gia đình đông con.
Kỳ nghỉ trượt tuyết thú vị không nằm trong kế hoạch đó". Kintner thừa nhận, có lúc cô cũng cảm thấy mâu thuẫn. "Tôi cảm thấy mọi thứ quá sức. Nhưng khi bọn trẻ lớn lên và tự lập, mọi việc trở nên dễ dàng hơn rất nhiều", Kintner nói.
Đối với những phụ nữ như Emily, Leah và Kelcey, có nhiều con chỉ đơn giản là câu chuyện gia đình. Họ lựa chọn có nhiều con vì bản năng làm mẹ và mong muốn có một tổ ấm đông vui.
Phía sau việc "nghiện" sinh con
Khi sinh con, cơ thể phụ nữ có nhiều oxytocin, một chất liên quan chặt chẽ đến cảm giác được yêu thương được gọi là "hormone tình yêu" hay "hormone âu yếm". Loại hormone này có thể tồn tại trong cơ thể từ 18 tháng đến 2 năm. Điều đó cũng xuất phát từ lượng dopamine xuất hiện trong thai kỳ khi "mong muốn và chờ đợi điều gì đó đặc biệt xảy ra".
Những thay đổi nội tiết này hoạt động như một loại dược phẩm bên trong cơ thể, có khả năng gây nghiện.
Trong vai trò làm mẹ mà một số phụ nữ cảm thấy khó bỏ lại phía sau là cảm giác "được cần đến". Điều này bao gồm việc đáp ứng nhu cầu của những đứa trẻ, như cho con ăn khi đói hoặc chăm sóc khi bị ốm.
Tuy nhiên, khi trẻ lớn lên và ít phụ thuộc vào người mẹ hơn, một số phụ nữ có thể không chấp nhận thực tế đó. Thay vì quay lại với các hoạt động trước khi sinh con, như tập yoga hoặc tập trung cho công việc, một số bà mẹ lại chọn sinh thêm con để tránh đối mặt với quá trình chuyển đổi tất yếu này.
Chuyên gia về gia đình Matthew Adam giải thích, khi con trẻ ít phụ thuộc hơn vào cha mẹ, một số bà mẹ có thể cảm thấy mất đi mục đích. Để lấy lại ý thức về mục đích này, một số bà mẹ có thể muốn sinh thêm con.
Ngoài ra, chu kỳ sinh con lặp đi lặp lại cũng có thể là một cách để thoát khỏi những thách thức của thế giới thực, mang lại thời gian nghỉ ngơi tạm thời khỏi những căng thẳng của công việc và các vấn đề xã hội khác.