Nhiều bố mẹ coi vào lớp 10 kinh khủng hơn cuộc chiến vào ĐH: Sao không quẳng gánh lo đi?

TS Chu Cẩm Thơ |

Một phụ huynh đã chia sẻ thẳng thắn rằng chị không bao giờ đánh đổi nhân cách, khả năng học thực của con lấy điểm số. Vì thế, chị chấp nhận con được học lực trung bình, nhưng cháu học chủ động.

Từ nỗi lo của bố mẹ học sinh lớp 9

Hôm trước, tôi có được tham dự một cuộc sinh hoạt của nhóm phụ huynh ở Hà Nội. Nhiều cha mẹ trong nhóm này bày tỏ nỗi lo lắng khi con học lớp 9.

Họ nói cuộc chiến vào lớp 10 của học sinh còn kinh khủng hơn cuộc chiến vào đại học.

Một bà mẹ có con học lớp 9 tâm sự rằng: nếu con tôi trượt đại học, cháu có thể đi học nghề, đi học trường khác, hoặc sang năm đi thi lại. Nhưng nếu cháu không được vào lớp 10, cháu chẳng biết sẽ làm gì.

Thế nên, gia đình đang tính toán để cháu học ngày đêm, mời rất nhiều giáo viên kèm cho cháu. Cháu sẽ học thuộc các bài văn mẫu, làm đi làm lại các đề để đảm bảo cháu đỗ được.

Bà mẹ này còn tính rằng: cháu sẽ vào học ở một trường tốp dưới, hết học kì 1, gia đình sẽ tính kế để chuyển trường tốt cho con.

Rời khỏi cuộc thảo luận của nhóm này, tôi có làm một khảo sát với hàng xóm của mình. Kết quả tương tự, cha mẹ có con học lớp 9 hầu hết đều nghĩ rằng việc không được vào trường tốt để tiếp tục học 10 sẽ kết thúc sự nghiệp học tập và khả năng vào cuộc sống của con cái họ.

Có thật không vào được lớp 10 là dấu chấm hết cho việc học của con trẻ?

Trong sơ đồ hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam, học sinh học xong trung học cơ sở có thể tiếp tục học THPT hoặc học nghề 5 tại các trường Trung cấp chuyên nghiệp.

Ngoài ra, các em cũng được học tập không chính quy tại các cơ sở giáo dục thường xuyên. Dù học trong loại hình giáo dục nào thì học sinh cũng được quyền học lên các bậc cao như cao đẳng, đại học hay học tập tiếp tục theo nhu cầu của bản thân.

Hiện trạng phụ huynh chỉ muốn con vào trường THPT đã dẫn đến sự quá tải trong học tập, học không đúng cách, tốn kém tiền của và những sai lầm trong hệ thống.

Chẳng hạn, các trường học tốp đầu luôn quá tải, số lượng học sinh cao hơn mức cho phép. Tâm lí học lớp kém, trường kém khiến cả nhà giáo dục và học sinh, phụ huynh đều tiêu cực, không tự tin trong giảng dạy và xác định mục tiêu của nhà trường.

Trường tốp dưới được coi là chỗ trú chân của những học sinh con nhà "có điều kiện", để từ đó họ có thể xin chuyển sang trường cao hơn.

Đến hậu quả con phải gánh chịu

Điều đáng lo lắng là tâm lí thi cử, cố học bằng được đã dẫn đến học sinh phải học bằng những cách học sai lầm.

Một phụ huynh chia sẻ rằng, con chị phải thức đến 2 giờ sáng để học thuộc lòng văn mẫu, làm hàng trăm đề kiểu "nhai đi nhai lại" đến thuộc.

Cả khoa học lẫn thực tế đều cho thấy, việc luyện thi để đỗ có thể giúp học sinh đạt được mục tiêu thi cử nhưng không có mấy ý nghĩa với việc học của họ.

Học thuộc lòng thì thường dễ quên. Việc muốn con được điểm cao khiến cha mẹ nghĩ đến nhiều kĩ thuật: bắt con đi học thêm, nhờ vả giáo viên,... dẫn đến, đứa trẻ không học được những kiến thức, kĩ năng cần thiết.

Việc học thụ động lâu ngày, lại đúng vào thời điểm trẻ hoàn thiện tâm lí sẽ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng như: trẻ dễ mắc những hội chứng tâm lí căng thẳng, sợ học, học đối phó, lớn lên, trẻ không học được cách học thì khó có thể học lâu dài, . . . .

Có thể quẳng gánh lo đi được không?

Các phụ huynh chia sẻ rằng, để chắc chắn được vào trường tốt họ sẽ giúp con được danh hiệu học sinh giỏi toàn diện (sẽ được cộng điểm).

Vì thế học sinh có áp lực học thêm để được điểm cao từ năm lớp 6. Nếu việc học thực, học có giá trị và cách học phù hợp thì học càng sớm càng tốt. Nhưng từ sớm mà đã phải học đối phó, dẫn thành thói quen và nhân cách thì thực nhiều hệ lụy.

Một phụ huynh đã chia sẻ thẳng thắn rằng chị không bao giờ đánh đổi nhân cách, khả năng học thực của con lấy điểm số. Vì thế, chị chấp nhận con được học lực trung bình, nhưng cháu học chủ động. Khi thi, cháu vẫn làm bài được như các bạn, và giờ cháu đã trở thành sinh viên trường Luật.

Chị lại tiếp tục áp dụng cách đó cho cô con gái thứ hai của mình. Chị nói, chẳng bao giờ cách học thuộc lòng lại giúp con thi được điểm cao và học tiếp bền vững được. Mặt khác, khi con biết cách học, học có kiến thức thật sự, thì đề ra kiểu gì con cũng làm được đúng sức mình.

Tôi cũng có một phụ huynh, anh cho con học hệ thường xuyên vì cháu rất yêu thể thao và sợ học các môn cơ bản. Nhưng khi học hệ thường xuyên, cháu không bị áp lực, thì lại được kết quả khá tốt (so với mong đợi của gia đình).

Nhiều bố mẹ coi vào lớp 10 kinh khủng hơn cuộc chiến vào ĐH: Sao không quẳng gánh lo đi? - Ảnh 1.

Cháu tự học được và vui vẻ thể hiện với các bạn. So với các bạn cùng cấp hai ngày trước, cháu có sự tiến bộ rõ rệt nhất. Cháu tự tin và có trách nhiệm với việc học tập, khá chủ động trong công việc cá nhân của mình.

Cũng có nhiều trường hợp, các học sinh đã theo học nghề từ khi học xong lớp 9. Ngoài việc phù hợp với điều kiện của bản thân, tiết kiệm kinh tế, công sức, thì vẫn có rất nhiều gương mặt thành công, tiếp tục học để khẳng định bản thân sau này.

Trong vốn kinh nghiệm của mình, tôi có gặp không ít trường hợp vì bố mẹ cứ cố cho con học trường tốt (chuyên, chọn) mà không chú ý rèn cho con cách học nên các cháu càng ngày càng thui chột.

Cháu học kém, không tự tin về bản thân. Mặc cảm học không đúng sức mình đã làm các bạn không hòa nhập được với cộng đồng dẫn đến bị trầm cảm.

Vì vậy, cha mẹ có con học lớp 9 đừng gây căng thẳng cho việc học của con. Thời điểm này đúng là rất quan trọng nhưng nó không phải là con đường duy nhất.

Lứa tuổi này, các con vẫn cần rèn luyện một sức khỏe tốt, học cách học và khám phá nhu cầu bản thân, định hướng tương lai từ việc học. Cha mẹ có thể bàn bạc, cùng con tìm hiểu những cách học tốt, bên cạnh rèn luyện thân thể và thư giãn hợp lí. 

Hơn hết, cha mẹ tìm thấy những ngã rẽ phù hợp, vừa sức với con, tin tưởng rằng, con đường tốt, cách đi hợp lí mới là thứ con cần được người lớn định hướng.

TS Chu Cẩm Thơ - Phó trưởng bộ môn phương pháp dạy toán khoa toán - tin Trường ĐH Sư phạm Hà Nội là người sáng tạo ra phương pháp phát triển tư duy thông qua dạy học môn toán theo định hướng cá nhân dành cho trẻ em.

Chương trình đã rất hiệu quả trong việc truyền cảm hứng học toán, tình yêu toán học và kích thích tư duy cho người học toán.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại