Cơ quan theo dõi Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) nhận thấy tháng 4/2024 nóng nhất trên toàn cầu so với bất kỳ tháng 4 nào trước đó kể từ năm 1940. Nền nhiệt trong tháng 4 năm nay cũng ấm hơn 1,58oC so với mức trung bình ước tính ở thời kỳ tiền công nghiệp.
Nhiệt độ cao kỷ lục trong tháng 4/2024 đã gây ra hạn hán ở miền Nam châu Phi, đe dọa nguồn cung cấp lương thực và sản xuất năng lượng. Nó nối tiếp một chuỗi những tháng nóng kỷ lục bắt đầu từ tháng 6 nóng nhất được ghi nhận vào năm 2023.
Nhiệt độ ở mức cao vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi hình thái thời tiết El Nino gây nắng nóng đang dần giảm tác động. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết thực trạng nắng nóng kỷ lục cũng được thúc đẩy bởi lượng khí thải nhà kính mà con người tiếp tục thải vào khí quyển.
(Ảnh: Deccan Chronicle)
Giám đốc Copernicus Carlo Buontempo cho biết: "El Nino đạt đỉnh điểm vào đầu năm nay và nhiệt độ bề mặt nước biển ở vùng nhiệt đới phía Đông Thái Bình Dương hiện đang quay trở lại mức trung tính. Tuy nhiên, trong khi sự thay đổi nhiệt độ liên quan đến các chu kỳ tự nhiên như El Nino đến rồi đi, năng lượng dư thừa bị giữ lại trong đại dương và khí quyển do nồng độ khí nhà kính ngày càng tăng sẽ tiếp tục đẩy nhiệt độ toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới".
Tình trạng nóng lên toàn cầu đã làm tăng thêm khoảng 1,25oC nhiệt độ trung bình toàn cầu kể từ thời kỳ tiền công nghiệp và El Nino có thể làm tăng thêm khoảng 0,25oC.
Copernicus trước đây cho biết khi nhiệt độ tăng vọt vào năm 2023, thế giới đã ghi nhận "hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan" bao gồm sóng nhiệt, lũ lụt, hạn hán và cháy rừng.