Trong nhiều năm gần đây, cứ đến mùa hè, thế giới liên tục ghi nhận những thông tin về "nắng nóng đỉnh điểm", "nhiệt độ cao kỷ lục", hậu quả của biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu. Trong tương lai các năm tới, cái nóng này chỉ có thể gia tăng và không thể thuyên giảm.
Cả thế giới hứng chịu cái nóng kỷ lục
Trong mùa hè năm nay, toàn thế giới đã liên tục ghi nhận những đợt nắng nóng đỉnh điểm, đẩy cuộc sống con người vào cảnh khó khăn. Rất nhiều người ở miền đông Trung Quốc, nơi nhiệt độ cao kỷ lục trên 42 độ C đã được ghi nhận. Ở Nhật Bản, từ ngày 9/7 đến 23/7, ít nhất 44 người đã thiệt mạng và hơn 12.000 người phải nhập viện trong hai tuần đầu tháng 7.
Các nhân viên cứu hỏa trên khắp Bồ Đào Nha và miền tây Tây Ban Nha phải chiến đấu với các đám cháy rừng giữa đợt nắng nóng đẩy nhiệt độ lên trên 45 độ C. Ngày 19/7, giới chức y tế Bồ Đào Nha cho biết toàn quốc có 1.063 trường hợp tử vong vì nắng nóng được xác nhận chỉ trong mùa hè năm nay.
Ở nước Anh, người dân vừa chịu cú "sốc nhiệt" hiếm thấy khi nhiệt độ đạt mức kỷ lục 38,7 độ C. Thế nhưng theo các nhà khí tượng, xứ sở sương mù sẽ nhanh chóng phải tiếp tục trải qua con số còn cao hơn nữa là 40 độ C trong tuần này. Lần đầu tiên trong lịch sử, chính phủ Anh đã phải kích hoạt cảnh báo khẩn cấp quốc gia vì nắng nóng.
Một lính cứu hỏa đang làm việc giải quyết đám cháy rừng ở vùng Gironde, tây nam nước Pháp ngày 17/7
Trước đó, Ấn Độ đã phải hứng chịu hàng chục đợt nóng. Nhiệt độ lên tới 40 độ C trên khắp đất nước khiến hàng triệu người có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng, cây lúa mì bị tàn lụi, gia tăng khủng hoảng điện năng và việc đi học của học sinh bị gián đoạn. Nước láng giềng Pakistan của Ấn Độ cũng đang phải chống chọi với nhiệt độ nóng như thiêu như đốt ngay cả trước khi mùa hè bắt đầu.
Ở châu Mỹ, tình hình cũng không khả quan hơn. Hồi giữa tháng 6, hơn 27 thành phố lớn ở Mỹ đã chứng kiến mức nhiệt độ cao kỷ lục. Điểm "địa ngục" là bang California ghi nhận nhiệt độ cao nhất ở mức 50,5 độ C. Nắng nóng cùng gió mạnh, thời tiết khô cũng kéo theo hàng loạt vụ cháy rừng ở khu vực Tây Nam.
Không một châu lục nào thoát khỏi cảnh "nóng như tra tấn"
Nắng nóng sẽ chỉ ngày càng "kéo dài hơn, lâu hơn, cực đoan hơn"
Theo báo cáo mới nhất từ Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC) - cơ quan toàn cầu về khoa học khí hậu, trong 100 năm qua, sóng nhiệt ngày càng trở nên nóng hơn và thường xuyên hơn trên khắp thế giới. Nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng khoảng 1,2 độ C (2,2 độ F) kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp bắt đầu vào thế kỷ 19. Và nhiệt độ trong tương lai sẽ chỉ tiếp tục tăng lên.
Tiến sĩ Friederike Otto, giảng viên tại Viện Grantham về Biến đổi Khí hậu tại Đại học Hoàng gia London cho biết: "Mỗi đợt nắng nóng mà chúng ta đang trải qua hiện nay sẽ thường xuyên hơn, kéo dài hơn và nóng hơn do biến đổi khí hậu. Tất nhiên, cũng có một số đợt thời tiết khắc nghiệt không phải do biến đổi khí hậu, nhưng chúng ta biết chắc chắn Trái đất sẽ mát hơn nhiều nếu không có biến đổi khí hậu".
Bà cũng cho biết các đợt nắng nóng có tác động tiềm tàng lớn hơn so với các hiện tượng khí hậu cực đoan khác như lũ lụt hay bão ở Anh, vì tần suất của chúng đang tăng với tốc độ nhanh hơn. Trong khi lũ lụt có tác động chủ yếu đến cơ sở hạ tầng và có thể phòng tránh thiệt hại về người thì với nắng nóng, thật khó để hạn chế số người chết vì say nắng và các bệnh liên quan đến nắng nóng. Những người thiệt mạng vì nắng nóng chủ yếu là người già, người đã có vấn đề y tế và vấn đề này cũng liên quan tới bất bình đẳng xã hội. Trong số khoảng 1.500 người Mỹ thiệt mạng vì nắng nóng hằng năm, có một nửa là người vô gia cư.
Sóng nhiệt gây nguy hiểm chết người hơn cả lũ lụt hoặc bão
Giải pháp chung của toàn thế giới
Bên cạnh đó, Tiến sĩ Friederike Otto cũng chỉ ra có một "tin tốt" từ thông tin vô cùng tiêu cực này. Các đợt nóng "như tra tấn" hiện nay có thể là động lực để thế giới nỗ lực hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn như cách nhiệt nhà cửa và thiết kế lại các thành phố để có thêm không gian xanh. Để có thể thích ứng với các đợt nắng nóng trong tương lai gần, con người bắt buộc phải thay đổi để ứng phó.
Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng nhấn mạnh rằng các chính phủ không nên quên nguyên nhân sâu xa của nhiệt độ tăng cao: cuộc khủng hoảng khí hậu.
Ngày 18/7 vừa qua, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc tới các nhà lãnh đạo từ 40 quốc gia tập trung tại Berlin để thảo luận về các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong khuôn khổ hội nghị Đối thoại Khí hậu Petersberg.
"Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm vì lũ lụt, hạn hán, bão cực đoan và cháy rừng. Không quốc gia nào được miễn nhiễm. Điều khiến tôi khó chịu nhất là khi đối mặt với cuộc khủng hoảng toàn cầu này, chúng ta không hợp tác được với nhau như một cộng đồng đa phương. Các quốc gia tiếp tục chơi trò chơi đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm về tương lai của tập thể chúng ta. Chúng ta không thể tiếp tục theo cách này. Chúng ta chỉ có một sự lựa chọn: Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Nó nằm trong tay của chúng ta", ông Guterres nói.
Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên hợp quốc
Lãnh đạo Liên hợp quốc đã đưa ra một cách tiếp cận đa hướng để ứng phó với biến đổi khí hậu ngay từ bây giờ. Thứ nhất, các quốc gia cần giảm lượng khí thải bằng cách loại bỏ than đá và hướng tới các nguồn năng lượng không phát thải như năng lượng tái tạo. Thứ hai, phải tập trung nhiều hơn vào việc thích ứng một cách an toàn với các rủi ro. Thứ ba, các quốc gia phát triển, giàu có cần thực hiện tốt các cam kết giúp các quốc gia kém phát triển tiếp cận được nguồn tài chính cần thiết để chống lại biến đổi khí hậu.
Tổng thư ký Guterres phát biểu: "Người dân ở châu Phi, Nam Á, Trung và Nam Mỹ có nguy cơ tử vong do các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt cao gấp 15 lần. Sự bất công lớn này không thể kéo dài".
Nguồn: DW, Independent, CNBC