Nhiệt độ Nam Cực chạm ngưỡng kỷ lục, giới khoa học "đứng ngồi không yên"

Nguyễn Hằng |

Các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây cảnh báo, nhiệt độ ở bán đảo Nam Cực đã đạt mức kỷ lục là 17,5 độ C.

Trung tâm nghiên cứu Esperanza của Argentina nằm ở gần mũi phía Bắc của bán đảo Nam Cực ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục mới lên tới 17,5 độ C trên vùng đất băng giá này.

Các nhà nghiên cứu cho biết, nhiệt độ thấp nhất của vùng Nam Cực băng giá từng được ghi nhận là -89,2 độ C tại trạm Vostok của Liên Xô ở trung tâm Nam Cực vào ngày 21/7/1983.

Trước đó, trung tâm nghiên cứu Experanza đã ghi nhận mức nhiệt cao "khủng" vào ngày 24/3/2015 ở Nam Cực. Tuy nhiên, mức nhiệt đo được hôm 01/03/2017 vừa qua đã chính thức xác lập kỷ lục mới.

Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, xem xét dữ liệu xung quanh Nam Cực giúp thiết lập các tiêu chuẩn để theo dõi sự ấm lên toàn cầu trong tương lai và các biến thể tự nhiên.

Michael Sparrow, chuyên gia vùng cực của Chương trình Nghiên cứu Khí hậu Thế giới cho biết: "Việc xác định nhiệt độ tối đa và tối thiểu giúp chứng tôi xây dựng một bức tranh toàn cảnh về thời tiết và khí hậu ở một trong những biên giới cuối cùng của Trái Đất".

Nhiệt độ Nam Cực chạm ngưỡng kỷ lục, giới khoa học đứng ngồi không yên - Ảnh 1.

Nhiệt độ ở bán đảo Nam Cực có xu hướng tăng nhanh kỷ lục từ năm 2015. Ảnh: Dailymail

Trong lịch sử, mức nhiệt trên đảo Signy ở phía Nam Đại Tây Dương, thuộc ngoài khơi bán đảo Nam Cực cũng từng đạt kỷ lục là 19,8 độ C xác lập vào ngày 30/01/1982.

Lo ngại ảnh hưởng không nhỏ

Bán đảo Nam Cực là một trong những nơi nóng lên nhanh nhất trên Trái Đất. Các nhà khoa học lo ngại nhiệt độ tăng nhanh khủng khiếp ở Nam Cực có thể kéo theo ảnh hưởng không nhỏ về nhiệt độ toàn cầu và gia tăng tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiệt độ Nam Cực chạm ngưỡng kỷ lục, giới khoa học đứng ngồi không yên - Ảnh 2.

Nhiệt độ tăng cao có thể gây nên những hiện tượng đứt gãy băng, bất ổn trên bề mặt và làm mất đi một lượng lớn băng ở Nam Cực. Ảnh: Reuters

Nam Cực chứa tới 90% lượng nước ngọt của Trái đất do chứa trữ lượng băng "khổng lồ" và sẽ làm tăng mực nước biển lên tới khoảng 60 mét nếu băng tan chảy hết.

Các nhà khoa học cảnh báo, nhiệt độ tăng cao có thể khiến Nam Cực mất đi một lượng băng lớn, gây nên sự bất ổn trên các thềm băng, sông băng lớn và hệ quả xấu cho khí hậu trên phạm vi toàn cầu.

Nguồn: Dailymail, Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại