Nhiếp ảnh gia 108 tuổi vẫn "rong ruổi" đi săn cái đẹp, truyền lửa nghề cho 3 người con trai

Nhật Vũ |

Dù đã 108 tuổi, đi lại có phần khó khăn, nhưng nhiếp ảnh gia "đại thụ" Văn Quang Đức vẫn không thể ngừng niềm đam mê chụp ảnh lại được.

Tại thị xã Kinh Môn, Tỉnh Hải Dương, có lẽ không ai không biết đến cụ Văn Quang Đức, bởi lẽ cụ là nhiếp ảnh gia kỳ cựu. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng người dân ở đây vẫn thấy cụ “rong ruổi" khắp đường phố tại tỉnh Hải Dương để đi "săn" nghệ thuật.

"Đại thụ" của nền nhiếp ảnh Việt Nam

Cụ Văn Quang Đức còn được biết là một trong những hội viên có công sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, là thành viên của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế. Hiện nay, cụ là hội viên cao tuổi nhất nhì trong làng nhiếp ảnh của Việt Nam và thế giới.

Cả cuộc đời cụ Đức dường như gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật nhiếp ảnh. Cụ đã chụp và lưu giữ nhiều bức ảnh từ thời kỳ Kháng chiến chống Mỹ cho đến sau này, những bức ảnh của cụ ghi lại giá trị lịch sử như Bắt sống Giặc lái (1968), Địch phá ta vẫn qua, cầu Lai Vu thời kỳ giặc Mỹ ném bom ác liệt (1967 - 1972)… Ngoài ra, cụ Đức có nhiều tác phẩm được trưng bày triển lãm quốc tế như Đường về của lúa, Chiều trên sông Kinh Thầy …

Ngoài những bức ảnh chứa đựng lịch sử, tác phẩm của cụ còn được triển lãm rộng rãi ở sự kiện nghệ thuật quốc tế như "Đường về của lúa" (Rumani 1968) hay "Chiều trên sông Kinh Thầy"(Hungary 1969),...Cụ Đức còn thành công với những tác phẩm phản ánh nỗi gian truân và vất vả của con người trong cuộc sống, như "Giấu đầu hở đuôi" hay "Được nắng".

Cụ Văn Quang Đức và những bức ảnh nổi tiếng của mình

Với cụ Đức, yếu tố quan trọng nhất mà một nghệ sĩ nhiếp ảnh cần phải có là đôi mắt quan sát nhạy bén, tinh tường, cùng với tư duy linh hoạt, có khả năng đánh giá và lựa chọn phương án phù hợp với từng bối cảnh trước khi nhấn nút máy ảnh. 

Nghệ sĩ nhiếp ảnh như cụ Đức không ngần ngại chờ và chụp các khoảnh khắc, đôi khi lại chủ động lựa chọn góc chụp gần để tạo ra những góc nhìn độc đáo. Sự đa dạng trong cách tiếp cận đối tượng là chìa khóa để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật ấn tượng.

Theo cụ để có một bức ảnh đẹp thì phải có sự kiên nhẫn, đó một phẩm chất quan trọng mà mọi nghệ sĩ nhiếp ảnh cần phải có. Việc chờ đợi, lựa chọn đúng khoảnh khắc và thậm chí là việc quay trở lại một địa điểm để bắt được cảm xúc, ánh sáng hoặc tình huống đặc biệt là những thách thức mà mỗi nghệ sĩ đều phải đối mặt. 

Cụ Đức chia sẻ rằng có những hình ảnh chỉ xuất hiện một lần và không thể lấy lại được, do đó, khả năng nhạy bén và sự nhấn mạnh vào khoảnh khắc quyết định sẽ tạo ra hồn cốt cho một bức ảnh xuất sắc.

Để có được những tác phẩm như vậy phải kể đến người thầy của cụ là cố Nghệ sĩ Nhiếp ảnh gạo cội Võ An Ninh - Nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng Việt Nam,  một trong số 6 nhà nhiếp ảnh Việt Nam đầu tiên được vào Phủ Chủ tịch chụp chân dung Bác Hồ.

Dù đã 108 tuổi, cụ Văn Quang Đức vẫn minh mẫn và nhiệt huyết khó tin. Cụ vẫn thường xuyên duy trì thói quen học hỏi và cập nhật thông tin qua tạp chí, theo dõi hình ảnh.

Ngoài ra, cụ vẫn tích cực tham gia các sự kiện ảnh, giao lưu với các đồng nghiệp. Sự gặp gỡ và giao lưu không chỉ là cách cụ chia sẻ kinh nghiệm mà còn là nguồn động viên, truyền cảm hứng cho thế hệ nhiếp ảnh sáng tạo tiếp theo. 

"Truyền lửa" cho những người con trai

Tình yêu, niềm đam mê nhiếp ảnh của cụ Đức đã truyền nghề cho 3 người con trai của mình. Cả 3 người con của cụ đều từng là phóng viên chiến trường. Người con trai thứ hai của cụ đã anh dũng hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Người con cả đã nghỉ hưu, còn người con thứ ba chính là nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Cả Quyết (72 tuổi) vẫn miệt mài với sự nghiệp cầm máy. 

Với ông Quyết, kể về những bức ảnh do cha mình chụp trong thời kỳ chiến tranh, thì mỗi bức ảnh như một tấm gương phản ánh lại những khoảnh khắc lịch sử.

Những hình ảnh này không chỉ là những kỷ vật, mà còn là những câu chuyện về cuộc sống và sự hy sinh và khát vọng tự do. Xem những bức ảnh này, ông Quyết mong mình sẽ là người tiếp tục sứ mệnh của cha, là người duy trì và phát triển những giá trị nghệ thuật và nhân văn trong từng tấm hình.

Niềm say mê nghệ thuật nhiếp ảnh đã được truyền từ cha và ngấm sâu vào máu thịt của ông Quyết từ khi còn rất trẻ. Cha ông, đã đưa ông tham gia vào nghề này từ khi ông mới 14 tuổi. Cho đến năm 17 tuổi, ông Quyết đã bắt đầu biết chụp ảnh.

Dưới sự dạy dỗ nghiêm khắc của người cha, ông Quyết luôn đặt ra mục tiêu cao, không ngừng nỗ lực, học hỏi, mong muốn trở thành một nghệ sĩ nhiếp ảnh không chỉ bằng mà còn vượt qua cha mình. Với sự nỗ lực, ông đã có khoảng 700 bức ảnh tham dự triển lãm và đoạt giải từ cấp tỉnh đến quốc tế.

"Có những tác phẩm tôi vẫn hỏi cha xem yếu tố ánh sáng, bố cục đã hài hòa hay chưa. Khi đó, cha tôi lại đưa ra những đánh giá, góp ý rất quý báu để tôi có những bức ảnh hoàn thiện, bắt đúng khoảnh khắc hơn nữa", nghệ sĩ nhiếp ảnh Văn Cả Quyết chia sẻ.

Nhớ lại cách đây hơn 10 năm, khi đã hơn tuổi 60. Ông vấn nói với cha mình xin được hỗ trợ mua lens máy ảnh, và được cụ Đức cho tiền ủng hộ và khích lệ thêm tinh thần. 

Cụ Đức bảo, có lẽ ngoài  cái đam mê nhiếp ảnh thì "truyền lửa" đam mê cho con trai cũng là cái quan trọng không kém. Sự tận tụy và những góp ý quý báu từ cụ Đức đã giúp con trai Văn Cả Quyết phát triển sự sáng tạo và đạt được nhiều thành công trong sự nghiệp của mình.

Người ta thường nói rằng nghệ thuật có thể làm cho cuộc sống trở nên đẹp đẽ hơn. Đối với cụ Văn Quang Đức, nhiếp ảnh không chỉ là sự nghiệp mà còn là cuộc sống. Ở tuổi 108, cụ vẫn tiếp tục sử dụng máy ảnh hiện đại của mình, đắm chìm trong thế giới nhiếp ảnh và tạo ra những tác phẩm đẹp như một lời chứng nhận cho sự đam mê và lòng say mê không ngừng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại