Mặc dù Triều Tiên sở hữu lực lượng tác chiến điện tử với năng lực đáng nể và hoàn toàn có khả năng mở những cuộc tấn công mạng quy mô rất lớn, nhưng mục đích tác chiến của lực lượng này không nhằm vào việc chiếm đoạt tài sản, chuyên gia an ninh Anastasia Barannikova thuộc Đại học Quốc gia G.I. Nevelskogo nhận định.
Bà Barannikova cũng bác bỏ quan điểm của The New Yorks Times khi cho rằng hơn 6.000 tin tặc thuộc quân đội Triều Tiên đang nhắm đến việc đánh cắp hàng trăm triệu USD. "Không có lý do nào để cho rằng cái gọi là "tin tặc Triều Tiên" đang hoạt động ở thời bình và nhắm đến mục tiêu như bài báo viết", vị chuyên gia này nói.
Giờ tin học tại Đại học Công nghệ Kim Cha-ek ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên. (Ảnh: AP)
Thêm vào đó, chuyên gia Barannikova cũng cho rằng, hiện chưa thể chứng minh liệu Triều Tiên có liên quan đến vụ tin tặc tấn công vào hệ thống của Sony Pictures Entertainment hay không. Cũng theo chuyên gia này, Triều Tiên sở hữu những chuyên gia rất giỏi trong lĩnh vực công nghệ thông tin và họ phát triển phần mềm cho máy vi tính và thiết bị di động.
"Những người này được cả thế giới đánh giá và dịch vụ do họ cung cấp đã được sử dụng, trong đó có cả các nước phương Tây và Mỹ. Hoạt động của họ hoàn toàn hợp pháp và tuân thủ các điều luật quốc tế", bà Barannikova cho biết.
Bên cạnh đó, còn có các đơn vị đặc biệt trong quân đội Triều Tiên, vốn được gọi là lực lượng tác chiến điện tử, nhiệm vụ của các đơn vị này không khác các đơn vị tương tự của quân đội các quốc gia khác.
Bà Barannikova cho rằng, lực lượng tác chiến điện tử của Triều Tiên sẽ chỉ được huy động trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang và khi ấy lực lượng này mới chính thức phát động chiến trang mạng.
"Tôi cho rằng bản chất bài báo của The New York Times về cái gọi là "tin tặc Triều Tiên" là một phần của chiến dịch truyền thông", và theo bà Barannikova, những thông tin về Triều Tiên mà The New York Times đăng tải không xác thực được và không đáng tin cậy.