Video: Su-30MK2 Việt Nam trình diễn khai mạc Triển lãm Quốc phòng 2022
Màn trình diễn trên không của Không quân Nhân dân Việt Nam tại lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2022 ngày 8/12 một lần nữa khiến người dân Hà Nội, cũng như khách tham quan triển lãm, ấn tượng với kịch bản bay được xây dựng kỹ lưỡng cùng nhiều động tác bay khó.
Ấn tượng nhất vẫn là khoảnh khắc biên đội gồm 4 chiếc tiêm kích Su-30MK2 phóng mồi bẫy nhiệt khi bay qua lễ đài khai mạc ở độ cao thấp. Không quân Nhân dân Việt Nam đã sử dụng đến 8 chiếc Su-30MK2 cho màn trình diễn này, trong đó có 6 chiếc biểu diễn thả mồi bẫy nhiệt trên không.
Mỗi chiếc Su-30MK2 được trang bị 96 quả đạn mồi bẫy nhiệt PPI-50 được phóng đi từ hệ thống phóng mồi APP-50. Vậy Mồi bẫy nhiệt là gì?
Cặp Su-30MK2 thả mồi bẫy nhiệt kết thúc màn trình diễn khai mạc tại Triển lãm quốc phòng 2022.
Hầu hết dòng máy bay quân sự hiện nay, bao gồm chiến đấu cơ, máy bay vận tải cho đến trực thăng, đều được trang bị mồi bẫy nhiệt. Đây là một phần hệ thống phòng thủ chủ động được thiết kế để bảo vệ máy bay trước các loại tên lửa phòng không sử dụng đầu dẫn hồng ngoại.
Mỗi máy bay sẽ được trang bị hàng chục quả đạn mồi bẫy nhiệt ở các vị trí thuận lợi cho việc phóng, cũng như đánh chặn tên lửa. Như thiết kế của Su-30MK2 là ở phần đuôi máy bay, những quả đạn này được phóng từng viên liên tiếp nhằm tăng khả năng vô hiệu quả tên lửa đối phương.
Trên Su-30MK2 cũng được trang bị hệ thống cảm biến cảnh báo sớm tên lửa tấn công khi máy bay bị radar hoặc tên lửa đối phương chiếu xạ. Khi phát hiện tên lửa tầm nhiệt của đối phương, pháo sáng sẽ được phóng ra. Tên lửa tầm nhiệt tự động lần theo nguồn phát nhiệt, thường là động cơ của máy bay. Pháo sáng mồi bẫy phát ra nhiệt lượng lớn làm cảm biến hồng ngoại trên đầu dò tên lửa bị đánh lừa và lao tới, giúp máy bay thoát hiểm.
So với các hệ thống phòng thủ chủ động khác, mồi bẫy nhiệt được đánh giá có hiệu quả cả về tính năng lẫn chi phí, chúng có giá thành thấp hơn nhiều so với các hệ thống đánh chặn tên lửa khác. Quá trình sử dụng đơn giản và có thể thay thế mới sau mỗi lần triển khai. Điều này khiến mồi bẫy nhiệt phổ biến trên các dòng máy bay quân sự và một số máy bay chở khách thương mại.
Tiêm kích đa năng Su-30MK2 của Không quân Nhân dân Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Ngoài các bài bay phức tạp thì phóng mồi bẫy nhiệt tạo hiệu ứng pháo sáng ở tầm thấp hoặc tầm cao luôn xuất hiện trong các buổi trình diễn trên không.
Điển hình hai phi đội bay biểu diễn Hiệp sỹ Nga (Su-30SM) và Chim Yến (MiG-29) của không quân Nga hay Thiên thần xanh (F/A-18) không quân Mỹ luôn các màn trình diễn bằng mồi bẫy nhiệt khi bay trình diễn. Độ cao và động tác bay càng khó càng khiến màn trình diễn càng trở nên đẹp mắt.
Su-30MK2 là loại máy bay chiến đấu đa năng hai chỗ ngồi, tốc độ siêu âm có thể đảm nhiệm cả nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không và nhiệm vụ cường kích (tấn công mặt đất, mặt biển). Đây là loại máy bay chiến đấu hiện đại nhất của không quân Việt Nam.
Phát triển trên nền tảng dòng Su-27, máy bay Su-30MK2 được đánh giá có nhiều ưu thế hơn các dòng máy bay tiêm kích chủ lực thế hệ 4 của Mỹ.
Tốc độ lớn nhất mà Su-30MK2 đạt được có thể lên tới Mach 2,5 - nghĩa là nhanh gấp 2,5 lần tốc độ âm thanh. Độ cao lớn nhất mà Su-30MK2 có thể vươn tới được lên tới gần 20.000 mét so với mực nước biển.