Ảnh minh họa.
PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Nam, Bệnh viện Quốc tế Minh Anh, cho biết trong nhiều năm làm nghề, ông từng chứng kiến rất nhiều bệnh nhân mắc HIV/AIDS trong hoàn cảnh bi đát vì những lần dại dột của mình. Điều đó khiến gia đình, người thân đặc biệt là người trực tiếp chăm sóc họ phải đau khổ, chịu đựng nỗi đau cùng.
Trường hợp điển hình BS Nam từng chứng kiến khoảng gần chục năm về trước, một nam thanh niên 24 tuổi, nhập viện trong tình trạng thập tử nhất sinh vì bị tràn máu màng phổi sau một cuộc xô xát với bạn bè. Sau khi được dẫn lưu màng phổi và cầm máu, anh vẫn sốt, trên phim X-quang xuất hiện những đốm viêm phổi ngày càng nặng hơn. Các bác sĩ tiến hành xét nghiệm HIV và kết quả là dương tính ở cả hai lần thử.
Khai thác bệnh sử, nam thanh niên chia sẻ do từ nhỏ ngang bướng lại sống trong khuôn khổ và sự áp đặt của bố mẹ, anh đã không chịu được và bỏ nhà ra đi khi vừa 16 tuổi. Nam thanh niên được nhóm bạn lôi kéo và làm quen với 'kim tiêm' và nghiện lúc nào không hay. Không lâu sau, nam thanh niên mắc HIV.
"Nam thanh niên sau 1 năm nằm viện cũng mất vì HIV đã ở giai đoạn cuối. Cô vợ là người chăm sóc anh những lúc cuối đời trở thành góa phụ với những nỗi buồn không tên", BS Nam chia sẻ.
Theo BS Nam, hiện nay tỉ lệ ca nhiễm HIV ở nhóm tiêm chích ma túy giảm, nhưng con số gia tăng ở nhóm quan hệ đồng tính nam. Năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người.
ThS.BS Võ Hải Sơn, Trưởng Phòng Giám sát và xét nghiệm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, cho biết đến hiện tại theo ước tính số nhiễm HIV toàn quốc là 242.000 ca. Riêng năm 2021, số nhiễm HIV phát hiện mới là 13.223 ca, trong đó số tử vong báo cáo là 1.856 ca.
Theo Sở Y tế Hà Nội, thông thường HIV sẽ lây truyền qua:
Đường máu: Thường là truyền máu, tiêm chích, xăm da, qua các vết xước trên da, niêm mạc…
Đường quan hệ tình dục: Quan hệ tình dục với một hay nhiều bạn tình mà không biết họ có nhiễm HIV hay không; Sử dụng bao cao su không thường xuyên và không đúng cách; Quan hệ tình dục trong khi bản thân hoặc bạn tình còn đang mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Từ mẹ sang con: Mẹ nhiễm HIV truyền sang con trong thời kỳ mang thai, lúc sinh con và khi cho con bú.
Cách phòng lây nhiễm HIV
Để phòng tránh HIV, Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo:
- Phòng lây nhiễm HIV qua đường tình dục:
Khi chưa có đủ điều kiện, không biết rõ về lịch sử của người tình không nên vội vàng có quan hệ tình dục. Việc tránh có quan hệ tình dục là biện pháp phòng tránh HIV/AIDS và các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hiệu quả nhất.
Đã có bạn tình hoặc đã lập gia đình, việc sống chung thủy đối với cả hai người là cách phòng tránh hữu hiệu nhất cho việc lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục.
Trong trường hợp có quan hệ với một người mà mình không biết rõ về lịch sử tình dục của họ thì việc dùng bao cao su đúng cách là rất cần thiết.
Phát hiện sớm và chữa trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm HIV/AIDS vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là cửa vào lý tưởng cho HIV.
- Phòng lây nhiễm HIV qua đường máu:
Không dùng chung bơm, kim tiêm khi tiêm hay chích. Nên sử dụng bơm kim tiêm dùng một lần rồi bỏ đi. Tốt nhất là không tiêm chích ma túy.
Hạn chế sử dụng các loại thuốc tiêm chích.
Không dùng chung những vật xuyên qua da và niêm mạc như: bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kim xăm mình, kim xuyên lỗ tai…
Khi đi cắt tóc không nên sử dụng chung lưỡi dao cạo, đồ dùng ngoáy tai vì những đồ dùng này vẫn có thể gây tổn thương da và lây nhiễm HIV/AIDS.
- Phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con:
Dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Nếu phụ nữ mang thai không bị nhiễm HIV thì không thể truyền HIV cho con của họ được.
Để tránh lây truyền HIV, nam và nữ trong tuổi sinh đẻ (tuổi từ 15 đến 49): không nên quan hệ tình dục trước hôn nhân; chung thủy 1 vợ, 1 chồng. Không quan hệ tình dục với nhiều người; sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
Nam, nữ trong tuổi sinh đẻ hãy đến phòng khám tư vấn hoặc các cơ sở y tế để tìm hiểu các thông tin liên quan đến sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, phòng chống HIV và phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
- Phòng tránh mang thai ngoài ý muốn cho phụ nữ nhiễm HIV:
Giảm số lượng phụ nữ nhiễm HIV có thai ngoài ý muốn sẽ làm giảm số trẻ nhiễm HIV từ mẹ.
Phụ nữ nhiễm HIV hãy cùng chồng hoặc bạn tình đến phòng tư vấn sức khoẻ, trạm y tế hoặc các cơ sở sản khoa để được tư vấn và tự quyết định về các vấn đề sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn và kế hoạch hóa gia đình; tư vấn và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục; giới thiệu chuyển đến cơ sở chăm sóc, điều trị và hỗ trợ thích hợp.
- Can thiệp cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai:
Tất cả phụ nữ mang thai cần đến cơ sở y tế để được khám thai và tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện.
Nếu phụ nữ vẫn muốn sinh con thì họ sẽ được: tư vấn và chăm sóc thai nghén; xét nghiệm và dùng thuốc kháng vi rút (ARV) vào thời điểm thích hợp; sinh đẻ an toàn; tư vấn cho cả hai vợ chồng lựa chọn cách nuôi trẻ phù hợp.
- Các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị thích hợp cho bà mẹ nhiễm HIV và con của họ sau khỉ sinh:
Trẻ mới sinh được uống thuốc kháng vi rút để phòng sự lây truyền HIV từ mẹ.
Dự phòng và điều trị các nhiễm trùng cơ hội khác. Tư vấn chăm sóc dinh dưỡng và hỗ trợ tinh thần.
Được chuyển đến nơi thích hợp để tiếp tục theo dõi, chăm sóc và điều trị cho cả mẹ và con. Chồng hoặc bạn tình đều được tư vấn, xét nghiệm, chuyển đến cơ sở chăm sóc điều trị thích hợp.