Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) chính thức thu phí từ 1/8, vé có giá thấp nhất 35.000 đồng/lượt dành cho ôtô 4 chỗ. Do trạm nằm trên quốc lộ 1 nên ôtô không đi vào đường tránh Cai Lậy cũng phải mua vé khiến tài xế bức xúc.
Các tài xế cho rằng điểm bất hợp lý là nếu như đường cao tốc Trung Lương - TP.HCM dài 45km, cho phép xe chạy với vận tốc 120km/h, chỉ thu 40.000 đồng đối với xe 7 chỗ trở xuống, đường tránh thị xã Cai Lậy chỉ dài 12km, tốc độ cho phép tối đa 80km/h nhưng thu 35.000 đồng/xe từ 7 chỗ ngồi trở xuống là quá cao.
Khoảng 17h ngày 6/8, hàng chục ôtô có treo băng rôn với nội dung "yêu cầu dời trạm vé vào đường tránh Cai Lậy". Tài xế các xe này đã trả phí mua vé bằng tiền lẻ mệnh giá 500 đồng được nhét trong chai nhựa.
Do trạm thu phí đã chủ động bố trí nhân viên tập trung cắt chai nhựa để lấy tiền và đếm nhanh nên không gây kẹt xe. Có trường hợp tài xế cố tình đưa thiếu 500 đồng, khi nhân viên trạm thu phí báo thiếu, tài xế đề nghị đưa lại tiền lẻ rồi trả bằng tờ 500.000 đồng.
Nhận định về vụ việc này, luật sư Hoàng Tiến (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho rằng: "Tài xế có quyền làm đơn khiếu nại đến các cấp có thẩm quyền nếu thấy giá thu phí không hợp lý, không nên có phản ứng tiêu cực như vậy. Nhẹ thì bị xử phạt hành chính, nặng có thể xem xét xử lý hình sự về tội Cản trở giao thông đường bộ (Điều 203, BLHS)".
Luật sư Hoàng Tiến phân tích, theo luật Hình sự, người cản trở giao thông đường bộ chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi có một trong các điều kiện sau:
Gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác (chủ đầu tư trạm thu phí - PV). Mặc dù là lỗi vô ý, nhưng người vi phạm vẫn bị xử lý hình sự. Tùy vào mức độ vi phạm, hậu quả (thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra), người phạm tội có thể bị phạt tù đến mười năm, bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng.
Hành vi cản trở giao thông đường bộ sẽ bị xử lý hình sự, nếu thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm theo Điều 203, BLHS.
Theo đó, người nào có một trong các hành vi cản trở giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến ba mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
Trường hợp những tài xế khi mua vé tại trạm thu phí mà có hành vi: Dùng những lời nói thô tục kích động làm ồn, náo động tại trạm thu phí; lôi kéo, kích động người khác cùng gây rối; gây gổ làm huyên náo trật tự chung… gây hậu quả nghiêm trọng, thì có thể bị xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng.
Khoản 1, Điều 245 BLHS quy định: Người nào gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Nếu chứng minh hành vi gây rối trật tự công cộng có tổ chức, gây cản trở giao thông nghiêm trọng, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2, Điều 245 với mức hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
Bình luận về sự kiện này, luật gia Nguyễn Thị Uyên (Hà Nội) cho hay, trong trường hợp này, cơ quan chức năng có quyền xử phạt hành chính lái xe theo quy định hiện hành.
"Hành vi dừng xe, đỗ xe trái quy định gây ùn tắc giao thông của tài xế nói trên có thể bị xử lý theo điểm d, khoản 4, Điều 5, Nghị định 46/2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với mức phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng", luật gia Nguyễn Thị Uyên nêu ý kiến.
Luật gia Nguyễn Thị Uyên nhấn mạnh: "Việc đặt trạm thu phí giao thông đường bộ ở nhiều nơi trong cả nước vẫn còn nhiều điều bất cập, gây bức xúc trong một bộ phận quần chúng nhân dân nhưng không vì thế mà chúng ta hành xử thiếu văn hóa như một số tài xế trạm thu phí tuyến tránh BOT Cai Lậy (Tiền Giang)".