“Nhậu là thước đo độ đàn ông: Một quan niệm ngu xuẩn"

Mộc Lan |

Có lẽ bởi vì mỗi lần về Việt Nam lại bị rủ rê quá nhiều nên lần này nhà báo Anh Ngọc đã viết ra nhữg tâm tư của mình.

Chẳng khó gì bắt gặp những đấng mày râu ngồi cà kê cốc bia rổ lạc sau mỗi giờ tan làm. Thậm chí là trong giờ làm hoặc sáng sớm, nhiều người cũng chẳng ngại ngần làm chén rượu cho ấm người.

Văn hoá "nhậu" đã ngấm vào cánh đàn ông Việt từ rất lâu khi vấn đề gì cũng có thể quy về uống rượu bia. 

Ký hợp đồng trên bàn nhậu, vui nhậu, buồn cũng nhậu, sinh nhật con cái lại nhậu, cưới hỏi ma chạy cũng nhậu… Anh em bạn bè lâu ngày gặp nhau cũng lại làm đôi chén rượu, bia hâm nóng tình cảm.

Chẳng thế mà nhà báo Anh Ngọc đã phải viết những dòng tâm tư này gửi đến các chiến hữu của mình, đồng kính gửi đến phái mày râu Việt về văn hoá ăn nhậu. Bài chia sẻ của anh trên trang cá nhân hiện đang hút nhiều quan theo dõi của người đọc. 

“Nhậu là thước đo độ đàn ông: Một quan niệm ngu xuẩn - Ảnh 1.

Văn hoá "Khách đến nhà không trà thì rượu" đã ngấm sâu vào tiềm thức của người dân Việt

"Giờ này năm ngoái, mình chuẩn bị bay về Hà Nội một thời gian rất ngắn. 

Điều nhận được nhiều nhất trong thời gian ngắn ngủi ở nhà là các cuộc gọi mời đi nhậu: "Mấy năm mày mới về, ra với bọn tao đi, đang ngồi ở quán abc", "Ra làm cốc cho vui đi! Muốn nhậu với mày một lúc", "Xõa đi, đang ở quán xyz đây. Xuyên đêm nhé!"

Ngoài những người bạn thân thiết nhất và tờ báo mình đã từng công tác, mình không nhận lời bất cứ ai nữa. Vì thấy như thế không ổn.

Không ổn không phải vì mình có vấn đề gì với họ mà vì mình thấy họ không thay đổi, bao nhiêu năm rồi vẫn thế, vẫn phải ngồi với nhau làm dăm ba chén, dăm ba cốc thì mới cho là chân tình, vui vẻ, anh em.

“Nhậu là thước đo độ đàn ông: Một quan niệm ngu xuẩn - Ảnh 2.

Nhà báo Anh Ngọc hiện đang sinh sống và công tác tại Italia.

Chưa bao giờ mình thích thứ văn hóa ấy. Nó tốn thời gian, tốn tiền bạc và đương nhiên, rất tốn sức khỏe.

Và vì thế, mình chỉ mong sau này về nước, số cuộc gọi như thế ít đi. Nhắc lại là không phải vì mình có vấn đề gì với họ, mà cách tư duy về cuộc sống, về bạn bè của mình cũng đã thay đổi, thay đổi rất nhiều và từ lâu rồi.

Mình muốn sau này trở về, những ngày cuối tuần, gia đình mình hoặc dăm ba gia đình nữa tổ chức đi chơi đâu đó xa thành phố, đến những nơi có sông, suối, có núi non.

Tóm lại là những chỗ có thể cắm trại được, làm những thứ gì đó có thể vận động thân thể được (đạp xe, chạy bộ, bơi....), trẻ con có chỗ chơi, phụ nữ không phải cắm đầu vào nấu nướng và đàn ông không tụ lại một chỗ bia rượu nhậu nhẹt.

Mình rất thích một cuộc sống như thế ở nhà, có gia đình, có bạn bè, có trẻ con chơi, có vận động và phụ nữ không khổ sở chuyện vào bếp.

Cứ nhìn các bạn bên này mà thấy đáng học tập. Họ có những chỗ để cắm trại, chỗ cho các xe camper (xe như cái nhà, có đủ thứ bên trong, như chỗ ngủ, toilet), chỗ chạy xe đạp... để các gia đình đi du lịch đường trường.

Bằng cách ấy, họ vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa dạy thêm cho trẻ các kĩ năng sống, vừa vận động thân thể trong các hoạt động, vừa gắn kết (các) gia đình trong các hoạt động chung.

Nếu ai đó rủ mình đi dã ngoại như thế, mình sẽ nhận lời. Còn nhậu và "dzô dzô" để đếm ly, đếm cốc như một thước đo độ đàn ông (một quan niệm ngu xuẩn), xin cám ơn, mình không tham gia đâu...."

Đọc xong thì không hiểu có bác nào nhột không nhỉ? Nhưng tôi chưa thấy những bình luận tiêu cực, phản bác nào trong dòng status của nhà báo Anh Ngọc cả. Chỉ thấy like và share đang ngày một nhiều thôi!

Có lẽ tư duy lâu đời này đã đến lúc cần thay đổi?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại