Nhật tính chuyện tham gia liên minh vệ tinh với Mỹ

Bình Giang |

TP - Chính phủ Nhật Bản sẽ tính chuyện tham gia sáng kiến “chòm vệ tinh” của Mỹ để có thể quan sát chính xác chuyển động của tên lửa, bằng cách triển khai những vệ tinh quỹ đạo tầm thấp được gắn cảm biến thông minh.

Mô phỏng mạng lưới vệ tinh quan sát Trái đất ảnh: Space

Mô phỏng mạng lưới vệ tinh quan sát Trái đất ảnh: Space

Chính phủ Nhật sẽ bắt đầu xem xét toàn diện trong năm tài khóa 2021 về những cách thức hợp tác với sáng kiến của Mỹ nhằm đối phó với những loại tên lửa mới của Trung Quốc, Nga và Triều Tiên mà những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay khó đánh chặn.

Nhật Bản cũng sẽ thúc đẩy việc phát triển các loại cảm biến tia hồng ngoại, có thể phát hiện và theo dõi tên lửa trên một khu vực rộng lớn với độ nhạy cao, để gắn chúng lên các vệ tinh, Mainichi đưa tin ngày 12/1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa mà Nhật mua từ Mỹ, bao gồm cả Aegis, mặc định các tên lửa đạn đạo sẽ bay theo hình cung parabol trước khi chạm vào mục tiêu. Tuy nhiên, Trung Quốc và Nga đã phát triển được loại vũ khí siêu vượt âm, có thể đi theo những quỹ đạo khó đoán.

Triều Tiên cũng có loại tên lửa bay theo nhiều quỹ đạo ở tầm thấp. Cả hai loại tên lửa này có thể “qua mặt” những hệ thống phòng thủ tên lửa hiện nay.

Kết nối hơn 1.000 vệ tinh cỡ nhỏ, sáng kiến chòm vệ tinh của Mỹ theo dõi chuyển động của các tên lửa của kẻ thù cả ở mặt đất lẫn trên không. Nhưng để hoạt động như một hệ thống phòng thủ tên lửa, hệ thống này vẫn cần cải thiện khả năng đánh chặn.

Theo Kế hoạch cơ bản về phát triển và sử dụng không gian được thông qua từ tháng 6/2020, Nhật Bản đề ra chính sách “thực hiện các biện pháp cần thiết” bằng cách xem xét hợp tác với hệ thống chòm vệ tinh của Mỹ.

Một hệ thống chòm vệ tinh tốn khoảng 9,6 tỷ USD, nên Nhật Bản không thể làm một mình. Mainichi dẫn lời một nguồn tin thân cận với chính phủ cho biết Tokyo tính sẽ phóng vài chục vệ tinh và chia sẻ thông tin với Mỹ.

Hiện tại, Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản và Hải quân Mỹ đang chia sẻ thông tin thu được qua hệ thống radar trên tàu chiến. Hai nước cũng chia sẻ hình ảnh mà các vệ tinh chụp được.

Mỹ có kế hoạch phóng 20 vệ tinh đầu tiên thuộc sáng kiến vào năm 2022, sau đó tăng lên 250 vệ tinh vào năm 2025. Mục tiêu cuối cùng là phóng hơn 1.000 vệ tinh để tạo nên mạng lưới phát hiện và theo dõi tên lửa, giám sát trên mặt đất và theo dõi rác vũ trụ.

Mỗi vệ tinh cảnh báo sớm truyền thống có thể nặng tới 1 tấn và cần được đưa lên độ cao 36.000km, nhưng mỗi vệ tinh trong sáng kiến mới chỉ nặng vài trăm kg và được đưa lên độ cao 300-1.000km.

Trung Quốc và Nga đang phát triển các “vệ tinh sát thủ”, có thể tấn công vệ tinh của nước khác. Bằng cách đưa nhiều vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo, hệ thống của Mỹ chuẩn bị cho cả khả năng một số vệ tinh bị tiêu diệt. Sáng kiến này cũng được chuẩn bị khả năng sống sót để vẫn hoạt động được trong những trường hợp khẩn cấp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại