Cuộc tập trận hải quân ba bên Mỹ, Nhật và Ấn Độ mang tên Malabar kéo dài tám ngày (từ ngày 10 đến 17-7) trên vịnh Bengal. Tham gia tập trận có 6.500 binh sĩ Mỹ, 700 binh sĩ lực lượng phòng vệ biển Nhật, hải quân Ấn Độ với khoảng 20 tàu chiến.
Cuộc tập trận đặc biệt
Báo chí Ấn Độ đánh giá đây là cuộc tập trận lớn nhất của ba nước. Mỹ điều động nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz, tuần dương hạm USS Princeton và ba tàu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường USS Howard, USS Shoup và USS Kidd. Ngoài ra còn có một máy bay săn ngầm P-8A Poseidon và một tàu ngầm tấn công nhanh lớp Los Angeles tham gia tập trận.
Về phía Nhật có tàu sân bay chở máy bay trực thăng JS Izumo (tàu chiến lớn nhất của Nhật) và tàu khu trục JS Sazanami. Nước chủ nhà Ấn Độ triển khai tàu sân bay INS Vikramaditya tham gia.
Ngày 7-7, với lời lẽ nhẹ nhàng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc (TQ) Cảnh Sảng tuyên bố TQ không phản đối hợp tác bình thường nhưng hy vọng cuộc tập trận không nhắm đến bên thứ ba.
Trước đó, Thời Báo Hoàn Cầu đã tố cuộc tập trận Malabar nhắm đến hoạt động tàu ngầm của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông. Báo chỉ trích Nhật sử dụng tàu sân bay JS Izumo nhằm khiêu khích TQ bởi trước khi tham gia tập trận, tàu đã được triển khai ở biển Đông.
Hồi tháng 3-2017, người phát ngôn Bộ Ngoại giao TQ Hoa Xuân Oánh đã từng chỉ trích Nhật kích động vấn đề biển Đông khi điều tàu JS Izumo ra biển Đông: “Nếu đây chỉ liên quan đến chuyến thăm bình thường và quá cảnh bình thường qua biển Đông, chúng tôi không phản đối và hy vọng việc trao đổi bình thường giữa các nước có liên quan sẽ góp phần thúc đẩy hòa bình và ổn định trong khu vực. Nhưng nếu đến biển Đông vì các động cơ khác, đây sẽ là chuyện khác”.
Trước cuộc tập trận Malabar, Ấn Độ quan sát thấy số tàu chiến và tàu ngầm của TQ đã gia tăng đáng kể trong khu vực. Báo Hindustan Times đưa tin tàu hải giám TQ HaiwangXiang đã hiện diện trên Ấn Độ Dương để làm nhiệm vụ theo dõi cuộc tập trận.
Nhật gia tăng sự hiện diện ở biển Đông
Trong bài viết trên tạp chí The National Interest ngày 27-6, hai chuyên gia Benoit Hardy-Chartrand ở Trung tâm Vì đổi mới quản trị quốc tế (Canada) và J. Berkshire Miller thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (Mỹ) nhận định sự hiện diện của Nhật ngày càng gia tăng trên biển Đông.
Đầu tháng 5-2017, Bộ Quốc phòng Nhật đã triển khai tàu sân bay chở trực thăng JS Izumo đến biển Đông trong ba tháng làm nhiệm vụ bảo vệ hạm đội Mỹ triển khai trong khu vực. Tàu JS Izumo ghé qua Singapore, Indonesia, Philippines và Sri Lanka trước khi đến Ấn Độ Dương tham gia tập trận.
Tàu JS Izumo được điều động nhằm đáp ứng cam kết của Nhật đối với các đối tác ở Đông Nam Á thông qua sáng kiến “Tầm nhìn Vientiane” đã được Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Tomomi Inada công bố tại hội nghị không chính thức các bộ trưởng Quốc phòng ASEAN-Nhật lần thứ hai ở Vientiane (Lào) vào giữa tháng 11-2016. Sáng kiến bao gồm các kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Nhật với các nước thành viên ASEAN.
Hoạt động triển khai tàu JS Izumo đến biển Đông cũng là câu trả lời rõ ràng đối với hành động của TQ trên biển Đông. Như vậy dù không phải là một bên trong tranh chấp biển Đông, Nhật vẫn chứng tỏ sẵn sàng trở thành một tác nhân then chốt.
Tàu JS Izumo chỉ là bề nổi, thật ra cách thức tiếp cận vấn đề biển Đông của Nhật tập trung vào củng cố năng lực và hợp tác quốc phòng với các nước tranh chấp biển Đông. Ngoài đào tạo và tập trận chung, Nhật đã sẵn sàng cung cấp thiết bị như tàu tuần tra và máy bay tuần tra biển cho Việt Nam và Philippines.
Vì sao Nhật “xuất chiêu”?
Theo hai chuyên gia Benoit Hardy-Chartrand và J. Berkshire Miller, từ lâu Nhật đã quan tâm đến an toàn và an ninh hàng hải trên biển Đông bởi lẽ 90% dầu nhập khẩu của Nhật đi qua biển Đông.
Năm 1968 Nhật đã thành lập Hội đồng eo biển Malacca. Năm 2001 Nhật tham gia Thỏa thuận hợp tác khu vực về chống cướp biển và cướp có vũ trang đối với tàu bè ở châu Á (ReCAAP). Nhật cũng đã củng cố an ninh hàng hải qua các quan hệ đa phương như Diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị cấp cao Đông Á, Hội nghị bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Gần đây, động cơ để Nhật tăng cường sự hiện diện ở biển Đông còn vì hành động của TQ. Nhật quan sát thấy hành động của TQ ở biển Đông và biển Hoa Đông rất giống nhau, từ đó dẫn đến lo ngại nếu TQ giành ưu thế ở khu vực này thì có thể bành trướng ở khu vực kia.
Với quan điểm như thế, chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ưu tiên quan tâm đến biển Đông và gia tăng đầu tư để củng cố cam kết với các nước có biển trong ASEAN.
Bằng chứng cho thấy TQ tăng cường củng cố yêu sách chủ quyền là cuối tháng 6-2017, tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thông báo hình ảnh vệ tinh mới nhất cho thấy TQ đã hoặc đang hoàn tất công trình xây dựng hệ thống bảo vệ dàn phóng tên lửa, radar và kho ngầm trên đá Chữ Thập, đá Xu Bi và đá Vành Khăn.
Dù vậy, đến nay Nhật vẫn tỏ ra dè dặt về quy mô cam kết ở biển Đông. Bộ Quốc phòng Nhật tuyên bố ủng hộ chiến dịch tuần tra bảo vệ tự do hàng hải của Mỹ (FONOP) nhưng không nói gì đến chuyện Nhật tham gia với Mỹ thực hiện FONOP.
Lý do đầu tiên là lực lượng phòng vệ biển Nhật đang căng kéo giữa nhiều nhiệm vụ như đối phó với nguy cơ CHDCND Triều Tiên trên vùng biển Nhật Bản, đối phó với TQ trên biển Hoa Đông, gia tăng sự hiện diện trên biển Đông. Kế đến, Nhật biết rằng nếu dấn thêm bước nữa ở biển Đông như hợp tác với Mỹ thực hiện FONOP, TQ sẽ tìm cách đẩy căng thẳng trên biển Hoa Đông gia tăng.