Nhất siêu hay đa cường: Lập trường đối ngoại Trump-Harris tưởng khác biệt mà tương hỗ, rõ nhất ở 1 điểm

Thạc sỹ Lục Minh Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (SCIS) - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP Hồ Chí Minh |

Chính quyền Biden - Harris vẫn duy trì khoảng 360 tỷ USD thuế quan được đặt ra từ thời chính quyền ông Trump và bổ sung hàng chục tỷ USD tiền thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Sự khác biệt rõ nét trong lập trường đối ngoại được cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Donald Trump thể hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng trên thực tế không chỉ phản ánh đầy đủ quang phổ chính trị đặc trưng của nước Mỹ, mà còn khéo léo góp phần thăm dò phản ứng của dư luận khu vực và quốc tế đối với các phương án xử lý có phần đối trọng lẫn nhau ở các "điểm nóng" chiến sự nhạy cảm.

Do đó, việc nhìn nhận về những khác biệt về lập trường đối ngoại của hai ứng viên cần được đặt vào tổng thể các tính toán chiến lược nhằm đảm bảo lợi ích "cốt lõi" của nước Mỹ ở cả ba cấp độ: quốc gia, khu vực và toàn cầu.

Hai thái cực, một mục tiêu

Trong đó, với tư cách đương kim phó Tổng thống Mỹ nhưng lại chưa có thành tích đối ngoại cụ thể nào đáng thuyết phục, bà K. Harris hiện đang đại diện cho các định hướng chính sách dựa trên lập trường thống nhất với chính quyền Tổng thống J. Biden (còn gọi là chính quyền Biden - Harris) đương nhiệm nói riêng và nền tảng cương lĩnh của đảng Dân chủ vừa được thông qua vào tháng 7/2024 nói chung. 

Với sự đề cao một cách kiên định chủ nghĩa quốc tế - duy trì hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu đối ngoại của Mỹ, bà K.Harris trên thực tế đang thăm dò phản ứng của dư luận đối với kịch bản phía Mỹ duy trì cách tiếp cận "chia sẻ quyền lực" với các quốc gia "cùng chí hướng" - di sản sắp hoàn thành của chính quyền ông J. Biden.

Sự chia sẻ này vừa giúp nước Mỹ tối đa hóa đáng kể nguồn lực thực hiện các mục tiêu chiến lược trong chương trình nghị sự toàn cầu, vừa giảm thiểu được rủi ro tính toán sai lầm ở các "điểm nóng" cụ thể đang ngày càng leo thang căng thẳng.

 - Ảnh 1.

Ở chiều ngược lại, ứng viên D. Trump với kinh nghiệm của một cựu Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa có xu hướng bảo thủ lại tiếp tục tập trung vào lập trường "nước Mỹ trên hết" của nhiệm kỳ trước.

Với các ưu tiên cao nhất cho nhóm mục tiêu phục vụ lợi ích của riêng nước Mỹ, quan điểm đối ngoại của ông D. Trump khắc họa rõ nét các định hướng truyền thống và thực dụng khi hạ thấp vai trò của các tổ chức quốc tế lẫn hệ thống đồng minh, chủ trương triển khai các xu thế đối ngoại do chính nước Mỹ trực tiếp can dự và thúc đẩy.

Cách tiếp cận này của ông Trump tưởng chừng có vẻ bảo thủ và đơn độc, nhưng lại chính là sự phát huy lợi thế tuyệt đối của siêu cường Mỹ - nền tảng cốt lõi trong quỹ đạo ảnh hưởng của phương Tây nói riêng và xu hướng tập hợp lực lượng đối trọng với trục Nga - Trung hiện tại nói chung.

 - Ảnh 2.

Vì vậy, rõ ràng hai thái cực có bề ngoài đối trọng lẫn nhau giữa bà K. Harris và ông D. Trump lại có nhiều chỉ dấu tương hỗ với nhau xoay quanh mục tiêu chung giúp nước Mỹ phát huy đầy đủ cả lợi thế tương đối trong tương quan so sánh có thể tận dụng từ quốc gia "cùng chí hướng", lẫn sức mạnh tuyệt đối mà một siêu cường như nước Mỹ đang sở hữu trên tất cả các lĩnh vực chủ chốt như ngoại giao, kinh tế, khoa học - công nghệ, năng lượng, y tế và quân sự.

Vì vậy, cho dù kết quả cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới có thế nào thì ứng viên đắc cử Tổng thống Mỹ cũng sẽ có được đầy đủ thông tin về phản ứng của dư luận đối với các định hướng đối ngoại cụ thể, từ đó thuận lợi hơn trong quá trình lựa chọn và đề xuất những điều chỉnh cần thiết ở nhiệm kỳ mới sau tháng 1/2025.

 - Ảnh 3.

Chính sách của 2 ứng viên đối với 4 nhóm lợi ích cốt lõi

Dựa trên sự nhìn nhận tổng thể về lợi ích quốc gia của nước Mỹ, có thể hệ thống được 4 nhóm lợi ích cốt lõi mà cả hai ứng viên đều có cùng mục tiêu theo đuổi nhưng định hướng cách tiếp cận đa dạng, thậm chí có phần tương phản về hình thức như sau:

Đầu tiên là nhóm lợi ích đảm bảo sự tự chủ chiến lược trong lĩnh vực năng lượng của Mỹ. Mặc dù được thừa nhận vai trò "máu" của mọi nền kinh tế, nhưng lĩnh vực năng lượng từ lâu đã trở thành lằn ranh khác biệt về định hướng chính sách phát triển giữa hai đảng Dân chủ (ưu tiên năng lượng tái tạo lợi cho môi trường) và Cộng hòa (ủng hộ năng lượng hóa thạch).

Tuy nhiên, trong lúc những kế hoạch lớn có chiều hướng ủng hộ mạnh mẽ ngành năng lượng hóa thạch của ứng viên D. Trump đang bị giới hàn lâm của Mỹ chỉ trích nặng nề rằng sẽ kéo lùi nước Mỹ đến "hàng thập kỷ", thì thực tế lại cho thấy lập trường của bà K. Harris đang dần để lộ các tính toán mang tính "nước đôi" - đứng giữa cả hai lập trường.

 - Ảnh 4.

Theo hãng tin Reuter, mặc dù vẫn ủng hộ các dự án năng lượng gió ngoài khơi và các nguồn năng lượng tái tạo khác, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã làm rõ sự thay đổi sang thái độ không còn ủng hộ lệnh cấm khai thác khí đá phiến - một dạng nhiên liệu hóa thạch trên đất của liên bang.

Không chỉ vậy, dưới thời chính quyền Biden-Harris, nước Mỹ đã đạt được mức sản lượng dầu khí kỷ lục vào năm 2023 với trung bình 12,9 triệu thùng dầu mỗi ngày đồng thời trở thành nhà sản xuất nhiên liệu hóa thạch (dầu thô và khí tự nhiên) lớn nhất thế giới.

Con số này thậm chí vượt qua cả mức đỉnh trước đó là 12,3 triệu thùng mỗi ngày được thiết lập trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Trump vào năm 2019. 

Sự điều chỉnh sang cách tiếp cận "mơ hồ chiến lược" của bà K. Harris không chỉ cho thấy được khả năng thỏa hiệp của đảng Dân chủ, mà còn nhấn mạnh lợi ích cốt lõi trong việc đảm bảo sự độc lập về năng lượng của Mỹ để bảo vệ an ninh quốc gia. 

Cần lưu ý rằng, dù có nhiều tranh cãi nhưng nhiệm kỳ của cựu Tổng thống D. Trump đã đánh dấu hai năm liên tiếp (2019-2020) đạt kỷ lục chưa từng thấy trong mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính.

Tiếp theo, chính phủ Mỹ phải cùng lúc thực hiện: (i) các nỗ lực tối ưu hóa lợi ích thương mại ngay cả với các quốc gia "cùng chí hướng (like-minded partner)" và (ii) giảm thiểu sự can dự tốn kém ở các "điểm nóng" chiến sự quy mô khu vực.

Theo viện nghiên cứu Stimson, cho dù triển khai theo cách tiếp cận "Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại (MAGA)" của ông Trump hay "Nền kinh tế cơ hội" của bà Harris thì nước Mỹ vẫn có xu hướng củng cố một môi trường không mấy thân thiện cho các khoản đầu tư nước ngoàivào quốc gia này.

 - Ảnh 5.

Về phía bà Harris, mặc dù tuyên bố không phải "đảng viên Dân chủ theo chủ nghĩa bảo hộ" nhưng bà vẫn duy trì lập trường chung của chính quyền Biden – Harris trong việc sử dụng nguồn lực liên bang để hỗ trợ gia tăng năng lực cạnh tranh đối với các ngành công nghiệp chiến lược nội địa của Mỹ.

Thông qua sự ủng hộ Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) với khoảng 370 tỷ đô la tiền tài trợ, cho vay và ưu đãi thuế của liên bang cho năng lượng sạch, cùng với 280 tỷ USD từ Đạo luật CHIP và Khoa học nhằm tăng cường năng lực bán dẫn cho nền kinh tế Mỹ, bà Harris đang làm trỗi dậy các quan ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở Mỹ.

Tương tự như vậy nhưng với biện pháp lộ liễu hơn, ông D. Trump đã cam kết áp dụng mức thuế "phổ quát" đối với hầu hết hàng nhập khẩu trong khi vẫn áp dụng mức thuế cao hơn mà các nước khác áp dụng đối với các sản phẩm của Mỹ, cũng như mức thuế bổ sung đối với các nước tìm kiếm giải pháp thay thế cho đồng USD bất kể đó có là quốc gia "cùng chí hướng" với Mỹ hay không. 

Ngoài ra, cả bà Harris và ông Trump đều cùng phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vì không muốn loại bỏ thuế quan nội khối, đồng thời cùng có quan điểm không ủng hộ theo nhiều mức độ khác nhau đối với cơ chế giải quyết tranh chấp hiện tại của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà ông Trump cho là "thảm họa".

Không chỉ vậy, cả ông Trump và chính quyền Biden-Harris hiện tại đều có cùng chủ trương rút quân đội khỏi các "cuộc chiến không hồi kết" để giảm thiểu các chi phí khổng lồ vốn đang khiến cho nợ công của nước Mỹ ngày càng trầm trọng.

Ngay sau khi rút khỏi Afghanistan trong tháng 8/2021, chính quyền Biden – Harris được cho là đã đồng ý rút đa số trong 2.500 quân còn lại ở Iraq theo hai giai đoạn kể từ cuối tháng 9/2024. Thêm vào đó, lập trường của cả hai ứng viên cùng ủng hộ Israel thúc đẩy các cuộc đàm phán ngừng bắn ở Dải Gaza và khu vực Nam Lebanon tuy ở các mức độ khác nhau nhưng cũng đã khiến cho Ủy ban Hành động Chính trị người Mỹ gốc Ả Rập (AAPAC) lần đầu tiên quyết định không ủng hộ một ứng cử viên nào kể từ khi nhóm này thành lập vào năm 1998. 

Sự khác biệt còn lại giữa ông Trump và chính quyền Biden - Harris trong việc duy trì hiện diện quân sự của Mỹ ở các khu vực còn giao tranh khác như Syria (sát bên "điểm nóng" ở Dải Gaza và Nam Lebanon) và Biển Đỏ (đối đầu với lực lượng Houthi thân Iran) trên thực tế là động thái điều chỉnh phù hợp với hiện trạng chiến sự giữa Israel và Trục Kháng chiến do Iran điều phối.

Cuối cùng là các biện pháp đồng thuận lưỡng đảng nhằm duy trì lập trương cứng rắn hơn nữa với các đối thủ chiến lược của Mỹ.Dễ thấy nhất chính là xu hướng củng cố lập trường cứng rắn hơn trong quan hệ với Trung Quốc, khi chính quyền Biden – Harris vẫn duy trì khoảng 360 tỷ USD thuế quan được đặt ra từ thời của chính quyền ông D. Trump và bổ sung thêm hàng chục tỷ USD tiền thuế bổ sung đối với Trung Quốc. 

 - Ảnh 6.

Trong khi ông Trump có xu hướng muốn hiện thực hóa kịch bản "phân tách toàn diện" này bằng cách tái phân bổ (re-shoring) toàn bộ nhân lực của Mỹ ra khỏi Trung Quốc trong 4 năm sắp tới trong các lĩnh vực liên quan đến chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu và an ninh y tế, thì chính quyền Biden – Harris cũng có những bướ tiến đáng ghi nhận nhằm định hình lại chuỗi cung ứng toàn cầu nhằm loại Trung Quốc ra khỏi các kết nối khu vực châu Á. 

Động thái "giảm rủi ro" điển hình chính là những nỗ lực của chính quyền Biden – Harris nhằm gây sức ép cho các nền tảng công nghệ Trung Quốc phải thoái vốn khỏi nước Mỹ theo Đạo luật (HR7521) bảo vệ người Mỹ khỏi các ứng dụng do đối thủ nước ngoài kiểm soát.

Sự khác biệt đến mức tạo ra bất đồng sâu sắc giữa hai ứng viên xuất hiện rõ nét trong vấn đề xử lý quan hệ với Nga và đặc biệt là chiến sự đã chuyển sang năm thứ ba giữa Nga với Ukraine. 

Mặc dù đã có sự điều chỉnh đáng kể nhưng quan điểm của ông Trump vẫn giữ ở mức không cam kết sẽ tăng viện trợ quân sự cho Ukraine, hoàn toàn trái ngược với lời hứa tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực phòng thủ của Ukraine "cho đến khi nào cần thiết" của bà Harris.

Thêm vào đó, ông Trump dường như đang giữ vai trò "quân xanh" với Nga bằng các nỗ lực vận động Ukraine nhượng bộ, trong khi chính quyền Biden - Harris vẫn kiên trì cách tiếp cận của "quân đỏ" khi vận động các đồng minh phương Tây tăng cường chuỗi biện pháp trừng phạt toàn diện lên phía Nga, đồng thời gửi đi hơn 175 tỷ USD viện trợ nhân đạo và quân sự cho Ukraine kể từ năm 2022.

Tuy nhiên, lập trường của bà Harris có phần gần gũi hơn với báo cáo của ủy ban lưỡng đảng vào cuối tháng 9/2024 kêu gọi nước Mỹ phải định hình lại chính sách với Nga. Báo cáo đề xuất theo hướng đảm bảo chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến phòng thủ chống lại Nga, tiếp tục viện trợ quân sự và nhân đạo "lớn" cho Kyiv, đồng thời cho phép lực lượng vũ trang Ukraine tấn công sâu vào Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp.

Giữa "nhất siêu" và "đa cường", chọn cả hai?

Nhìn chung, lập trường đối ngoại giảm can thiệp của ông D. Trump chính là đại diện cho quan điểm rằng nhóm "lợi ích cốt lõi" của nước Mỹ phải là các vấn đề trong nước chứ không phải sự vướng bận vào các cuộc chiến tranh bất tận ở nước ngoài - một quan niệm đang ngày càng phổ biến trong công chúng Mỹ.

Trong khi đó, lập trường của bà K. Harris đại diện cho nhóm "lợi ích ngoại vi" liên quan đến các liên minh mạnh mẽ và hợp tác đa phương, đặc biệt là với các đối tác chủ chốt ở châu Âu.

 - Ảnh 7.

Chú thích ảnh

Qua quá trình vận động tranh cử, cả hai ứng viên này sẽ cùng lúc thăm dò được phản ứng của dư luận trong nước lẫn quốc tế đối với đa dạng các kịch bản ưu tiên khác nhau khi kết hợp giữa hai nhóm lợi ích "cốt lõi và "ngoại vi" vào các định hướng đối ngoại của vị Tổng thống đắc cử.

Sự định hình một quỹ đạo "nhất siêu, đa cường" kiểu mới sẽ như thế nào vẫn đang hoàn toàn phụ thuộc vào các động thái điều chỉnh linh hoạt tiếp theo, cũng như sức ảnh hưởng của các thỏa thuận lưỡng đảng Mỹ và thực tiễn chiến sự ở các "điểm nóng" cụ thể.

Vì vậy, dù cho kết quả cuộc bầu cử ngày 5/11 sắp tới có ra sao, Tổng thống đắc cử chắc chắn sẽ vẫn kết hợp giữa việc thực hiện nhiệm vụ đối ngoại dựa trên các nhu cầu đối nội mang tính cốt lõi của nước Mỹ, đồng thời tiếp tục duy trì năng lực lãnh đạo toàn cầu theo hướng giảm dần các can dự có mức độ rủi ro quá cao.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt

 - Ảnh 8.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại