Một tên lửa Tomahawk của hãng sản xuất quốc phòng Mỹ Raytheon - Ảnh: Raytheon
Trong bài viết ngày 12-12, Washington Post cho biết việc Nhật Bản mua tên lửa và tăng ngân sách quốc phòng được Mỹ ủng hộ, trong bối cảnh các mối đe dọa an ninh ngày càng tăng và nguy cơ chiến tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
"Mỹ không chỉ thực hiện các bước đi đơn phương mà còn đang tìm cách trao quyền cho các đồng minh và đối tác theo những cách rất đáng kể, và nâng cao năng lực của chúng tôi trong khu vực", một quan chức Mỹ giấu tên tiết lộ kế hoạch chưa được công khai.
Việc mua tên lửa sẽ tăng cường năng lực tấn công tầm xa của Nhật Bản và đánh dấu một bước trong truyền thống của nước này là tránh sử dụng vũ khí tấn công.
Nó cũng sẽ tăng cường khả năng răn đe thông thường của Nhật Bản trước sự hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên
Theo Washington Post, Nhật Bản sẽ xúc tiến quyết định mua tên lửa Tomahawk khi triển khai các chiến lược quốc phòng và an ninh quốc gia mới trong tháng này.
Nhật cũng đã có kế hoạch tăng mạnh ngân sách quốc phòng lên mức chuẩn của NATO là 2% GDP, tức sẽ là mức ngân sách lớn thứ ba thế giới. Những bước đi này báo hiệu một Nhật Bản đang nới lỏng những ràng buộc của hiến pháp hòa bình lâu nay.
Việc Nhật Bản mua hàng trăm tên lửa Tomahawk, theo một số thông tin sẽ vào khoảng 400 -500 tên lửa, sẽ là thông điệp cho Trung Quốc và Triều Tiên rằng Nhật Bản nghiêm túc trong việc tự vệ.
"Các tên lửa Tomahawk, với tầm bắn hơn 1.000 dặm (1.600km), sẽ đặt các mục tiêu quân sự ở Trung Quốc đại lục trong tầm ngắm", một quan chức Nhật Bản nói.
Nhật Bản coi tên lửa Tomahawk là vũ khí "dự phòng" có thể được chuyển giao trong vòng 5 năm hoặc lâu hơn. Trong khi đó, Tokyo cũng sẽ tìm cách cải thiện tầm bắn của tên lửa hành trình Type 12 của họ để có khả năng tấn công các mục tiêu quân sự trên đất liền từ xa.
Các quan chức cho biết Nhật Bản dự kiến sẽ điều chỉnh lại các hệ thống phóng thẳng đứng hiện có trên các tàu khu trục của mình để phù hợp với Tomahawk.
Tomahawk là lựa chọn hàng đầu vì chúng là "các loại hỏa lực tầm xa đã được kiểm chứng trong chiến đấu", quan chức của Nhật Bản cho biết.