Theo SCMP, ban đầu Bộ Quốc phòng Nhật đã yêu cầu dành ra 685 triệu USD trong ngân sách quốc phòng năm 2018 nhằm phát triển một loại tên lửa dẫn đường đủ sức tiêu diệt những tàu đối phương đang đe dọa chủ quyền của Nhật Bản đối với “những đảo xa xôi”.
Tuy không đề cập trực tiếp, nhưng có vẻ “đối phương” mà Nhật đang nhắm đến là Trung Quốc, nước đang có tranh chấp quần đảo Senkaku với Tokyo.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng sau đó đã quyết định mở rộng năng lực của tên lửa. SCMP cho biết nếu tên lửa Nhật phát triển có thể tiêu diệt được các mục tiêu trên đất liền, thì đây là lần đầu tiên Tokyo sở hữu năng lực này.
Vũ khí mới này có thể được triển khai trên nhiều phương tiện khác nhau, từ xe phóng tên lửa trên đất liền, tàu khu trục, máy bay chiến đấu đến máy bay tuần tra. Ngoài đối phó Trung Quốc, Nhật cũng hy vọng tên lửa này sẽ có tác dụng răn đe với Triều Tiên, theo SCMP.
Nhật mong muốn tên lửa mới đủ sức tiêu diệt những tàu đối phương đang đe dọa chủ quyền của Nhật Bản đối với "những đảo xa xôi" - Ảnh: SCMP
Vào tuần trước, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã cam kết tăng cường khả năng quốc phòng của nước này khi Triều Tiên đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất mà Tokyo phải đối mặt kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 đến nay.
Theo Thủ tướng: “Chúng tôi sẽ tăng cường sức mạnh quốc phòng, bao gồm cả khả năng phòng thủ tên lửa, để bảo vệ hòa bình và cuộc sống của người dân”.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đến thăm Nhật cũng ngỏ ý nước này có thể mua thêm vũ khí của Washington để bắn tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ông Garren Mulloy, giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Daito Bunka, cho biết: “Trong nhiều năm qua, Nhật khẳng định nước này sẽ phát triển và triển khai năng lực tấn công khi cảm thấy bị đe dọa, và Tokyo có quyền sở hữu vũ khí loại này (tên lửa hành trình siêu thanh) trong khuôn khổ chính sách chỉ duy trì năng lực quốc phòng ở mức tối thiểu”.
Lo ngại bị đe dọa của chính quyền Tokyo càng tăng cao khi Trung Quốc triển khai Đông Phong-26 có tầm bắn 4.000km.
Theo giáo sư Mullop, tuy trước đó Nhật đã có mua một số tên lửa chống hạm của nước ngoài nhưng tình hình chính trị đang thay đổi buộc nước này phải phát triển hệ thống vũ khí của riêng mình.
Ông Mulloy cho biết: “Họ đang tìm một thế hệ tên lửa mới có kích thước lớn hơn, tầm bắn xa hơn, mang được đầu đạn lớn hơn, tiêu diệt được các hệ thống đối kháng điện tử và có khả năng chuyển hướng khi bay”.
“Và quan trọng hơn hết, họ muốn đây phải là tên lửa siêu thanh. Tên lửa càng nhanh, càng khó bị bắn hạ; mang được đầu đạn càng lớn, khả năng phá hoại càng nhiều. Tôi nghĩ đây là những đặc tính của tên lửa mà Nhật Bản muốn có”, ông Mulloy chia sẻ.
Cũng theo ông Mulloy, Trung Quốc chắc chắn sẽ tỏ ý không vui khi Nhật có hệ thống vũ khí như vậy, vì Bắc Kinh xem đây là hành động mang tính tấn công.