Kế hoạch mở rộng căn cứ Djibouti dự kiến được đưa vào Hướng dẫn về Chương trình Quốc phòng quốc gia Nhật Bản mới sắp sửa đổi vào tháng 12.
Một trong những lý do khiến Tokyo mở rộng căn cứ chính là vì lo ngại Trung Quốc, quốc gia đang không ngừng mở rộng ảnh hưởng ra nhiều khu vực trên thế giới, trong đó có châu Phi.
Tháng 8.2017, Bắc Kinh chính thức mở căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên tại Djibouti. Theo thỏa thuận đạt được giữa hai bên thì căn cứ sẽ hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động cứu hộ và bảo vệ hòa bình trong khu vực.
Tình trạng tàu thương mại bị tấn công đã thúc đẩy Nhật Bản cùng một số nước khác tổ chức hoạt động chống cướp biển tại châu Phi. Lực lượng phòng vệ biển Nhật nhiều lần tuần tra vùng biển ngoài khơi Somalia và Vịnh Aden nhằm bảo vệ những tuyến vận tải biển. Công tác này hiện do một khu trục hạm phối hợp với hai máy bay P-3C thực hiện.
Djibouti sở hữu vị trí chiến lược nên được nhiều nước chọn đặt căn cứ quân sự - Ảnh: Gateway House
JSDF từ năm 2011 đã thuê một khu đất 12 hecta gần căn cứ hải quân Lemonnier của Mỹ tại Djibouti để xây căn cứ quân sự phục vụ tàu và máy bay tuần tra. Cơ sở này từng được mở rộng lên đến 15 hecta vào năm ngoái.
Để có thể sử dụng căn cứ Djibouti cho nhiều hoạt động khác ngoài chống cướp biển (vốn đã giảm đi nhiều trong vài năm qua), Bộ Quốc phòng Nhật đã nghiên cứu cách thức Mỹ, Anh, Pháp vận hành căn cứ quân sự của họ.
Căn cứ theo một đạo luật thông qua năm 2015, SDF nay còn dùng căn cứ Djibouti cho công tác vận chuyển hậu cần do lực lượng JSDF tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liêp Hợp Quốc, hoặc di tản công dân Nhật Bản trong trường hợp xung đột nổ ra.
Djibouti sở hữu vị trí chiến lược khi nằm gần các tuyến đường biển nối liền Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải. Ngoài Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc thì Pháp, Anh, Ý, Ả Rập Saudi cũng đặt một căn cứ quân sự tại đây.