Yêu nhau từ năm 16 tuổi, chờ đợi suốt 11 năm trong cảnh xa xôi, cách trở, vợ chồng bác sĩ Hữu Đạo (SN 1960) và cô giáo Nguyễn Phượng (SN 1960) ở Đà Nẵng mới về chung một mái nhà.
Vợ chồng bác sĩ Hữu Đạo.
Đôi bạn ngày xưa học chung một lớp
Cả trời thương nhớ...
"Anh nhà và chị nhà ...
Ngày xưa anh 16 tuổi, là lớp trưởng nhưng khá manh động khi nhanh tay 'bợ' luôn chị bí thư xinh xinh cùng lớp.
Ông nội kể lại, ngày xưa anh lớp trưởng dẫn cả lớp về nhà chơi. Nhà nội khi ấy nuôi một bé cún dữ, cả lớp vào nhà bé cún sủa inh ỏi, nhưng riêng chị bí thư vào thì bé lại vẫy đuôi là ông đã biết ngay con dâu tương lai đây rồi.
Ngày xưa, anh đi bộ đội, rồi học ngành Y, rồi đi chiến trường trong miền Nam. Chị học Sư phạm ở quê rồi trở thành cô giáo, lặn lội đi dạy học cho trẻ em miền núi xứ Thanh, mỗi ngày đạp xe vài chục km.
Đằng đẵng nhiều năm, chị vẫn chờ anh về. Dẫu cho thời ấy, chị đẹp, chị có biết bao người theo đuổi. Dẫu cho thời ấy, con gái 20 tuổi chưa chồng đã được gọi là 'ế', ông ngoại la rầy, chị vẫn chờ anh.
198X, anh 27, chị cũng 27, anh rước chị từ Nông Trường về Đồng Tiến. Không soiree cô dâu, không veston chú rể, chị mặc chiếc áo sơmi cổ sen bèo ông ngoại may, tay cầm bó hoa anh hái tặng.
Anh mặc chiếc quần còn ướt, vì mới đêm qua thôi anh còn lắc lư trên chuyến xe lửa từ Đà Nẵng về để kịp đưa chị về dinh. Đám cưới không siêu xe, không kèn pháo, chỉ có chiếc xe đạp Thống Nhất huyền thoại, anh đưa chị về.
Đúng 9 tháng 10 ngày sau (không sai 1 ngày), 'sản phẩm đầu tay' của anh chị ra đời. Cưới chị về, anh lại phải vào Nam. Một mình chị ở quê nhà thay phần anh gánh vác con cái, nội ngoại.
Trải qua nhiều khó khăn... 1990, anh dắt tay chị vào Đà Nẵng lập nghiệp.
30 năm sau... Anh 60, chị cũng 60.
Đầu anh đã hai màu tóc, mặt chị cũng nhiều nếp nhăn. Anh đã là Thầy thuốc ưu tú, cứu chữa cho không biết bao nhiêu bệnh nhân.
Chị đã dạy Toán gần 40 năm có không dưới nghìn học trò từ Nam chí Bắc, từ đồng bằng cho đến núi cao. Anh vẫn lưu tên chị trong điện thoại là 'Bí thư lớp 8E'. Hôm nay, 2019, anh lại dắt tay chị đi du lịch, bỏ con ở nhà rồi’…
Những tâm sự kể trên được Thủy Linh (SN 1990) - con gái thứ 2 của vợ chồng bác sĩ Đạo chia sẻ trên một diễn đàn.
Cô gái này kể: ‘Bố mẹ tôi quê gốc Thanh Hóa, học cùng lớp, thương nhau từ năm 16 tuổi. Bố làm lớp trưởng, mẹ làm bí thư. Ban đầu hai người kèn cựa, ganh đua về thành tích học tập, rồi dần cảm mến nhau lúc nào không hay.
Sau này, bố học Y, mẹ theo Sư phạm. Chuỗi ngày đằng đẵng, yêu xa khi bố lên đường nhập ngũ. Những dòng thư tay là cầu nối giữa 2 người. Bao nhớ nhung mẹ trút vào trang nhật ký’.
Dòng nhật ký của bà Phượng gửi người yêu trong những năm tháng yêu xa.
Theo lời Thủy Linh, bà Phượng năm xưa là cô gái có nhan sắc, nhiều thanh niên tìm hiểu, gia đình hối thúc lấy chồng nhưng bà nhất mực từ chối, một lòng, một dạ chờ người yêu.
Mãi đến năm 27 tuổi, tròn 11 năm yêu nhau, hai người tổ chức đám cưới đạm bạc trong niềm hạnh phúc dạt dào. Hôn lễ không váy cô dâu, không veston chú rể. Bà Phượng mặc chiếc sơ mi cổ sen bố may tặng, tay cầm bó hoa chú rể tự hái.
Đám cưới đạm bạc.
‘Bố tôi kể, trước ngày cưới, ông bắt tàu hỏa từ Đà Nẵng về quê. Trên chuyến tàu chở đầy hàng hóa, lợn, gà… Vừa về đến nhà, ông chỉ kịp giặt cái quần duy nhất. Sáng hôm sau đi rước dâu, quần vẫn chưa khô, bố đành mặc chiếc quần ướt đó.
Nhà trai cách nhà gái 15 km, bố đạp chiếc xe Thống Nhất tróc sơn, vượt qua đoạn đường bùn đất, bố rước mẹ về dinh.
Cưới xong, hai người vẫn phải xa nhau. Bố quay vào Nam, mẹ thay chồng gánh vác việc gia đình. Cưới xong, mẹ có bầu ngay. Chuỗi ngày mệt mỏi, không có chồng bên cạnh nhiều lúc mẹ tủi thân phát khóc’, Thủy Linh nói.
4 năm sau ngày cưới, bác sĩ Đạo đón vợ và con gái lớn vào Đà Nẵng lập nghiệp, hai người mới có cơ hội gần gũi sớm tối.
‘Lúc này, bố mẹ chỉ có hai bàn tay trắng. Mẹ đang mang bầu tôi, chưa xin được việc nên quanh quẩn ở nhà trồng rau, nuôi lợn. Gần ngày sinh, mẹ bán đôi lợn, lấy tiền nhập viện. Nhà tôi phải di chuyển khắp nơi, khi sinh em út kinh tế bố mẹ khá hơn, mới mua được căn nhà đầu tiên.
Đẻ 3 cô con gái nhưng bố chưa bao giờ áp lực mẹ phải cố thêm mụn con trai. Với bố, con gái hay con trai đều quý như nhau’, 9x tâm sự.
3 cô con gái được bác sĩ Đạo ví như báu vật.
30 năm tình nồng
Đến nay, cuộc hôn nhân của bố mẹ Thủy Linh bước sang năm thứ 30 nhưng tình cảm họ dành cho nhau vẫn đong đầy như thuở còn là cô cậu học trò.
Mỗi khi rảnh rỗi, cặp vợ chồng lớn tuổi ‘trốn’ con vài ngày đi du lịch, ôn lại kỷ niệm xưa.
Giai đoạn hai vợ chồng bác sĩ Đạo mới vào Đà Nẵng lập nghiệp.
‘Bố mẹ tôi không thuộc tuýp người lãng mạn nhưng yêu nhau vô cùng. Thi thoảng hai người vẫn xưng hô bằng tên gọi như bạn bè. Đôi lúc cãi vã vặt vãnh nhưng chỉ 5 phút là hết, chẳng giận nhau được lâu.
Buổi tối, bố mẹ dành thời gian trông cháu ngoại, rỗi rãi thì rủ nhau xem phim kinh dị, phim chưởng. Hai người tính nết còn thanh niên lắm, bàn luận tình tiết phim, tranh luận đủ thứ.
Tôi hỏi mẹ, tại sao năm đó giữa bao người theo đuổi, mẹ vẫn kiên định chờ đợi bố. Mẹ nói, bà nhìn thấy ở bố sự chân thành.
Bố ít nói lời ngọt ngào, sự yêu thương thể hiện hết qua hành động. Trước mỗi chuyến công tác, bố ôm vợ con vào lòng, tạm biệt mới lên đường’, Thủy Linh mỉm cười nhớ lại.
Hai vợ chồng vui vầy bên các con ở tuổi xế chiều