LTS: "Nhật ký Blouse trắng" là tuyến bài ghi lại những câu chuyện, cảm xúc, suy tư của những nhân viên y tế, giúp độc giả hiểu hơn về những người ngày đêm tận tuỵ chăm sóc sức khoẻ cho người dân. BBT hân hạnh giới thiệu!
Bài 1: Tâm sự của bác sĩ 2 lần liên tiếp bị chỉ mặt chửi vô đạo đức
Bài 2: Khi người bệnh khiến bác sĩ "cắn lưỡi"
Bài 3: Khi tôi bỏ lại một người già nằm khóc rấm rứt trên ghế sofa...
Bài 4: Chiếc Lexus ES 300 và bàn tay của cô thợ giũa móng người Việt
Bài 5: Câu chuyện rất ngắn về Maggie - một người chuyển giới
4 giờ sáng, cô vật vờ trong thang máy xuống tầng trệt. Vừa mới có một case Blue code (quy trình báo động khẩn cấp) tại lầu 7, ông cụ 92 tuổi với một cơ số nhân các bệnh mạn tính, vừa ngừng tim.
Cả bệnh viện được một trận nháo nhào, tiếc thay CPR vô hiệu, người nhà vuốt đôi mắt ráo hoảnh, ký hồ sơ xin về. Nhìn ECG chỉ còn là đường đẳng điện, cô thở dài, chợt nhớ tới một câu hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời...".
Ngoài kia, đêm lạnh như nước.
Trở về khoa, chị điều dưỡng đưa tập hồ sơ bệnh án mới, khẽ hỏi, "Bác T khám tiếp, hay gọi sếp?".
Cô gục mặt xuống bàn, thở dài rồi đi nhận bệnh mới.
Giường số 15 là một thanh niên trẻ, cao lớn, rất đẹp trai, nét mặt đầy vẻ bực dọc và chống đối. Bên cạnh là một cô gái trẻ, xinh đẹp, vẻ lo lắng. một quý phụ tuổi trung niên đầy trang nhã, có chút mệt mỏi đưa cho cô tập hồ sơ bệnh án dày cộm từ một bệnh viện chuyên khoa ở Singapore, cùng một giấy giới thiệu từ bác sĩ giám đốc.
Cô thở dài, không hiểu sao lại bất chợt nhớ tới bạn thân đại nhân nhà mình, cũng xinh đẹp, kiều diễm và khó xơi như thế.
"Chào anh K, tôi là BS T. Khi nào anh thấy thoải mái hơn thì cho tôi biết. Chúng ta sẽ trao đổi một chút về tình trạng của anh nhé", cô nhẹ nhàng mỉm cười với người thanh niên và mời mẹ anh ta về bàn làm việc của mình.
Đưa tóm tắt bệnh án cho điều dưỡng đi copy, cô yên lặng lắng nghe người phụ nữ kể về quá trình phát hiện và điều trị bệnh của con trai bà. Anh lớn hơn cô 4 tuổi, tốt nghiệp tại Việt Nam, sau đó đi du học. Gần đây hay thấy đau bụng âm ỉ, mơ hồ. Lần lữa bỏ qua, đến khi phát hiện bệnh thì đã là giai đoạn tiến xa.
Gia đình đưa anh sang Sing chạy chữa, nhưng sau một năm, đáp ứng điều trị không tốt, chi phí lại đắt đỏ, không thể gánh nổi với mức viện phí ngày càng tăng, nên anh được đưa trở về Việt Nam. Rồi được giới thiệu tới đây.
Nhìn vào mắt người mẹ, cô gật đầu, cẩn thận nói: "Thưa bác, chúng cháu sẽ cố gắng hết sức để giúp đỡ cho anh và gia đình".
Chưa bao giờ cô thấy lời nói của mình lại sáo rỗng đến như thế.
Chẳng biết lương duyên thế nào hay nghiệt duyên ra sao, mà anh toàn đến vào đúng tour trực của cô. Các bạn điều dưỡng cười, trêu rằng trực chung với bác T. được cái hay gặp bệnh nhân trẻ và đẹp, nên cũng đỡ căng thẳng. Cô mỉm cười méo xệch, ngao ngán, vì thực ra trong lòng chỉ ước gì chẳng ai kiếm mình vào đêm trực cả.
Mà dạo này, thái độ của anh với cô cũng hoà nhã hơn, bớt đi một đôi phần bài xích chống đối, thêm vài phần tiếp nhận trao đổi với cô. Nhưng anh đã gầy hơn trước.
Chiều nay vừa vào khoa, đang nhận bàn giao tour trực cùng bệnh cũ từ các anh chị thì Sếp quay sang cô, cười nói: "Giường 15 BS T. nhận bàn giao nhé, anh chưa xem đâu".
Mọi người nghe vậy cũng đồng loạt mỉm cười. Cô trợn mắt, đang tính cạp sếp một cái thì nhìn thấy anh.
Mẹ anh nói từ ngày về đây thấy anh vui vẻ hơn, có vẻ dễ chịu hơn, thỉnh thoảng còn thấy anh cười, gia đình mừng lắm.
Cô chẳng biết phải nói sao. Thời gian này, anh và gia đình anh xuất hiện tại đây mỗi lúc một nhiều hơn, thời gian ở lại lâu hơn, và tất nhiên là càng thân thiết với mọi người hơn. Nhưng tận đáy lòng mình, cô biết, chỉ ước gì mình không gặp anh, tại đây, nhiều như thế...
(Ảnh minh họa)
Vừa ôm hồ sơ bệnh án tới trước mặt anh, anh đã mở to đôi mắt trong suốt, mím môi nhìn cô và cất giọng lạnh băng: "Tôi biết tình trạng bệnh của mình, nên BS không cần nói phí sức nói những câu như nhất định sẽ ổn thôi làm gì đâu!". Cô ngớ người ra, ngượng ngùng cười cười đáp: "À, thật ra mấy bạn điều dưỡng nhờ tôi hỏi anh, có muốn ăn nho không, ngọt lắm!".
Anh sững ra trong giây lát, dường như không ngờ đến cô sẽ nói chuyện ngớ ngẩn như vậy, rồi khẽ lắc đầu, ánh mắt thấp thoáng ý cười.
Giờ giao ban buổi sáng, sếp nhìn cô, hỏi, "Lầu trại có giường, sao tối qua BS T. không chuyển case 15 lên trại mà giữ lại khoa?".
Cô im lặng một lúc rồi viện cớ lầu 12 thấy hơi cao nên không ký hồ sơ chuyển trại.
Phòng giao ban bất chợt lặng yên.
Chợt nhớ ra hình như ngay từ lúc tiếp nhận bệnh ban đầu, cô luôn luôn chuyển anh về lầu 2 -đơn vị điều trị giảm nhẹ, dù rõ ràng số giường ở đó rất ít, thậm chí có lần chính cô phải năn nỉ xin giường chỗ chị điều dưỡng trưởng. Nhưng chưa bao giờ, cô ký hồ sơ cho anh chuyển lên toà nhà 15 tầng - nơi….
Đợt này cô theo đoàn từ thiện đi Cần Thơ, đi như chạy giặc, say xe như điên, lăn lăn lộn lộn suốt ba ngày liên tục. Về lại Sài Gòn, vẫn còn mệt phờ râu thì tiếp tục nhận trực.
Ôm mớ hồ sơ bệnh án cao ngất, em D điều dưỡng vừa kiểm hồ sơ canh cô ký trả nợ, vừa tranh thủ kể lể tâm tình đủ chuyện, không quên báo một tin sốt dẻo: "Sáng nay người quen bác T, anh hay nằm giường số 15, K đó, nhập viện và được chuyển lên lầu 12 rồi".
Cô giật mình, nét bút vạch đi một đường trên hồ sơ không kìm được.
Vội vã ký tên và đóng mộc đè lên, che đi vẻ hoảng loạn trong mắt, cô nghe giọng mình run run:
- Có đúng bệnh nhân đó không?
- Dạ đúng mà chị, sáng nay em nhận hồ sơ chuyển bệnh chớ đâu, nghe đâu gia đình anh ấy đã bán 3 cái nhà ở quận 1 với quận 3 rồi đó chị, tội ghê!
Không hiểu sao, cô thấy tim mình thắt lại.
Sáng nay, bước vào khoa, cô cảm nhận một bầu không khí căng thẳng và hoảng loạn, đè nén đến ngộp thở. Sếp đã có mặt tại khoa từ lúc nào. BS P. vẻ thất thần mệt mỏi, tròng mắt đỏ quạch, bước chân liêu xiêu nhìn cô đầy ngán ngẩm.
Hai BS định hướng cũng chẳng khá hơn gì, tóc tai bù xù, mắt nhìn cô cầu cứu. Cô đang mỉm cười định an ủi vài câu thì sếp nhìn cô, giọng lạnh buốt: "Bệnh nhân K hay vào viện vào tour trực của em, sáng qua vừa chuyển lên lầu 12, đêm qua 12 giờ đã nhảy lầu rồi".
***
Mấy năm rồi, nhớ lại, cô vẫn thật sự không biết ngày hôm ấy mình đã vượt qua như thế nào để tiếp tục làm việc, đã run rẩy lái xe về nhà trong tâm trạng thế nào.
Chỉ biết vừa bước chân vào phòng, nước mắt đã không thể kìm nén mà thi nhau chảy xuống. Tay cô run run nắm chặt chiếc điện thoại. Trên màn hình đang nháy sáng, là một dòng tin nhắn được gởi đến cho cô lúc 11.30 đêm hôm qua, với vỏn vẹn hai chữ "Cảm ơn".
BS Tran Tran từng làm việc tại BV Đại học Y dược TP HCM. Hiện BS Tran Tran đang chuyển tiếp bằng BS tại Los Angeles, California, Hoa Kỳ.