Nhật kí "vượt cạn" cùng vợ: Chồng đau đầu chiều bà bầu ăn như thuồng luồng và khoảnh khắc thương quặn ruột

Lâm Anh |

Gọi vợ là "con điếc dở", tranh thủ "bóc phốt" vợ nhưng anh chồng cũng khiến nhiều người xúc động khi tả lại khoảnh khắc chỉ có những người đàn ông chuẩn bị làm bố mới hiểu.

Nhật kí chăm vợ bầu của tài khoản Jin Phạm nhanh chóng được dân mạng truyền tay nhau ít ngày qua. Chăm vợ bầu chắc chắn là không dễ dàng, nhưng qua giọng kể của anh, mọi thứ đều rất hài hước, đáng yêu và đáng nhớ. Nếu được bình chọn, có lẽ dân mạng sẽ không ngại cho đây là những trang nhật kí ấn tượng nhất năm.

Nhật kí vượt cạn cùng vợ: Chồng đau đầu chiều bà bầu ăn như thuồng luồng và khoảnh khắc thương quặn ruột - Ảnh 1.

Những tấm ảnh đính kèm cùng những dòng nhật kí.

Nhật kí vượt cạn cùng vợ: Chồng đau đầu chiều bà bầu ăn như thuồng luồng và khoảnh khắc thương quặn ruột - Ảnh 2.

Những thay đổi của vợ được anh ghi lại cả bằng ngôn ngữ và hình ảnh.

Chủ nhân của dòng nhật kí này là anh Phạm Hoàng Anh, 25 tuổi. Gia đình anh hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Chia sẻ về bài đăng thu hút hàng trăm lượt chia sẻ, anh cho biết mới hoàn thành những dòng nhật kí sau khi vợ sinh khoảng 4 ngày.

"Mình viết nhật kí ghi lại quá trình vợ mang bầu và sinh em bé đầu lòng để lưu lại kỉ niệm, sau này cả nhà cùng nhìn lại. Cái này mình viết theo ngẫu hứng, thỉnh thoảng cũng thích viết lách một chút cho vui.

Ông bố trẻ cũng cho hay trong quá trình đồng hành cùng vợ bầu, đáng nhớ nhất là những lần đi siêu âm, thấy con lớn dần và khỏe mạnh trong bụng mẹ. Viết thì hài hước là vậy nhưng cũng không ít lần anh xúc động khi chứng kiến vợ vất vả vì thai nghén.

Nhật kí vượt cạn cùng vợ: Chồng đau đầu chiều bà bầu ăn như thuồng luồng và khoảnh khắc thương quặn ruột - Ảnh 3.

Hình ảnh anh Hoàng Anh so sánh vợ trước và trong thai kì.

Bây giờ, khi tổ ấm của gia đình chính thức đón thêm thành viên mới, 9x càng thấy vui và tự hào vì vợ, vì con. Anh dự định sẽ làm một cuốn nhật kí khác để ghi lại quá trình lớn lên của cô công chúa mới chào đời, từ ngày đầy tháng cho đến khi biết lẫy, biết bò.

"Bố nó làm phó nháy mà", anh dí dỏm.

Nói về sự quan tâm, chú ý của dân mạng, anh Hoàng Anh hào hứng kể:

"Bạn bè trêu mình sắp thành người nổi tiếng, mình cũng thấy vui. Ấn tượng nhất là các mẹ bỉm sữa, từng trải qua hoàn cảnh ấy, đọc câu chuyện mình viết, thấy đồng cảm, nên tích cực chia sẻ rồi bình luận khen nhiều lắm".

Nhật kí vượt cạn cùng vợ: Chồng đau đầu chiều bà bầu ăn như thuồng luồng và khoảnh khắc thương quặn ruột - Ảnh 4.

Anh Hoàng Anh đặt tên con gái là Phạm Hoàng Tú Linh, gọi ở nhà là Na.

Cũng qua dòng nhật kí của mình, ông bố trẻ muốn nhắn nhủ đến cánh đàn ông: "Mang thai và chuyển dạ là quãng thời gian nhạy cảm của người phụ nữ, các ông chồng nên yêu thương và chăm sóc vợ nhiều hơn.

Phụ nữ mang bầu hay quên, khó tính, làm chồng nên biết ý và nhường nhịn. Người ta có câu đối xử với vợ càng tốt, thì con sinh ra cang khỏe mạnh, thông minh mà".

Nguyên văn nhật kí chăm vợ bầu trên trang cá nhân của anh Jin Phạm gây "bão like"

"Lần đầu làm bố, lần đầu cùng vợ vượt cạn, có lẽ không một từ ngữ nào trong tập từ điển của Việt Nam có thể diễn tả hết sự hồi hộp thêm chút lo lắng rồi cảm giác mong ngóng khi vợ vào phòng đẻ.

Mấy tháng đầu thai nghén thì khỏi phải nói, ôi thôi vợ nói trước quên sau, ăn như thuồng luồng. Công việc hàng ngày là nghĩ ra cái gì đấy thèm để ăn cho ngon miệng. Hôm nào ả thèm ăn mà không biết thèm cái gì thì cứ đi ra đi vào, đứng lên ngồi xuống, chép miệng thở dài...

Có hôm nửa đêm dậy đi vệ sinh, xong bảo thèm dưa hấu, thèm nước mía. Nửa đêm bói ở đâu ra, đồ trong tù nhất quyết không ăn vì "không thèm", đang mùa đông đi thèm mận mùa hè...

Đêm đang làm việc cũng phải bỏ đấy lên cho mẹ con nó gác, vợ ngủ xong mới xuống làm tiếp, bảo ngủ trước đi thì: 'Con nó phải gác nó mới ngủ được' - Vâng, ừ thì con nó gác.

Nói trước quên sau, nhiều lúc thì như con điếc dở

Lần đầu đi siêu âm biết là con gái, vợ em mừng ra mặt luôn mấy chị hàng xóm ạ. Lúc nào cũng xem váy áo, lưu đầy ảnh về điện thoại làm như kiểu đẻ xong con nó lớn như 3-4 tuổi ngay được.

Xong rồi đến khâu đặt tên, chắc vợ em trằn trọc đến nửa tháng để nghĩ tên cho con. Nào là Hà My, Ngọc Anh, Ngọc Linh, vân vân và mây mây...

Xong vụ tên chính thì đến tên ở nhà. Chẳng hiểu sao ả lại muốn đặt tên con là Xoài với cả Ổi. Một quả ăn nhiều thì chua, còn một quả ăn nhiều thì táo bón. Cuối cùng tên con em đặt hết, em bảo đứa sau vợ muốn đặt gì thì đặt. Ả tức lắm mà cũng phải chịu.

Hạnh phúc nhất trong thời gian này của bố mẹ là những lần siêu âm định kì nhìn con lớn lên, phát triển khoẻ mạnh. Mỗi lần siêu âm về việc đầu tiên vợ em làm là chụp kết quả siêu âm khoe với hội chị em bạn gì, xem con ai nặng hơn , rồi xem con giống ai, chân có dài không...

Mang thai sang tuần 40 mà mãi chưa thấy đẻ, sốt ruột, ông bà bảo lên ngay viện khám. Tuần thứ 40 người ta sắp đẻ thì chân tay phù ra, đi lại ì ạch nhưng không, vợ em thì khác các bác ạ.

Lên đến viện cứ một mình đi phăng phăng từ phòng siêu âm lên phòng khám, gặp ai cũng cười như quen từ kiếp trước, khônh khiến ai dìu. Đi đến đâu ai cũng nhìn, bảo sắp đẻ thì chẳng ai tin.

Thăm khám xong xuôi bác sĩ phán nhập viện - chắc đêm nay đẻ đấy - vâng nhập thì nhập.

Nhận phòng xong xuôi chắc 10h sáng, lúc này chưa đau gì, cuộc đời vẫn còn đẹp lắm. Đến tầm chiều mới kêu đau lưng, lẩm nhẩm đau bụng, nằm thì khó chịu. Vợ em đi lại nhiều bác sĩ bảo không tốt mặt lúc này mới chuyển sắc rồi nhăn nhó kêu: 'Sao em thấy đau như đau ị'.

Người ta bảo đau đẻ rụng rời chân tay mà ả ta bảo như đau ị.

Ngày thứ 2 trên viện, vẫn chưa hiện tượng gì gọi là "vỡ đê". Đê vẫn còn chắc lắm, 9 cơn lũ nữa cũng chưa đẻ được. Ngày bác sĩ khám 8 lần , sáng 3 - chiều 3 - tối 2.

Lần đầu đi khám về hỏi: 'Sao, sắp đẻ chưa?'

- Bác sĩ bảo chưa thấy gì

Đến lần thứ 8 câu trả lời vẫn như thế, ả đưa ngay quả mặt nhăn như người táo bón cả tuần nay chưa đi được.

Mới lên thì còn đang yêu đời: 'Mai là mùng mấy âm chồng nhỉ'?'

- Mai mùng 1 âm

Không được, con gái đẻ mùng 1 với ngày rằm đanh đá lắm, không đẻ hôm nay đâu.

Tối đến bụng lẩm nhẩm đau, khó chịu, ả ta hò lên: 'Thôi, hôm nay đẻ luôn cũng được, mùng 1 cũng được, khó chịu quá'.

Bác sĩ vẫn bảo ăn no ngủ kĩ đi, chưa sinh đâu. Nhìn mặt ả nhăn nhó ôm cái bụng rạn như quả mít mà thương.

Đến cơm, vợ em cũng chẳng ăn được. Em mua hoa quả rồi bao nhiêu đồ ăn vặt mà lúc này thì đồ ăn có ý nghĩa gì. Bình thường có thể ăn thi với lợn nhưng đang đau đẻ có dâng tận mồm, ả cũng không thèm.

Xong như nào thì mọi người biết rồi đấy, bỏ đi thì phí em lại phải ăn. Ả gọi chồng ơi, ăn nốt mấy miếng dưa đi, trên viện không nuôi chó đâu.

Được thôi, bỏ đi thì tội ăn thì bảo ăn hết của vợ của con.

Ai xui đi lại sẽ nhanh đau hơn mà dễ đẻ thế là ả lôi tay em dắt đi 3 vòng quanh vườn hoa bệnh viện. Em hỏi thấy gì không, ả bảo em thấy hơi mỏi chân.

Ngày đầu lên viện hơi đau bụng, ngày thứ 2 đau lưng một tí, ngày thứ 3 ngủ dậy không đau gì , ăn ngủ như thường. Ơ kìa, quá ngày dự sinh 4 hôm rồi, nội ngoại ai cũng sốt ruột.

Bà ngoại bảo nó lì giống hệt con mẹ nó, công nhận chuẩn ạ.

Bàn bạc nhau một lúc xong quyết định chuyển tuyến lên tỉnh , ai cũng sốt ruột muốn đi luôn mà ả còn bảo thôi về ăn cơm để con đi gội đầu đã. Có ai đẻ đến mông rồi mà còn đòi đi gội đầu không? Cuối cùng em cũng phải cho đi gội đầu.

Chiều lên tỉnh lại thăm khám - siêu âm, lại nhập viện. Xong xuôi được phát cho bộ váy đẻ, thay quả váy xong em nhìn mà không nhịn được cười. Người cao được mét rưỡi mà cái váy phải dài đến 2m, như bơi trong váy. Lúc này mặt vẫn tươi tỉnh, cười hô hố.

Đến phòng đỡ đẻ, người nhà không được vào, nhìn vợ bơi trong quả váy đẻ màu xanh ôm bụng đi mà thương quặn ruột các bác ạ. Một mình đi vào đẻ đau đớn như nào cũng chẳng ai biết. Cả nhà ở ngoài sốt ruột đứng ngồi không yên. Bà thì đi hỏi thăm, bà thì ngồi cầu nguyện.

Em ngồi hồi hộp, cứ nhìn mấy bà đau đẻ đang vịn vào tường vào ghế lê từng bước, mặt nhăn như khỉ ăn gừng mà thương vợ.

Ngồi buồn vào điện thoại xem lại mấy tấm ảnh của vợ trước khi bầu mới thấy phụ nữ mang bầu vất vả, hy sinh thế nào. Mặc dù vợ em không bị phù chân tay như người ta nhưng da cũng sạm đi, các ngấn cổ đen sì như mười năm không tắm.

Chả biết năm nay lợn vàng hay năm nào cũng thế mà lắm người đẻ thật, một người đi đẻ, 6-7 người đi theo, đông cứ như đi hội.

Biết vợ sinh khó mà phải ngồi ngoài chờ gần 12 tiếng đồng hồ, ruột nóng như lửa đốt, thấp thỏm vừa hồi hộp vừa lo. 4h sáng hôm sau có con bé vào sinh cùng vợ ra ngoài lấy nước mẹ mới hỏi con gái cô ở trong đấy sao rồi

Bé đó bảo chị ấy khó sinh, mấy bác sĩ đang phải trận trên bụng. Chị ấy yếu lắm chả còn sức rặn. Nghe đến đây, người em như vỡ vụn các bác ạ. Cảm giác như người ta thả cái bánh quy từ bầu khí quyển rơi xuống đất vậy.

Người lạnh toát, cứ tưởng tượng mà thương ả đang nằm trong kia. Thời gian trôi qua đầy căng thẳng.

Cuối cùng phép màu cũng đến, bằng nghị lực của người mẹ và hồng ân Thiên Chúa, 6h15 con em chào đời. Vâng một bé gái 3,6kg, chân dài và nữ tính... như bố, xinh nhất tổ dân phố. Nhìn cái miệng mếu giống hệt mẹ nó lúc ăn vạ em. Ghét lắm!

Nhìn con đáng yêu bao nhiêu thì thương vợ bấy nhiêu. Lúc nào cũng nhe nhe cười cười giờ nằm mềm nhũn như sợi bún.

Cố lên Kim Lùn, 12 tiếng vượt cạn còn bơi được, nói gì đến dăm ba cái mệt vặt vãnh này đúng không? Cứ nhìn con, ngắm chồng là hết đau, hết mệt (bác sĩ bảo thế!)

Cám ơn đồng chí vợ đã vất vả hy sinh trong hơn 9 tháng qua vì hai bố con!

Cám ơn toàn thể y bác sĩ bệnh viện Sản - Nhi NB đã động viên, cùng vượt cạn thành công với vợ em trong suốt 12 tiếng vừa qua.

Chúc tất cả các bà mẹ trong tương lai "mẹ tròn con vuông".

Tâm hự ngắn thế thôi, em đi pha sữa cho con đây. Năm năm tới có đẻ đứa nữa thì em tâm sự tiếp!"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại