Tuổi 21 của Thanh Nhã có gì? Trong khi bạn bè đồng trang lứa dành thời gian để ngủ, để chơi, để uống trà sữa thì Nhã... cũng thế, và thêm một thứ để khoe giữa 1,5 triệu thành viên của nhóm “flex” đình đám trên Facebook. Chạy trên thảm cỏ World Cup là ước mơ của biết bao người trên thế giới.
Dư âm những ngày mùa đông giữa tháng 8 ở New Zealand chưa phai nhạt, và có lẽ đã được đóng khung đặt ở ngăn tủ trang trọng nhất trong căn phòng ký ức của Thanh Nhã.
Chạy! Không biết ai đuổi phía sau - có là nhà vô địch nước Anh hay á quân Champions League cũng mặc kệ.
Bất chợt, trong khoảnh khắc, một thoáng lo sợ lướt qua trong đầu.
“Sao nó lại đá ra ngoài được nhỉ”. Mọi người sẽ nói thế, giống như khi em của 5 năm trước đẩy quả bóng qua thủ môn rồi đá ra ngoài trước khung thành trống.
Bàn thắng để đời của Thanh Nhã vào lưới đội tuyển Đức
Hồi ấy, em chưa đủ bản lĩnh, chưa trưởng thành. Em tin chắc đá vào nhưng lại đá ra ngoài. Lần này, còn lâu em mới khóc. “Sự, Sự ơi”, em gọi thật to để bạn ấy nhận ra em đang ở vị trí thuận lợi.
Chỉ bảy giây - từ lúc Vạn Sự chuyền bóng và em “mở máy”, cho đến lúc ngẩng đầu lên nhìn thủ môn đội Đức rồi tung ra cú sút. Vào rồi! Thật sự em không thể mô tả cảm xúc khi ấy, em cũng không nhớ nổi mọi người đã nói gì lúc bàn thắng xuất hiện. Nhưng niềm vui vỡ oà, những cái ôm, cái xoa đầu là điều em cảm nhận rõ ràng nhất.
Các chị và bác Mai Đức Chung nói rằng em hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, với em như thế là đủ rồi. Em vào sân với quyết tâm chiến đấu và hoàn thành nhiệm vụ của ban huấn luyện giao cho. Nhưng nếu có một chút cảm xúc cá nhân, đó là niềm hạnh phúc của một cô gái trẻ đã vượt qua thử thách.
Bàn thắng vào lưới đội tuyển Đức tiếp thêm sự tự tin cho Thanh Nhã và đồng đội khi bước vào World Cup. (Ảnh: Getty Images)
Sau bàn thắng "để đời" ấy là những chuyện thú vị khác ngoài bóng đá xảy đến với em. Có thứ còn khó hơn ghi bàn vào lưới đội hạng 2 thế giới. Đấy là chụp ảnh tạp chí. Cầu thủ đá bóng đi chụp ảnh thời trang cũng ngại phết, em vẫn thích các trang phục đơn giản. Mặc kiều này lạ quá, cứ như không phải mình. Em cũng thích mặc điệu, nhưng không phải kiểu này.
Chụp ảnh tạp chí khó hơn đá bóng nhiều. Dù sao công việc mình làm quen rồi thì cũng dễ. Em cũng tự nhủ là nghe đạo diễn cũng như nghe huấn luyện viên chỉ đạo thôi, mà đến lúc làm mới thấy khó. Nhưng em đã hoàn thành bộ ảnh ngày hôm ấy.
Ngay cả các chị Hoàng Thị Loan và chị Huỳnh Như cũng vậy. Bóng đá cho chúng em nhiều điều, đặc biệt là những trải nghiệm bên ngoài sân cỏ. Nhờ sự quan tâm của xã hội, các cầu thủ nữ không còn lạ lẫm với việc chụp hình thời trang hay quảng cáo.
Em, chị Loan, chị Như đều nở một nụ cười thật tươi. Ba chị em cười như chính niềm vui khi được bước ra sân với trái bóng tròn vậy. Cười thật tươi để bắt đầu một hành trình có ý nghĩa thật đặc biệt.
Ai mà ngờ lại có mùa đông tháng 8. Rét run, lại còn mưa phùn. Đã thế, đến lúc tưởng là quen với thời tiết này rồi thì lại có thứ tệ hơn.
Em ốm! Mấy ngày liền chỉ nằm trong phòng, xem Tik Tok. Đội chia mỗi người ở một phòng, nên nằm mãi một chỗ cũng chán. Em không dám kêu với mẹ, sợ ở nhà lo. Bố mẹ muốn sang cùng em lắm, nhưng em động viên mọi người cứ ở nhà, con ở đây vượt qua được mọi thứ. Chi phí sang xem các trận đấu mình có thể lo được nhiều công việc khác quan trọng.
Buồn quá, nghĩ lại vẫn thấy tiếc. Em yếu quá, không tập được. Ngày mai đội đá trận đầu tiên mà mình không đủ sức. Cũng chẳng tiếc, ngồi dự bị thì cổ vũ chị em hết mình. Chỉ lo mình ốm thì đội thiếu một người để lựa chọn. Em phải khỏe lại thật nhanh.
Thanh Nhã sải bước tại World Cup nữ 2023. (Ảnh: FIFA)
Mấy ngày ấy ở New Zealand có chút buồn, mỗi người ở một phòng. Em vẫn nhắn tin trò chuyện với mọi người về trận đấu, về khoảnh khắc bước ra sân chơi World Cup. Nhưng, em biết chắc chắn mình không thể ra sân cùng mọi người được. Ngày đội tuyển nữ Việt Nam đá trận đầu tiên ở World Cup, cả đội chỉ còn mình em ở lại phòng hát Quốc ca.
Có điều, phải đến giờ thi đấu, bố mẹ ở nhà mới biết em không thể ra sân. Bố mẹ cũng lo, gọi điện hỏi han liên tục, em chỉ bảo rằng cứ yên tâm đi, con gái nhỏ của bố mẹ trận sau sẽ đá được, sẽ lại là cái máy chạy trên sân. Em không có thói quen kể quá nhiều về những vất vả của mình, bố mẹ sẽ bắt em nghỉ bóng đá mất.
Em làm bạn với bánh tráng, chân gà, cháo..., mấy thứ mang từ Việt Nam sang. Ăn lấy sức để còn khỏe nhanh. Em xem trận đấu và rưng rưng theo từng pha bóng lăn xả của các chị, các bạn, tự nhủ chỉ 4 ngày nữa thôi, em cũng sẽ được vào sân và làm những điều tương tự.
Lần đầu tiên bước ra sân, được hát Quốc ca ở World Cup, thật đáng nhớ và xúc động. Đó là niềm vinh dự, sự tự hào. Không ai khóc cả. Mình được đá ở World Cup là niềm vui mà.
Không phải vì nhỏ bé mà sợ hãi. Bọn em kiêu hãnh, mang trong mình tâm thế luôn luôn chiến đấu, luôn luôn sẵn sàng. Riêng em thì có thêm sự háo hức nữa, vì cả trận chỉ nhìn các chị em thi đấu thôi, chứ không đá được.
Kết thúc trận đấu đầu tiên, toàn đội tin rằng Việt Nam có thể thi đấu World Cup. Không phải riêng em, mà cả đội đều mong có dấu ấn, có bàn thắng thì tuyệt vời quá. Ở bảng này, Bồ Đào Nha so với Mỹ và Hà Lan thì đuối hơn, nên nếu muốn ghi bàn thì chắc là không có cơ hội nào khác. Đội Mỹ mạnh nhất, mà mình thua có 0-3. Trận này phải làm tốt hơn được chứ!
Lúc bước ra sân, em không có chút lo sợ nào, em mong về một khoảnh khắc bùng nổ. Em đủ tỉnh táo để có thể phối hợp cùng các chị. Trước mặt mình là các trung vệ cao to, trên hàng công của họ là các tiền đạo có tốc độ “xé gió”, em cùng mọi người không nghĩ gì nhiều cả, đối thủ là ai thì cũng phải thi đấu với tất cả những gì mình có.
Hóa ra, đội Bồ Đào Nha cũng mạnh lắm. Em và đồng đội nóng vội quá. Bác Chung giận lắm! Nhưng bác chỉ muốn tốt cho chúng em, đó là điều mà em và mọi người đều cảm nhận được.
Sau này khi về nước, em đọc được lời tâm sự của bác Chung rằng bác cũng rất hiểu cho chị em, bác cũng cảm nhận được đã có những khoảnh khắc rất gần bàn thắng rồi. Toàn đội chỉ mong rằng mình có thể làm tốt hơn một chút để World Cup có thể trọn vẹn.
Còn trận cuối với Hà Lan chỉ còn mang tính danh dự. Bọn em cố gắng lắm, nhưng họ mạnh quá, chống không nổi. Tiếc có một khoảnh khắc, đúng thời điểm cuối trận rồi, em cố hết sức chuyền cho chị Thùy. Chị đỡ được bóng, mà sân trơn, không sút trúng được.
Trận đấy thua đậm. Em tức!
Đá 3 trận ở World Cup, về chuyên môn bọn em chẳng có gì nổi bật cả. Cũng may, cả đội vẫn giữ được tinh thần chiến đấu. Em tự nhủ, phải cố gắng học hỏi nhiều hơn để có thể thi đấu với các đối thủ cao to.
Bọn em đến đây, đã chiến đấu, có một chút tiếc nuối nhưng điều quan trọng là phải cố gắng quay trở lại lần sau!
Kết thúc giải đấu một tuần rồi, bọn em trở về nhà bên gia đình và tận hưởng kì nghỉ. Em nhớ mùi sườn xào chua ngọt mẹ nấu.
Em chỉ có một tuần để nghỉ, nên ưu tiên số một là ngủ bù đã. Ngủ dậy rồi lướt mạng, chán thì lại mở các trận đấu ở World Cup ra xem. Nhìn các đội khác đá, mình cũng học hỏi được nhiều điều.
Cho đến giờ em vẫn tiếc, vẫn tức là không thể có bàn thắng danh dự trong kì World Cup đầu tiên tham dự. Lần sau, em phải làm tốt hơn. Mà trước hết là phải để cho có lần sau nữa.
Trở lại World Cup khi đã trưởng thành hơn là điều mà Thanh Nhã và các đồng đội ở đội tuyển nữ Việt Nam mong muốn và sẽ quyết tâm đạt được.
Rồi mình phải đá để người ta theo dõi mình nữa. Các giải quốc gia chẳng có ai xem trừ người nhà cầu thủ. Cũng buồn, nhưng không vì thế bọn em từ bỏ, không chiến đấu. Luôn đá hết mình. Không có khán giả thì em phải kéo khán giả đến.
Đội tuyển chỉ nghỉ một tuần rồi lại tập trung. World Cup cho mình vỡ ra nhiều điều. Đá ở SEA Games, em lốp bóng qua đầu thủ môn ở chung kết cũng được. Nhưng ra châu Á, mình còn chẳng có chân, có chỗ mà sút như thế.
Sắp tới bọn em cố gắng tập luyện theo giáo án HLV đề ra. Cố gắng tích lũy thêm những gì mình học hỏi từ giải vừa qua. Cố gắng làm tốt nhất có thể để có kết quả tốt nhất. Hẹn 4 năm nữa, em sẽ có mặt ở World Cup.