Nhật khánh thành “tuyến phòng vệ đầu tiên của tổ quốc”

Mỹ Trinh |

Hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Takeshi Iwaya thị sát căn cứ mới của Bộ binh Cục Phòng vệ Nhật Bản (GSDF) mới khánh thành, mô tả đảo Miyakojima thuộc tỉnh Okinawa là “tuyến phòng vệ đầu tiên của tổ quốc”, và ông nhấn mạnh cần phải cảnh giác tối đa trước khả năng quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc.

Tại căn cứ GSDF ở Miyakojima, các loại tên lửa đất đối không mới và đất đối hạm Type 12 sẽ được triển khai từ tháng 3.2020. Hai loại tên lửa này đều có tầm bay hơn 100 km, riêng Type 12 có thể cải thiện để có tầm bắn 300 km.

Trong khi đó, khoảng cách giữa đảo Miyakojima với quần đảo Senkaku và chuỗi đảo Yaeyama là 200 km.

Tầm bắn của tên lửa không đối hạm ASM-3 cũng có thể được tăng gấp đôi, từ 200 km lên 400 km.

Bộ Quốc phòng Nhật cũng đang phát triển một tên lửa trượt tốc độ cao, có thể bay xa 1.000 km để bảo vệ các đảo xa.

Đầu đạn của tên lửa này sẽ tách ra sau khi được phóng từ trên bộ, cho phép tên lửa trượt theo các tuyến bay phức tạp, nhằm tấn công căn cứ địch mà không bị radar địch phát hiện. Tên lửa này có thể đạt Mach 5, tức nhanh hơn tốc độ âm thanh những 5 lần.

Một quan chức cấp cao nói: “Tên lửa mới này sẽ chứng minh hiệu quả, trong một tình huống khẩn cấp ở Senkaku, nếu nó được dàn ở đảo Ishigakijima (thuộc Okinawa) và các đảo khác”.

Việc dùng những loại tên lửa tầm xa có thể dẫn đến khả năng tấn công căn cứ địch, điều mà nhiều chính phủ Nhật trước đây không muốn sở hữu, nhằm duy trì chính sách chỉ phòng thủ, tuân thủ Hiến pháp yêu chuộng hòa bình của Nhật.

Hồi tháng 2.2018, Thủ tướng Shinzo Abe nhấn mạnh: Nhật không thay đổi chính sách chỉ phòng vệ, và sẽ tập trung vào việc bảo vệ tổ quốc trong trường hợp khẩn cấp. Giải trình trước Ủy ban Ngân sách Hạ viện Nhật, ông Abe nói: “Theo sự phân công nhiệm vụ giữa Nhật và Mỹ, Nhật sẽ tùy thuộc khả năng của Mỹ trong bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào căn cứ địch”.

Tuy nhiên những kiểu tên lửa hành trình tầm xa JASSM-ER và LRASM (Nhật dự tính sẽ triển khai trong tương lai) đều có tầm bắn 900 km, có nghĩa chúng có thể bay tới CHDCND Triều Tiên, Nga và Trung Quốc, sau khi được phóng từ lãnh thổ Nhật.

Theo Asahi, dù chính phủ của TTg Abe nói các tên lửa này không nhằm tấn công căn cứ địch, một quan chức Bộ Quốc phòng Nhật nói việc này “nguy hiểm khi dàn tên lửa tầm xa mà không tổ chức tranh luận về việc Nhật có nên có khả năng tấn công căn cứ địch”.

Nhật sẵn sàng đề phòng, nhưng Trung Quốc có thể tấn công cả Mỹ

Quần đảo Senkaku hiện do Nhật kiểm soát, nhưng Trung Quốc cũng đòi chủ quyền từ năm 1971, đặt là quần đảo Điếu Ngư. Họ thường xuyên đưa tàu và máy bay vào Senkaku, trong một chiến dịch chiếm từng đảo nhỏ không người ở của quần đảo này.

Trang Daily Beast từng khẳng định Trung Quốc muốn chiếm cả đảo Okinawa của Nhật Bản, và xóa bỏ các căn cứ hải quân Mỹ. Okinawa là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Ryukyu vốn nằm gần Senkaku. Về mặt địa-chính trị, Okinawa giữ vị trí chiến lược cho liên minh Nhật-Mỹ, và là trung tâm của sự hiện diện quân sự Mỹ tại Nhật.

Hiện Okinawa là nơi đóng quân của hơn một nửa trong tổng số 54.000 quân nhân Mỹ tại Nhật, gồm người ở căn cứ không quân Kadena, Đồn Buckner và Trạm Torii của Bộ binh Mỹ, 8 doanh trại của Thủy quân lục chiến, căn cứ không quân Futenma, Yontan và Hạm đội 7 của hải quân Mỹ.

Trong năm tài khóa 2018, chiến đấu cơ và máy bay ném bom Trung Quốc đã 10 lần bay qua Eo biển Miyako nằm giữa Miyakojima với Okinawa. Tàu chiến Trung Quốc đi qua eo biển này 12 lần.

Hồi hè 2018, giới truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố tàu sân bay Liêu Ninh “sẵn sàng chiến đấu”, sau khi nó cùng 6 tàu chiến đi qua Eo biển Miyako, rồi cho máy bay ném bom chiến lược H-6K bay 620 dặm vào Thái Bình Dương.

Không quân Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAAF) cũng triển khai 6 chiếc máy bay ném bom chiến lược H-6K vào Eo biển Miyako, rồi lần đầu tiên chúng chuyến hướng bay đến Okinawa.

Nhật khánh thành “tuyến phòng vệ đầu tiên của tổ quốc” - Ảnh 2.

Minh họa máy bay H-6K đánh chìm tàu sân bay Mỹ - Ảnh: YouTube

Dĩ nhiên Nhật rất lo ngại, vì từ điểm quay về, H-6K có thể phóng tên lửa hành trình CJ-10K (có thể gắn đầu đạn quy ước hoặc hạt nhân) vào đảo Guam, một pháo đài của Mỹ ở quần đảo Mariana.

H-6K là máy bay ném bom hiện đại nhất của Trung Quốc, cũng có thể phóng vũ khí tàn phá của chúng vào các mục tiêu ở quần đảo Hawaii, nếu chúng bay sâu hơn vào Thái Bình Dương.

Trung Quốc còn được cho là có máy bay ném bom thế hệ mới H-10, sẽ có khả năng từ Thái Bình Dương tấn công các thành phố vùng biển phía tây nước Mỹ. Tuy nhiên, nỗi lo ngại lớn nhất của Mỹ, là H-6K đã bay qua Okinawa ở phía tây Eo biển Miyako, điều khiến Trung Quốc có thể “chặt đứt” Nhật Bản.

Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát hiệu quả vùng biển họ gọi là “Chuỗi đảo đầu” kết nối Okinawa với các đảo khác thuộc lãnh hải tây nam Nhật, và vùng biển thuộc Đài Loan, Philippines nhằm đề phòng đối phương tiếp cận khu vực này.

Đó là một phần trong chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD), mà Bắc Kinh đã giàn triển khai tên lửa đạn đạo chống hạm và tên lửa hành trình tầm xa.

Trong bối cảnh này, Nhật lập kế chống các động thái của Trung Quốc, bằng cách nâng tầm bắn của tên lửa. Tại một cuộc họp báo tháng 3, Bộ trưởng Iwaya nói: “Với tầm bắn của vũ khí Trung Quốc ngày càng xa hơn, vũ khí tầm xa là cần thiết để đối phó tình huống này, đồng thời bảo đảm an toàn cho quân binh SDF.

Một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Nhật gọi kế hoạch giàn tên lửa tầm xa là “phiên bản A2/AD của Nhật”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại