Là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ, ngay sau khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, Nhật Bản ngay lập tức có những bước đi ngoại giao đầu tiên.
Tờ Japan Times đưa tin, một ngày sau kết quả bầu cử gây sốc toàn thế giới, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã ngay lập tức có cuộc điện đàm với người mới đắc cử Tổng thống Mỹ.
Theo thông cáo báo chí về cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật chúc mừng ông Donald Trump, đồng thời bày tỏ niềm tin rằng dưới sự lãnh đạo của ông Donald Trump, nước Mỹ chắc chắn sẽ trở nên vĩ đại hơn.
Đáp lại, Donald Trump cho biết ông đánh giá cao những nỗ lực cải tổ kinh tế của Nhật Bản, và khẳng định sẽ cùng với ông Abe củng cố mối quan hệ giữa hai nước những năm tới.
Dự kiến cuộc gặp giữa ông Donald Trump và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe sẽ diễn ra vào ngày 17/11, bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC được tổ chức tại Peru. Sau khi có kết quả bầu cử Mỹ, Shinzo Abe là nguyên thủ quốc gia thứ 4 đã có các cuộc đối thoại với ông Donald Trump.
Có điểm đáng chú ý là trước ngày bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra, theo lời đề nghị của bà Hillary Clinton, ông Abe đã có cuộc gặp riêng với bà tại New York vào tháng 9/2016. Cuộc gặp với bà Clinton có thể coi như ngoại lệ, bởi chưa từng có Thủ tướng Nhật nào đồng ý gặp riêng với một ứng viên đang tranh cử Tổng thống Mỹ.
Ngược lại thì từ đó đến nay, ông Abe chưa có cuộc gặp nào với Donald Trump.
Nhật có nhiều lý do để gấp rút củng cố mối quan hệ với tân Tổng thống Mỹ, bởi trong cuộc vận động tranh cử của mình, Trump đã nhiều lần tuyên bố Mỹ đang chịu thiệt quá nhiều trong việc duy trì hiệp định an ninh song phương Mỹ - Nhật. Đồng thời, Trump cũng nhắc đến Nhật như một đối thủ thương mại lớn của Mỹ, và rằng nếu Nhật muốn Mỹ duy trì đóng quân tại nước này, thì Nhật cần phải trả tiền.
Tuy nhiên, sau khi kết quả cuộc bầu cử được công bố, một quan chức chính phủ Nhật tuyên bố: “Chúng tôi cho rằng chính sách thực tế của một tổng thống sau khi ông lấy lên nắm quyền có thể sẽ khác so với những gì họ tuyên bố khi tranh cử. Mỹ và Nhật có thể có một số điểm khác biệt về chính sách, nhưng mối quan hệ giữa hai nước về cơ bản không thay đổi”.
Trong một động thái khác, sau khá nhiều tháng bàn thảo nhưng chưa thể thống nhất, vào ngày hôm qua (10/11), Hạ viện Nhật đã thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Việc này gây ra khá nhiều bất ngờ, bởi người mới đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump, hoàn toàn phản đối TPP.
Liên minh cầm quyền của Thủ tướng Shinzo Abe - gồm Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Komeito - đã gấp rút chấm dứt các cuộc tranh cãi để TPP được thông qua. Thủ tướng Abe muốn Nhật Bản trở thành nước đầu tiên ký TPP phê chuẩn hiệp định này.
Sau khi được chấp thuận tại Hạ viện, TPP sẽ tự động có hiệu lực sau 30 ngày, kể cả trong trường hợp Thượng viện Nhật không bỏ phiếu thông qua. Sáng hôm nay (11/11), Thượng viện Nhật có phiên họp toàn thể.
Tổng thống Mỹ Barack Obama vốn đặt rất nhiều kỳ vọng vào TPP, với niềm tin TPP sẽ giúp Mỹ củng cố thêm tầm ảnh hưởng về thương mại, trong bối cảnh kinh tế của Trung Quốc có sức tác động ngày một nhiều hơn đến các nền kinh tế khu vực.