Sau hành trình khám phá, các nhà khoa học đã tiến hành khai thác các kho dữ trữ nhiên liệu hóa thạch khổng lồ dưới đáy biển là băng cháy.
Việc tiến hành khai thác thương mại băng cháy đã đến gần hơn với thực tế sau khi Nhật Bản và Trung Quốc tách thành công vật liệu đặc biệt này từ đáy biển.
Băng cháy là một hỗn hợp đông lạnh của nước và khí tự nhiên đạm đặc. Về mặt kỹ thuật, băng cháy còn được gọi là methane hydreate, nó có thể bị đốt cháy trong trạng thái đông lạnh. Băng cháy được coi là một trong những nhiên liệu hóa thạch phong phú và dồi dào nhất thế giới.
Các nhà khoa học tìm cách khai thác băng cháy. Ảnh: Sciencealert
Quan chức Trung Quốc tuyến bố rằng sự kiện này là khoảnh khắc đột phá, đưa đến một cuộc cách mạng năng lượng toàn cầu trong tương lai. Nhật Bản cũng báo cáo về việc khai thác thành công băng cháy vào ngày 4/5/2017 trước đó.
Đặc biệt, đối với Nhật Bản, methane hydrate tạo ra cơ hội để giảm sự phụ thuộc nặng nề vào nhiên liệu nhập khẩu. Trong khi đó, ở Trung Quốc, nó có thể là chất thay thế sạch hơn cho các nhà máy đốt than và nhà máy thép, giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm khói bụi đang gia tăng ở quốc gia này.
Trữ lượng băng cháy khổng lồ trên thế giới
Methane hydrate được tìm thấy chủ yếu dưới đáy biển và nằm sâu bên trong tầng đất bị đóng băng vĩnh cửu ở Bắc Cực và bên dưới lớp băng ở Nam Cực.
Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), trữ lượng băng cháy trên toàn thế giới dao động từ 280 nghìn tỷ m3 lên đến 2,8 triệu tỷ m3. Trong khi đó, tổng sản lượng khí tự nhiên trên toàn thế giới vào năm 2015 là 3,5 tỷ m3.
Điều này có nghĩa là trữ lượng methane hydrate hay băng cháy có thể đáp ứng nhu cầu khí đốt toàn cầu từ 80 đến 800 năm với mức tiêu thụ hiện tại.
David Sandalow, chuyên gia tại Trung tâm Chính sách và Năng lượng toàn cầu thuộc Đại học Columbia (New York, Mỹ) nhận định, nhiên liệu băng cháy có thể thay thế cho các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt trời và điện gió.
Thậm chí, nếu không bị rò rỉ, băng cháy còn có tiềm năng để thay thế bụi than trong ngành điện.
Nỗi lo "giấu mặt"
Tuy nhiên, yếu tố lợi nhuận và chi phí khai thác quá cao chính là nguyên nhân khiến các công ty năng lượng tư nhân và nhà nước "né tránh" đầu tư khai thác băng cháy trong nhiều thập kỷ qua.
Hơn nữa, việc khai thác còn cần phải sử dụng một lượng lớn nước hoặc CO2 nhằm làm ngập bể chứa methane hydrate để nhiên liệu có thể được giải phóng và đưa lên bề mặt.
Một điểm đáng lưu ý là nếu methane hydrate bị rò rỉ trong quá trình chiết xuất, nó có thể làm tăng phát thải khí nhà kính.
Do đó, các nhà khoa học lo ngại, nếu khai thác không đúng cách, băng cháy sẽ làm tràn ngập bầu khí quyển Trái Đất với khí nhà kính methane, "kích hoạt" gia tăng biến đổi khí hậu.
Methane là một khí nhà kính siêu mạnh, với khả năng làm gia tăng sự ấm lên toàn cầu cao hơn gấp 36 lần so với khí CO2.
Các nhà khoa học cũng cho biết, việc khai thác băng cháy ở sâu dưới đáy biển có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh thái của khu vực đó.
Sandalow cho biết: "Những tác động đến khí hậu trong sản xuất băng cháy tự nhiên rất phức tạp, có những lợi ích tiềm tàng nhưng cũng có những rủi ro đáng kể".
Mặc dù có không ít ích lợi làm thay đổi "bộ mặt" năng lượng toàn cầu nhưng theo các nhà khoa học, phải mất thêm nhiều năm nữa chúng ta mới có thể tiến hành sản xuất băng cháy trên quy mô lớn.
Nguồn: ABCnews, Sciencealert