Các công ty quy mô nhỏ đang đóng vai trò lớn trong chuỗi cung ứng pin xe điện Nhật Bản, gián tiếp hỗ trợ những nhà sản xuất như Toyota Motor và Tesla. Tuy nhiên, cũng có những thương hiệu đang phải vật lộn để bắt kịp cầu xe điện bùng nổ và điều này rủi ro tạo ra những nút thắt trong ngành công nghiệp xe điện.
“Gần đây, chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ Châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc – trong đó có hai công ty ô tô lớn – nhưng chúng tôi đã từ chối tất cả”, chủ tịch một nhà sản xuất máy Nhật Bản nói với Nikkei Asia. “Hiện tại năng lực sản xuất của chúng tôi không đủ. Công ty chỉ có khoảng 100 nhân viên, không còn nhiều tài sản thế chấp. Tương lai sẽ phải dựa vào trợ cấp của chính phủ”.
Tokyo muốn các công ty quy mô nhỏ liên minh với nhau để tăng cường khả năng cạnh tranh, tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc một số doanh nghiệp phải nhường quyền tự chủ công nghệ cho các nhà sản xuất ô tô lớn. Họ lo không thể thiết lập chương trình R&D của riêng mình.
Bất chấp doanh số xe điện chậm lại, vẫn có làn sóng đầu tư vào pin khi các nhà sản xuất ô tô như Toyota cố gắng bắt kịp những đối thủ đi trước. Hãng đặt mục tiêu tăng doanh số bán pin EV gấp 15 lần vào năm 2026, đạt 1,5 triệu chiếc. Panasonic, nhà cung cấp pin lớn cho nhà sản xuất xe điện Tesla của Mỹ, cũng tham vọng tăng gấp 4 lần công suất sản xuất pin xe điện vào tháng 3/2031 so với tháng 3/2023.
Tuy nhiên, theo ông Ryuta Morishima, giám đốc điều hành của Hiệp hội chuỗi cung ứng pin Nhật Bản, văn hóa kinh doanh của Nhật Bản là yếu tố kìm hãm ngành công nghiệp xe điện nước này. Việc thiếu sự lãnh đạo mạnh mẽ sẽ khiến các nhà sản xuất pin chậm chân trong việc thiết lập dây chuyền sản xuất pin mới.
Hiện có những dấu hiệu cho thấy các nhà cung cấp Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các nhà sản xuất nước ngoài. Guangdong HYNN Technology, nhà sản xuất thiết bị sản xuất pin của Trung Quốc với hơn 3.000 nhân viên, đã thành lập văn phòng tại Nhật Bản vào năm 2023, với hy vọng giành được cơ hội kinh doanh với các công ty như Toyota. Là nhà cung cấp chính cho CATL của Trung Quốc, công ty này cũng đang xem xét niêm yết công khai.
Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản nhận thức được nguy cơ các doanh nghiệp nhỏ mất chỗ đứng. Vòng trợ cấp tiếp theo nhắm vào các nhà sản xuất pin và nhà cung cấp với tổng trị giá khoảng 500 tỷ yên (3,2 tỷ USD) lần đầu tiên sẽ được mở rộng cho các nhà sản xuất máy móc.
Dẫu vậy, một số công ty nhỏ vẫn cảm thấy nỗ lực cải cách gần đây chỉ nhằm giúp các nhà sản xuất ô tô lớn bảo vệ nhà cung cấp hiện tại. Một giám đốc điều hành tại một công ty sản xuất máy sản xuất pin cho biết: “Tôi cảm thấy các nhà sản xuất ô tô lớn đang đứng đằng sau nỗ lực cải cách ngành công nghiệp gần đây. Họ đang cố gắng phá vỡ ngành công nghiệp nhỏ hiện có và thúc đẩy những ý tưởng mới”.
Được biết, các thương hiệu xe hơi Nhật Bản, vốn thống trị thị trường Đông Nam Á trong nhiều năm, đang phải đối mặt với làn sóng cạnh tranh mới. Báo cáo của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho thấy Trung Quốc chỉ chiếm 4,2% thị phần xuất khẩu xe điện của thế giới năm 2018 nhưng đến năm 2022 đã tăng lên 35%.
Trái lại, Nhật Bản từng là nước có thị phần xuất khẩu xe điện lớn nhất thế giới vào năm 2018 với 24,5% nhưng hiện đã giảm xuống chỉ còn 9,3%. Các thị trường khác như Mỹ hay Châu Âu cũng suy giảm.
Trước đây, các thương hiệu ô tô lớn tại Nhật Bản rất được lòng người tiêu dùng khi chiếm hơn 30% doanh số bán ô tô mới tại Mỹ, đồng thời thống trị một loạt các thị trường từ Đông Nam Á đến Châu Phi. Bản thân nước này cũng ra mắt thị trường sớm với chiếc hybrid Toyota Prius đầy mê hoặc.
Đáng buồn, sự nhiệt tình đối với các mẫu xe điện đời đầu nhanh chóng phai nhạt do doanh số bán hàng ảm đạm. Người tiêu dùng không thực sự bị thu hút, trong khi xe hãng đôi khi còn gặp lỗi kỹ thuật.
“Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cần phải bắt kịp”, Masato Inoue, cựu Giám đốc điều hành Nissan hiện đang giảng dạy tại Istituto Europeo di Design ở Turin, Italy, cho biết. “Có thể mọi thứ đã quá muộn”.
Theo SCMP, các chuyên gia đang vô cùng quan ngại, rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể đang lặp lại sai lầm trong quá khứ của ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tiêu dùng. Những công ty này từng thống trị thế giới nhờ chip bộ nhớ của NEC và Walkman của Sony, song cuối cùng cũng phải lép vế trước sự đột phá của Apple. “Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có vẻ như đã bị bỏ lại phía sau và không có khả năng vươn lên dẫn đầu”, Shingo Ide, Giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại Viện Nghiên cứu NLI của Bảo hiểm Nhân thọ Nippon, nhận định.
Theo: Nikkei, SCMP