Tạp chí quốc phòng IHS Jane's đưa tin, các quan chức quốc phòng cấp cao của Nhật Bản đã có cuộc gặp gỡ với phía Indonesia hôm 4/8 để thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu quốc phòng với quốc gia Đông Nam Á này.
Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết, các cuộc thảo luận tập trung vào khả năng Nhật Bản cung cấp cho Jakarta hệ thống phòng thủ mạng và thủy phi cơ tìm kiếm-cứu hộ US-2.
Sau cuộc gặp này, Bộ Quốc phòng Indonesia cho biết 2 nước đang xem xét các phương thức mở rộng mối quan hệ hợp tác quốc phòng dựa trên những thương vụ tiềm năng.
Thủy phi cơ US-2
Do mới nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu vũ khí sát thương tự áp đặt nhiều thập kỷ qua nên Nhật Bản đang tích cực tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Á.
Tháng 6 năm nay, tờ Nikkei Asia Review đưa tin, Thái Lan đang cân nhắc khả năng mua máy bay tuần tra biển P-1 cùng thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, 2 khách hàng tiềm năng khác đang được Tokyo nhắm tới là Malaysia và Việt Nam.
Máy bay tuần thám P-3C của Nhật Bản.
Theo Nikkei Asia Review, Việt Nam có khả năng sẽ mua các máy bay tuần tra biển P-3 đã qua sử dụng của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF), do giá cả của máy bay Mỹ sau khi tân trang vẫn khá đắt đỏ.
Đặc biệt, theo tạp chí Diplomat, có khả năng Tokyo sẽ bán với giá ưu đãi, thậm chí hỗ trợ tài chính để Việt Nam mua máy bay P-3C của JMSDF.
Giới chuyên gia đánh giá, dù không có quy mô lớn nhưng thỏa thuận cung cấp các máy bay P-3 cho Việt Nam sẽ giúp Nhật Bản khởi động trên con đường phát triển bình thường của một "người khổng lồ" trong lĩnh vực quốc phòng.
Cho tới nay, tại khu vực Đông Nam Á, Nhật Bản mới đạt được thỏa thuận quốc phòng với một quốc gia, đó là Philippines.
Theo hợp đồng này, Nhật Bản sẽ cho Philippines thuê các máy bay huấn luyện TC-90 có khả năng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm, cứu nạn khi có thảm họa, hỗ trợ các hoạt động cứu trợ nhân đạo, các nhiệm vụ trinh sát và cảnh báo.
Thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản