Nhật Bản tăng cường năng lực diệt hạm bằng tên lửa của Na Uy

TUẤN SƠN |

Trang tin Defense News đăng tải, Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản đã đạt được thỏa thuận với hãng chế tạo Na Uy Kongsberg về việc cung cấp tên lửa hành trình diệt hạm tầm trung JSM mới.

Các tên lửa diệt hạm mới sẽ giúp Tokyo tăng cường năng lực đối phó với các mục tiêu trên biển.

Đây là hợp đồng thứ 2 với hãng Kongsberg. Trước đó, hồi tháng 3-2019, Nhật Bản đã ký hợp đồng mua một loạt tên lửa với hãng chế tạo Na Uy, nhưng số lượng, chủng loại tên lửa và giá thành hợp đồng không được tiết lộ. Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, Nhật Bản sẽ trở thành khách hàng đầu tiên đặt mua tên lửa JSM của Na Uy.

Theo các thông tin được công bố, tên lửa JSM được coi là phiên bản nâng cấp của dòng tên lửa diệt hạm NSM do Kongsberg phát triển. Thế hệ tên lửa diệt hạm mới được tối ưu đường bay và khả năng dẫn đường để tiêu diệt các mục tiêu trên bộ, trên biển với độ chính xác cao.

Đặc biệt, kích thước của JSM vừa với khoang chứa vũ khí của máy bay tàng hình thế hệ thứ 5 F-35A Lightning II, nên rất phù hợp cho các nhiệm vụ tấn công đột kích hoặc tấn công ngoài ô phòng không của đối phương.

Tùy theo quỹ đạo bay, tên lửa JSM có tầm bắn khác nhau. Với quỹ đạo bay thấp-thấp (tên lửa sẽ bay thấp trong toàn hành trình) tối ưu cho khả năng tàng hình, đạn tên lửa JSM có tầm bắn khoảng 160km.

Đại diện Kongsberg cho biết, tên lửa JSM dài 4m, có khối lượng khoảng 420kg. Đầu đạn của tên lửa JSM có khả năng xuyên phá mạnh mẽ với lớp vỏ hợp kim titan siêu cứng kết hợp với khối đầu đạn nặng tới 226kg.

Với lớp vỏ siêu cứng, đạn tên lửa có thể xuyên qua vỏ tàu chiến của đối phương và phát nổ trong thân tàu để nâng cao tỷ lệ bẻ gẫy thân tàu để gây thiệt hại nghiêm trọng, thậm chí là đánh chìm chúng với chỉ 1 đạn tên lửa.

Nhật Bản tăng cường năng lực diệt hạm bằng tên lửa của Na Uy - Ảnh 2.

Tên lửa hành trình JSM là một trong những dòng tên lửa diệt hạm hiện đại của phương Tây.

Tên lửa JSM được áp dụng nhiều công nghệ tàng hình nhờ kết cấu thân dùng nhiều vật liệu tổng hợp và lớp sơn phủ đặc biệt. Kết cấu cánh của tên lửa cũng được thiết kế gấp gọn trong thân để tiết kiệm diện tích trên trên thân máy bay.

Nếu sử dụng quỹ đạo bay cao-thấp (tên lửa sẽ lấy độ cao ở pha đầu và pha giữa, sau đó hạ độ cao ở pha bay tiếp cận), tầm bắn của tên lửa tăng gấp 3 lần, tương đương 480km.

Điểm mạnh của JSM là hệ thống dẫn đường đa kênh, có khả năng hoạt động ở môi trường bị đối kháng điện tử mạnh mẽ. Để tấn công chính xác mục tiêu, JSM sử dụng hệ thống cảm biến hồng ngoại băng tần kép, kết hợp với dẫn đường vệ tinh, so ảnh địa hình, quán tính và radar thụ động.

Cùng với đó, các cảm biến đo cao, đo xa laser giúp tên lửa có bay được ở độ cao cực thấp, bám địa hình. Cùng với đó, JSM có thể nhận lệnh điều khiển trực tiếp từ máy bay mẹ qua kênh liên lạc bảo mật Link 16 khi cần.

Giới chuyên gia đánh giá, nhiều khả năng, các tên lửa JSM sẽ là trang bị tiêu chuẩn của các đơn vị F-35A của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.

Đảo quốc mặt trời mọc đã nhận các lô máy bay F-35A đầu tiên theo hợp đồng đặt mua 42 máy bay ký năm 2011 và trong tương lai có thể nhận thêm 103 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại