Giờ đây, robot mang tên Pepper được giới thiệu có khả năng như một sư thầy điều hành tang lễ với chi phí rất rẻ. Liệu "sư thầy robot" có phải là tương lai của ngành công nghiệp tang lễ?
Từ "Sư thầy robot" có thể đọc lời cầu nguyện, đánh trống…
Robot Pepper được lập trình các chức năng như một sư thầy điều hành thuần thục tang lễ đưa người chết về "nơi chín suối". Robot Pepper có thể đọc lời cầu nguyện, đánh trống…
Trước khi thực hiện nghi lễ, những nhà tổ chức tang lễ sẽ mặc cho Pepper bộ quần áo Phật giáo "đúng chuẩn". Thậm chí, với sự tham gia của robot thông minh, gia đình người quá cố có thể yêu cầu tường thuật trực tiếp tang lễ (Livestream) trên mạng xã hội.
Điều quan trọng hơn là chi phí thuê robot Pepper "mềm hơn" nhiều so với việc thuê sư thầy "bằng xương bằng thịt".
Theo số liệu từ Hiệp hội người tiêu dùng Nhật Bản, chi phí trung bình cho một đám tang ở "đất nước mặt trời mọc" đã vượt quá con số 20.000 bảng Anh. Trong đó, chi phí cho sư thầy làm lễ là 1.700 bảng Anh. Theo dự tính của nhà sản xuất robot Pepper thì giá thuê "sư thầy robot" chỉ có 350 bảng Anh/đám tang.
Robot Pepper gây sự chú ý của nhiều người khi được giới thiệu tại Hội chợ triển lãm công nghiệp tang lễ - "Life Ending Industry Expo" tại Tokyo, Nhật Bản vào ngày 23-8 vừa qua. Robot độc đáo này do công ty Nissei Eco sản xuất và giới thiệu.
Hiện nay, Pepper mới được giới thiệu tại triển lãm, chưa được thuê để điều hành đám tang thực nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, robot đang "len lỏi" vào hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống nên sự xuất hiện của "sư thầy robot" là khó tránh khỏi trong tương lai.
Theo Michio Inamura, cố vấn của công ty Nissei, người dân Nhật Bản đang già đi và việc chi tiêu ngày càng tiết kiệm.
Các vị sư nhận được sự hỗ trợ tài chính ít hơn từ cộng đồng nên một số người buộc phải tìm việc làm bán thời gian ngoài nhiệm vụ chính ở đền thờ.
Sư thầy Tetsugi Matsuo cho biết, ông đã đến hội chợ "Life Ending Industry Expo" "vì tò mò muốn xem liệu Pepper có thể "truyền tải tình cảm từ trái tim đến mọi người hay không". Tôi tin rằng, trái tim là nền tảng của tôn giáo".
…đến Linh mục robot ở Đức
Mới đây, "linh mục robot" có tên là BlessU-2 cũng được giới thiệu ở Đức gây nên những luồng dư luận trái chiều. Robot có một màn hình cảm ứng ở ngực, hai cánh tay và đầu.
BlessU-2 có thể ban phước lành bằng năm ngôn ngữ là tiếng Đức, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ba Lan. Những con chiên có thể lựa chọn giọng linh mục ban phước lành là nam hay nữ theo ý thích.
Khi có người xuất hiện, robot sẽ giơ hai cánh tay lên, nháy đèn và nói: "Cầu Chúa ban phước và bảo vệ con". Nếu được yêu cầu, robot sẽ cung cấp một bản in lời chúc phúc. Robot dự phòng có sẵn trong trường hợp robot chính gặp sự cố.
Sự xuất hiện của BlessU-2 gây nên những tranh cãi về tương lai của nhà thờ và tiềm năng của trí thông minh nhân tạo. Stephan Krebs, người đưa ra sáng kiến robot linh mục nói với phóng viên tờ The Guardian (Anh) rằng, "chúng tôi muốn mang đến trải nghiệm mới cho mọi người.
Mọi người có thể xem xét liệu robot có thể thay thế con người để ban phước lành hay không". Krebs cho biết thêm, "Ý tưởng đang gây tranh cãi.
Một số người tò mò, thích thú, quan tâm và có phản hồi tích cực về BlessU-2. Tuy nhiên, một số người nghĩ rằng, ý tưởng thay thế các mục sư của con người bằng máy móc là sai lầm. Con người là yếu tố quan trọng hàng đầu".
Krebs và các đồng nghiệp đang thu thập ý kiến phản hồi của người dân. Tuy nhiên, Krebs cũng cho rằng, robot không phải là giải pháp tích cực cho sự thiếu hụt các linh mục ở châu Âu hiện nay. "Robot không bao giờ có thể thay thế vai trò của các mục sư.
Chúng tôi không muốn robot hoá công việc nhà thờ nhưng muốn mang đến cho người dân những trải nghiệm và góc nhìn mới", Krebs nói.
Được biết, BlessU-2, Pepper không phải là robot đầu tiên xâm nhập thế giới đức tin. Năm ngoái, một ngôi chùa nằm ở biên giới Bắc Kinh, Trung Quốc đã xuất hiện một "tu sĩ robot" có thể tụng kinh, niệm thần chú và giải thích nguyên lý cơ bản của tôn giáo.