Nhật Bản rầm rộ "xoay trục" châu Phi, quyết đối đầu Trung Quốc

Hải Võ |

Nhật sẽ đối đầu mạnh mẽ với Trung Quốc để giải cứu "mảnh đất màu mỡ" mà Bắc Kinh ồ ạt rót tiền đầu tư, tiêu thụ hàng hóa và lấy đi những tài nguyên quý giá nhất?

Chính sách toàn diện để nâng tầm vị thế Nhật, kiềm chế Trung Quốc

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 26/8 đã bắt đầu chuyến thăm cấp cao tới Kenya và tham dự Hội nghị Quốc tế Tokyo về Phát triển châu Phi (TICAD) lần thứ 6 tại thủ đo Nairobi.

Đây là lần đầu tiên hội nghị này diễn ra ở châu Phi. Cả 5 lần trước đó sự kiện đều tổ chức tại Nhật.

Tokyo đã điều chỉnh để TICAD lần thứ 6 được diễn ra sớm hơn 2 năm so với lịch trình, nhằm tránh bị ngắt quãng trong việc bảo đảm ảnh hưởng của Nhật và kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt khi Bắc Kinh bành trướng mạnh mẽ thế lực cả về kinh tế và ngoại giao.

Chiều 27/8 theo giờ địa phương, ông Abe đã đọc diễn văn khai mạc TICAD và công bố chính sách viện trợ đối với châu Phi trước đại biểu từ hơn 50 nước châu Phi, trong đó có 35 nguyên thủ.

Theo đó, Tokyo cam kết sẽ đầu tư 30 tỷ USD cho châu Phi trong 3 năm tới, bao gồm 10 tỷ USD dành cho phát triển hạ tầng.

Trước khi Shinzo Abe công du Kenya, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng có chuyến thăm nước này trong tháng 8 và "trao đổi ý kiến về làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác song phương".

Theo AFP (Pháp), dưới "cái bóng" ảnh hưởng và quyền lực ngày càng tăng của Trung Quốc, Nhật Bản đã quyết tâm đưa "cuộc chiến viện trợ" tới châu Phi.

Truyền thông Nhật Bản cho hay, Thủ tướng Abe sẽ triển khai chiến lược ngoại giao linh hoạt nhằm thúc đẩy tăng cường tỉ trọng của Nhật trong thị trường tài nguyên châu Phi, vốn đang là "sân nhà" của Trung Quốc.

Theo Bộ ngoại giao Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ngày 26/8 đã có cuộc hội đàm 25 phút với Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta. Hai bên xác nhận nỗ lực hợp tác tổ chức TICAD 2016.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida cũng hội đàm với người đồng cấp Kenya.

Ông Kishida hy vọng Kenya sẽ "tăng cường hợp tác" với Nhật Bản trong thúc đẩy cải cách ở Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Đài NHK của Nhật cho hay, ông Shinzo Abe tuyên bố:

"TICAD lần đầu được tổ chức tại châu Phi là sự kiện mang tính lịch sử. Nhật sở hữu nhiều công nghệ cao và đội ngũ nhân tài có thể cống hiến cho sự nghiệp bồi dưỡng chất xám của châu Phi.

Doanh nghiệp Nhật hết sức chú trọng đến sự phát triển của châu Phi. Chính phủ và người dân Nhật Bản sẽ cùng đóng góp cho sự phát triển của châu Phi."

Ngoài các quan chức chính phủ Nhật tháp tùng ông Abe còn có hơn 70 doanh nghiệp nước này, cùng với nhiều nhà kinh tế học đến từ các trường đại học danh tiếng của Nhật.

Nhật Bản rầm rộ xoay trục châu Phi, quyết đối đầu Trung Quốc - Ảnh 2.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe (trái) bắt tay thân mật Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta trước khi duyệt đội danh dự trong lễ đón hôm 26/8 tại thủ đo Nairobi. (Ảnh: AFP)

Tờ Nihon Kezai Shimbun (Nikkei, Nhật Bản) cho hay, kể từ khi trở lại nắm quyền năm 2012, Thủ tướng Abe đã nâng cao đáng kể vị thế của châu Phi trong chiến lược ngoại giao toàn cầu của mình.

Theo Kyodo News (Nhật Bản), TICAD là cơ hội quan trọng để Nhật Bản bành trướng tầm ảnh hưởng đối với các nước châu Phi và tiếp cận nguồn tài nguyên phong phú cùng thị trường tiềm năng ở lục địa này.

Theo đó, ông Shinzo Abe sẽ trọng điểm đề cập đến chính sách viện trợ cơ sở hạ tầng và hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, "tạo bước đệm" để các khoản đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản rót vào mạng lưới giao thông, cơ sở hạ tầng năng lượng và cơ sở y tế.

Các nhà kinh tế của Nhật sẽ tham dự tích cực vào cuộc cải cách cơ cấu kinh tế châu Phi, giúp Tokyo thâm nhập sâu vào nền kinh tế "lục địa đen" và ảnh hưởng được tới chính sách của quốc gia trong khu vực.

Chuyến thăm tới Kenya lần này là dịp mà Thủ tướng Nhật mang theo chính sách viện trợ và đầu tư toàn diện nhất, rầm rộ và quy mô lớn nhất từ trước đến nay để triển khai thế đối đầu với nguồn vốn khổng lồ mà Trung Quốc đang không tiếc tay đổ vào châu Phi.

Nhật Bản rầm rộ xoay trục châu Phi, quyết đối đầu Trung Quốc - Ảnh 3.

Trung Quốc đã bắt đầu xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên tại quốc gia châu Phi Djbouti nhằm mở rộng ảnh hưởng ở khu vực. (Ảnh: FP)

Học giả Trung Quốc: "Giấc mộng nước lớn" phi thực tế

Theo những người chuyên theo dõi chính sách đối ngoại của Nhật, từ vài năm nay, châu Phi là một trong những hướng quan trọng nhất với Tokyo. Do đó, TICAD được cho là "hạt nhân" trong đường hướng đối ngoại với châu Phi của nước này.

Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) mỉa mai rằng Tokyo chỉ muốn chèo kéo các nước châu Phi nhằm đạt được sự ủng hộ trong nỗ lực đưa Nhật thành Ủy viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Tờ Asahi Shimbun của Nhật đưa tin, sắp tới Nhật sẽ đặt đại sứ quán tại 3 nước châu Phi - nơi Trung Quốc đã có đại sứ quán - và 6 cơ quan đại diện cho chính phủ. Hiện Nhật chưa có sứ quán ở 17 quốc gia châu Phi.

Nhật Bản rầm rộ xoay trục châu Phi, quyết đối đầu Trung Quốc - Ảnh 4.

Một thời gian dài trong quá khứ, xe máy Nhật chiếm vị thế "độc tôn" ở nhiều thành phố châu Phi, nhưng điều đó đã không còn và Tokyo đang cố gắng tìm lại chỗ đứng của mình. (Ảnh minh họa: AFP)

Giáo sư Châu Vĩnh Sinh từ Sở nghiên cứu quan hệ quốc tế, thuộc Học viện ngoại giao Trung Quốc, trả lời Thời báo Hoàn Cầu bình luận, trong quá khứ các Thủ tướng Nhật rất ít khi công du châu Phi bởi nước này không hào hứng với "lục địa đen".

Theo ông, người Nhật đầu tư mạnh vào châu Phi trong thập niên 1990 nhưng đa phần không thu được lợi nhuận, khiến "cơn sốt" nhanh chóng giảm nhiệt. Tuy nhiên, Tokyo đã quyết tâm "trở lại châu Phi" khi chứng kiến sự bành trướng của Bắc Kinh trong thế kỷ mới.

Học giả người Trung Quốc nói: "Chiến lược ngoại giao của Nhật tại châu Phi mang đậm tính toán làm ăn, ví dụ như tặng xe đã qua sử dụng cho châu Phi, nhưng sẽ kiếm tiền lại bằng cách bán phụ tùng và duy tu."

Ông Châu nhận định, các nước châu Phi sẽ không "bị cướp mất" khỏi tay Trung Quốc chỉ vì viện trợ của Nhật.

"Hiện tại Nhật muốn phân cao thấp với Trung Quốc tại châu Phi thì đúng là 'giấc mộng nước lớn' rất phi thực tế," ông này nói.

Chuyến công du Kenya của ông Shinzo Abe diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Trung-Nhật đang leo thang ở biển Hoa Đông bởi các vụ tàu chính phủ Trung Quốc tiếp cận quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, trong khi Nhật đáp trả bằng cách bố trí tên lửa ở khu vực lân cận.

Tại biển Đông, Trung Quốc phản ứng quyết liệt khi bị Tokyo nhiều lần yêu cầu phải chấp hành phán quyết ngày 12/7 của Tòa trọng tài thường trực (PCA), bác bỏ "quyền lịch sử" của Trung Quốc ở vùng biển này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại