Thông tin trên được một quan chức giấu tên của Sở Cảnh sát Kyoto tiết lộ. Theo một phương tiện truyền thông địa phương, trong số những điểm bị đột kích có một hiệp hội thương mại trụ sở đặt tại Tokyo. Hiệp hội này có liên hệ với Tổng hội người Triều Tiên tại Nhật Bản mang tên Chongryon.
Trang The Japan Times còn cho biết cảnh sát cũng đã ập vào công ty M-Create Inc ở Tokyo và tiến hành bắt giữ chủ tịch công ty Yuzuru Yachita và hai người khác. Các đối tượng bị nghi ngờ đã chuyển khoảng 1.500 hộp thực phẩm ăn liền và nhiều vật dụng khác như xà bông, dầu gội có tổng giá trị 63.500 USD sang Triều Tiên thông qua một công ty ở Singapore.
Cảnh sát sẽ tiến hành điều tra xem công ty M-Create Inc có liên hệ gì với Chongryon hay không, theo The Japan Times.
Trước đó vào tháng 5.2017, con trai của một người đứng đầu Chongryon đã bị bắt vì cáo buộc nhập khẩu trái phép một loại nấm từ Triều Tiên.
Cấm các hoạt động thương mại với Triều Tiên là một trong những biện pháp trừng phạt mà Nhật Bản áp dụng vì Bình Nhưỡng phát triển tên lửa và hạt nhân, cũng như bắt cóc công dân Nhật.
Trong chuyến thăm Tokyo của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 11, lãnh đạo Mỹ - Nhật đã nhất trí áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cam kết sẽ đóng băng tài sản của một số đơn vị và cá nhân Triều Tiên.
Nhật - Mỹ nhất trí áp dụng cách tiếp cận cứng rắn với Triều Tiên - Ảnh: Daily Express
Vào sáng 15.12, chính quyền Tokyo quyết định đóng băng thêm tài sản của 19 công ty Triều Tiên nhằm trừng phạt động thái phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 29.11 vừa qua.
Trang Nikkei Asian Review cho biết 19 công ty mới bị đóng băng tài sản hoạt động trong lĩnh vực tài chính, buôn bán than đá và dầu mỏ, vận chuyển và tuyển dụng lao động ra nước ngoài. Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật tiết lộ, những công ty này đều nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ kể từ tháng 1.2017.
Với lệnh trừng phạt mới ngày 15.12, danh sách trừng phạt đơn phương của Nhật đã đạt tới 56 công ty/tổ chức và 62 cá nhân.