Nhật Bản phát triển tiêm kích thế hệ 6 mang tên F-3 để theo kịp Nga

Đức Trí |

Nhật Bản đang nỗ lực đuổi kịp Nga bằng cách chế tạo máy bay tiêm kích thế hệ 6 phiên bản nội địa hóa cao nhất.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 F-3 của Nhật Bản bay thử. Nguồn: Sina.

Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 6 F-3 của Nhật Bản bay thử. Nguồn: Sina.

Theo Military Watch, Nhật Bản là một trong số ít quốc gia xác nhận sẽ phát triển máy bay chiến đấu thế hệ thứ 6. Hiện Mỹ, Trung Quốc và Nga cũng là những đối thủ cạnh tranh lớn với Nhật Bản trong lĩnh vực này.

Ban đầu, máy bay tiêm kích thế hệ 6 của Nhật Bản được kỳ vọng dựa vào công nghệ nước ngoài như Anh hoặc Mỹ, tuy nhiên, năm 2020, Nhật Bản đã tuyên bố rằng họ sẽ độc lập phát triển máy bay thế hệ thứ sáu và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các quốc gia khác.

Hai dự án máy bay chiến đấu trước đây của Nhật Bản là máy bay F-1 và máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-2 phần lớn dựa trên thiết kế của máy bay quân sự nước ngoài, đó là SEPECAT Jaguar của châu Âu và tiêm kích F-16 của Mỹ.

Tuy nhiên, sau tất cả, Nhật Bản đã quyết định phát triển máy bay tiêm kích thế hệ 6 là F-3, dự kiến sẽ hoạt động vào giữa những năm 2030, thay thế các máy bay chiến đấu hạng nặng F-2 và F-15 được sản xuất tại Nhật Bản.

Tiêm kích F-3 thế hệ 6 được phát triển để thu hẹp khoảng cách với các nước láng giềng trong đó chủ yếu là Trung Quốc và Nga.

Để phát triển động cơ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, Công ty IHI của Nhật Bản sẽ hợp tác với Rolls-Royce của Anh. Động cơ mới do hai bên phát triển cũng có thể ảnh hưởng đến dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu Tempest của Anh.

Một quan chức Nhật Bản giấu tên cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga đã đàm phán vấn đề này với Thủ tướng Anh Johnson tại hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng trước. Ngoài ra, cuối tháng 6/2021, các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã tới Anh để hội đàm về vấn đề phát triển động cơ.

Công ty Rolls-Royce của Anh hiện cũng đang tham gia vào quá trình phát triển máy bay chiến đấu Tempest của Không quân Anh. Mặc dù hợp tác với Anh, nhưng Nhật Bản cũng có thể gặp khó khăn trong việc phát triển một động cơ tương đương với động cơ của máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu của Mỹ.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án máy bay chiến đấu thế hệ thứ sáu, đây có thể là loại máy bay chiến đấu nội địa hóa nhiều nhất do Nhật Bản phát triển kể từ Thế chiến thứ hai.

Điều này sẽ cho phép Nhật Bản giành được mức độ độc lập cao hơn trong lĩnh vực quốc phòng, và nó cũng cho phép Nhật Bản xuất khẩu máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo.

Mitsubishi Heavy Industries trước đây đã sản xuất Mitsubishi ATD-X Shinshin, đây là một mẫu thử máy bay tiêm kích phản lực thế hệ 5 sử dụng công nghệ tàng hình rất tiên tiến, có nhiều chức năng mà máy bay chiến đấu phương Tây không có, bao gồm cả vòi phun vectơ lực đẩy ba chiều tiên tiến.

Tất cả những điều này chứng tỏ Nhật Bản có tiềm năng phát triển một loại máy bay chiến đấu hiện đại.

Máy bay thế hệ thứ sáu của Nhật Bản sẽ được sử dụng để thay thế máy bay chiến đấu hạng nhẹ F-2. Hiện tại, Nhật Bản ước tính có 98 máy bay chiến đấu F-2. Mặc dù máy bay được chế tạo tại Nhật Bản nhưng chủ yếu dựa vào công nghệ của Mỹ.

Ngoài F-2, Lực lượng Phòng vệ trên không Nhật Bản còn có các máy bay chiến đấu F-4EJ và F-15J, nhưng F-4 và phần lớn phi đội F-15 có thể sẽ sớm được thay thế bằng máy bay chiến đấu tàng hình F-35A.

Thiết kế của F-35A chủ yếu dành cho nhiệm vụ tấn công không đối đất, hiện vẫn còn nhiều nghi vấn về việc liệu loại máy bay này có thể đáp ứng được nhu cầu phòng thủ quốc gia của Nhật Bản hay không.

Mặc dù F-35 có nhiều hạn chế trong tác chiến không đối không, vì là máy bay chiến đấu tàng hình một động cơ, nhưng chi phí tương đối thấp của máy bay này cũng khiến nó trở thành một sự lựa chọn hấp dẫn.

Máy bay thế hệ thứ sáu sắp tới của Nhật Bản cũng sẽ thay thế F-15 và trở thành máy bay chiến đấu chiếm ưu thế trên không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại