Khi Trung Quốc đang ra sức phô diễn “sức mạnh cơ bắp” ở hầu hết các vùng lãnh thổ còn tranh chấp trên biển thì khả năng xảy ra đụng độ giữa các tàu ngầm của nước này với Lực lượng phòng vệ Hàng hải Nhật Bản (JMSDF) là kịch bản hiện hữu.
JMSDF ở hữu một trong những khả năng chống tàu ngầm mạnh nhất so với bất kỳ lực lượng hải quân nào. Đặc biệt công nghệ tàu ngầm của Nhật Bản lại được đánh giá rất cao.
Đối với Nhật Bản, mối đe dọa từ các cuộc xâm nhập của tàu ngầm Trung Quốc được xem là rất thực tế.
Tháng trước, khi phát hiện thấy một “tàu ngầm lạ” gần vùng biển Nhật Bản, JMSDF đã ngay lập tức điều một tàu đổ bộ trực thăng, hai tàu khu trục và một số máy bay tuần tra biển tới ngăn chặn. Mặc dù Nhật Bản không công bố quốc tịch của con tàu nhưng nó được cho là của Trung Quốc.
Các hoạt động gần đây của Trung Quốc xung quanh vùng trời và vùng biển Nhật Bản. Ảnh: BQP Nhật Bản
Theo một thông cáo báo chí bằng tiếng Nhật, tàu ngầm được phát hiện vào ngày 18/6 ở phía đông bắc Amami Oshima, một trong những hòn đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan. Những hòn đảo này được gọi là chuỗi đảo thứ nhất và tạo thành một rào cản tự nhiên giữa Trung Quốc và Thái Bình Dương. Tàu ngầm đã được theo dõi trong suốt vài ngày liền.
Trong Sách trắng Quốc phòng mới công bố, Nhật Bản cho biết sẽ sử dụng các tàu ngầm để thực hiện hoạt động tình báo, do thám và trinh sát ở vùng biển xung quanh đất nước. Thông điệp rõ ràng ở đây là: Nhật Bản nhấn mạnh lập trường phòng thủ, sẽ kiên quyết theo dõi và bám nắm các tàu ngầm và tàu chiến Trung Quốc gần lãnh hải Nhật Bản.
Nhật Bản đã đưa vào sử dụng tàu ngầm đầu tiên trên thế giới chạy bằng pin Lithium-Ion. Công nghệ cải tiến hứa hẹn sẽ giúp tàu ngầm của họ có thể hoạt động dưới nước trong thời gian dài hơn.
Tōryū, tàu ngầm lớp Sōryū cuối cùng của JMSDF dự kiến cũng sẽ được đưa vào biên chế trong năm tới, góp phần giúp Nhật Bản gia tăng khả năng bảo vệ chủ quyền trên biển của mình.
Quân đội Nga tập trận đổ bộ trên biển Nhật Bản