Trong thông cáo gần đây, Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng Mỹ (DSCA) thuộc Lầu Năm Góc cho biết DSCA đã đệ trình lên Quốc hội Mỹ về thương vụ trị giá 4,5 tỷ USD này. Nhà thầu chính cho hợp đồng này là hãng sản xuất Boeing, cũng là cha đẻ của máy bay F-15.
Nhật Bản là một đồng minh thân cận của Mỹ nên chắc chắn hợp đồng này sẽ được phê chuẩn nhanh chóng. Hợp đồng sẽ thực hiện theo hình thức Bán vũ khí cho nước ngoài (FMS) của chính phủ Mỹ.
Theo cấu hình mới Japanese Super Interceptor hay JSI (tạm dịch: Siêu máy bay đánh chặn Nhật Bản), những chiếc F-15 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản (JASDF) sẽ được lắp đặt radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), máy tính tác nhiệm, thiết bị tác chiến điện tử mới và khả năng sử dụng thêm các vũ khí khác,
Trong đó, “tai mắt” của máy bay sẽ là radar Raytheon AN/APG-82(v)1 - một biến thể đặc biệt sử dụng các phần tử thu phát tín hiệu của radar APG-79 dùng cho mục đích đa nhiệm. Radar này cũng được trang bị cho phi đội F-15E Strike Eagle của Không quân Mỹ.
Hiện JASDF đang khai thác khoảng 200 chiếc F-15J (một chỗ ngồi) và F-15DJ (hai chỗ ngồi). Đây đều là những máy bay được sản xuất từ những năm 1980, hầu hết bởi Tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi (MHI) tại Nhật Bản theo hình thức chuyển giao công nghệ.
Tiêm kích F-15DJ của Nhật Bản. Ảnh: Airliners.
Cùng với việc nâng cấp F-15J lên chuẩn F-15JSI, Bộ Quốc phòng Nhật Bản có thể sẽ bán một số tiêm kích F-15 để trang trải một phần chi phí hiện đại hóa và giảm bớt gánh nặng duy trì số máy bay trên.
Kế hoạch của Tokyo này cũng khá tương đồng với Washington khi mới đây, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định chi 12 tỷ USD nâng cấp các phi đội F-15 hiện có, thay vì mua thêm tiêm kích tàng hình F-22. Sau khi được nâng cấp, tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ sẽ tiếp tục phục vụ tới những năm 2040 và dự kiến sẽ được thay thế dần bằng máy bay thế hệ thứ 6.
Máy bay F-15 là tiêm kích chiến thuật hai động cơ được hãng McDonnell Douglas (nay là Boeing) phát triển từ năm 1967 cho Không quân Mỹ. Nó được coi là một trong những máy bay chiến đấu thành công nhất từng được chế tạo và đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Nhật Bản, Israel, Saudi Arabia.