Dự báo Ấn Độ sẽ vượt qua Nhật Bản về tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa tính bằng đồng đô la vào năm 2025 có thể khiến Nhật Bản lo lắng.
Cuối tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo rằng GDP danh nghĩa của Ấn Độ sẽ đạt 4,34 nghìn tỷ USD vào năm 2025, cao hơn mức 4,31 nghìn tỷ USD của Nhật Bản. Điều này có nghĩa là Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản để vươn lên vị trí nền kinh tế lớn thứ tư thế giới – phần lớn là do đồng yên yếu đi, sớm hơn một năm so với dự báo trước đó của IMF.
Năm ngoái, Nhật Bản đã đánh rơi vị trí thứ 3 vào tay Đức. Cú sốc về việc Ấn Độ có thể vượt qua Nhật Bản vào năm tới có thể so sánh với việc Trung Quốc vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010.
Martin Schulz, trưởng ban chính sách kinh tế của Đơn vị Theo dõi Thị trường Toàn cầu của Fujitsu, cho biết: “Đối với Nhật Bản, đây là một mối lo ngại rất lớn và rất khó giải quyết”.
Thực hiện chính sách kinh tế ‘Abenomics’
Schulz cho biết, cựu thủ tướng Shinzo Abe đã nhận ra những vấn đề của Nhật Bản và công bố các kế hoạch sâu rộng mang tên “Abenomics” khi lên nắm quyền vào năm 2012 nhằm thúc đẩy kinh tế nước này.
Hai trong số “ba mũi tên” của chính sách đã đạt được thành công, bao gồm nới lỏng tiền tệ và kích thích tài chính thông qua chi tiêu của chính phủ. Còn mục tiêu thứ ba, về cải cách cơ cấu, lại chưa đạt được.
“Chính sách Abenomics là thúc đẩy tăng trưởng doanh nghiệp, nhưng cải cách cơ cấu cũng cần thiết để thúc đẩy năng suất. Tuy vậy điều này rất khó thực hiện ở một quốc gia đang già đi và có xu hướng ngại thay đổi”, Martin Schulz nhận xét.
Trong báo cáo mới nhất về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu hôm 2/5, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trường kinh tế Nhật Bản từ 1% xuống 0,5% vào năm nay.
Các nước phát triển và thị trường mới nổi
Naomi Fink, chiến lược gia toàn cầu và giám đốc điều hành của Nikko Asset Management tại Tokyo, cho biết một số bất ổn kinh tế của Nhật Bản có thể liên quan đến ba “thập kỷ mất mát” từ tăng trưởng trì trệ.
“Cả Mỹ và Nhật Bản đều là những thị trường phát triển và không thể tăng trưởng nhanh như các thị trường mới nổi như Trung Quốc và Ấn Độ. Việc các nước phát triển tăng trưởng chậm hơn so với các thị trường mới nổi là điều hoàn toàn bình thường”.
Vị chuyên gia nhận định chìa khóa cho tăng trưởng trong tương lai của Nhật Bản sẽ là đầu tư vào nâng cao năng suất, công nghệ, vốn, nhân lực, và cải tiến quy trình kinh doanh bởi tăng trưởng dân số không còn là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế ở nước này.
Đồng yên là thử thách lớn nhất
Martin Schulz cho biết đồng yên yếu được cho là thách thức lớn nhất của chính phủ Nhật Bản vào thời điểm hiện tại. Chính phủ nước này được cho là đã can thiệp hai lần nhằm củng cố đồng yên.
Ông nói: “Đồng yên đang trở thành một vấn đề lớn. Can thiệp là ‘vô ích’ và sẽ tiếp tục không có hiệu quả chừng nào lãi suất vẫn giữ nguyên. Schulz khuyến nghị Ngân hàng Trung ương Nhật Bản áp dụng chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và tập trung vào việc cải thiện năng suất.
Lạc quan trong thận trọng
Tỏ ra lạc quan một cách thận trọng, Naomi Fink nói: “Tôi hy vọng Nhật Bản sẽ vượt qua ngưỡng tăng trưởng tiềm năng thấp, và cũng không mong đợi các nền kinh tế phát triển sẽ tăng trưởng nhanh như các nền kinh tế đang phát triển”. “Tôi nghĩ mục tiêu chính của Nhật Bản không phải là đạt được tăng trưởng danh nghĩa bằng mọi giá mà là khắc phục tình trạng giảm phát và thúc đẩy mức tăng trưởng tiềm năng hiện đang ở mức thấp”.
Một số sáng kiến đã được thực hiện như thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia của người lao động để giảm áp lực thiếu hụt nhân lực có tay nghề, và các chính sách đẩy nhanh vốn nhân lực, sẽ mang lại kết quả.