Nhật Bản lao vào cuộc chơi tốn kém "ngáng chân" Trung Quốc: Đắt xắt ra miếng

Đại sứ Trần Đức Mậu |

Ngoài việc không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở bất cứ đâu cũng được ở châu Phi thì Nhật Bản còn thu về nhiều cái lợi.

Không có dẻo đất xa xôi nào trên thế giới lại quan trọng đối với Nhật Bản như quốc gia tí hon Djibouti ở Đông Phi. Ở nơi đây từ năm 2009, Nhật Bản đã có căn cứ quân sự - đầu tiên và duy nhất cho tới nay ở nước ngoài.

Ban đầu chỉ rộng có 12 ha, về sau căn cứ quân sự này của Nhật Bản được mở rộng lên thành 15 ha. Cũng ở Djibouti, nhiều nước khác trên thế giới hiện có căn cứ quân sự, khiến không có quốc gia nào trên thế giới có mật độ dày đặc căn cứ quân sự nước ngoài như Djibouti.

Người ta thậm chí còn ví von Djibouti là "Thành phố của căn cứ quân sự nước ngoài". Trung Quốc cũng có căn cứ quân sự ở đây, nhưng mãi từ năm 2017, tức là sau Nhật Bản nhiều.

Ganh đua với Trung Quốc?

Mục đích ban đầu của Nhật Bản với viêc mở căn cứ quân sự ở Djibouti là chống cướp biển. Nhiều quốc gia khác cũng theo đuổi mục tiêu nàu ở khu vực biển Đông Phi. Đến nay, nạn cướp biển ở đó về cơ bản đã được dẹp.

Nhật Bản lao vào cuộc chơi tốn kém ngáng chân Trung Quốc: Đắt xắt ra miếng - Ảnh 1.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada tới Djibouti tháng 8/2016. Ảnh: Reuters

Số liệu thống kê được công nhận chung trên thế giới về tình trạng cướp biển ở khu vực biển Đông Phi cho thấy năm 2011 đã xảy ra 237 vụ cướp biển, năm 2015 không xảy ra vụ nào và năm 2017 xảy ra có 9 vụ.

Như thế có thể nói nếu chỉ theo đuổi mục tiêu được công khai ban đầu kia thì Nhật Bản giờ có thể yên tâm đóng cửa căn cứ quân sự ở Djibouti. Nhưng Nhật Bản giờ không những không làm thế mà còn có chủ ý duy trì và mở rộng nó cũng như cài cắm nó vào chiến lược quân sự, quốc phòng và an ninh của mình.

Có không ít người cho rằng Nhật Bản giờ theo đuổi chủ ý này vì muốn ganh đua với Trung Quốc ở khu vực Đông Phi nói riêng và châu Phi nói chung. Nhìn nhận như thế không sai, nhưng không đầy đủ và còn có phần phiến diện.

Nhật Bản cần sự hiện diện quân sự trên châu lục này là chính và trước hết để gây dựng và tăng cường vai trò, ảnh hưởng và vị thế chính trị an ninh thế giới cho mình chứ không phải để ganh đua với Trung Quốc về chính trị an ninh và quân sự trong khi về hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư thì lại gần như đương nhiên.

Nhật Bản lao vào cuộc chơi tốn kém ngáng chân Trung Quốc: Đắt xắt ra miếng - Ảnh 2.

Nhật Bản chủ trương bám trụ ở nơi xa xôi và rất cách trở về địa lý bởi vì đấy là một cách thức thực hiện mục tiêu chiến lược mới của Nhật Bản là thông qua sự hiện diện và hoạt động của quân đội Nhật Bản ở bên ngoài lãnh thổ của Nhật Bản để gây dựng và tăng cường vai trò, ảnh hưởng và vị thế chính trị thế giới.

Bị giới hạn và kìm kẹp bởi bản hiến pháp do Mỹ áp đặt sau chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Nhật Bản không được có tên gọi là quân đội mà là Lực lượng phòng vệ, vì thế và như thế thì làm sao có thể có nổi sự công nhận và uy danh trên quốc tế.

Phải hiện diện cụ thể và rõ nét ở bên ngoài, phải tham gia những chiến dịch quân sự và an ninh chung của nhiều quốc gia và phải chủ động thực thi những chiến dịch quân sự và an ninh riêng thì mới tạo nên hình ảnh khác và có được sự công nhận cần thiết.

Căn cứ quân sự ở Djibouti góp phần giúp Nhật Bản đạt được mục tiêu đó. Dù là chống cướp biển hay tham gia lực lượng quân đội của LHQ thực hiện sứ mệnh gìn giữ hoà bình ở châu Phi thì căn cứ này đều vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản.

Nạn cướp biển ở Đông Phi vẫn có thể tái phát bất cứ lúc nào nên nhu cầu răn đe, sẵn sàng đối phó và ứng phó vẫn rất cấp thiết. Quân đội Nhật Bản đã tham gia và sẽ còn tham gia vào những sứ mệnh gìn giữ hoà bình của LHQ ở châu Phi.

Djibouti vì thế không chỉ càng thêm quan trọng mà còn càng thêm không thể thiếu vắng đối với Nhật Bản.

Và nếu như sử dụng nó lại còn có thêm được tác dụng cùng một số đối tác khác không để cho Trung Quốc muốn làm gì thì làm ở bất cứ đâu cũng được trên châu lục này thì chẳng phải bỏ ra một công thu về nhiều cái lợi đối với Nhật Bản hay sao.

Bám trụ nơi xa như thế là cuộc chơi rất tốn kém cho Nhật Bản nhưng xem ra "đắt xắt ra miếng" và cái giá dẫu có đắt nữa vẫn rất đáng để đảo quốc này trả.

Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại