Trả lời phỏng vấn với các phóng viên tại Tokyo, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước này phản đối việc Nga tịch thu điện thoại vệ tinh của các đại diện chính phủ Nhật Bản trong chuyến thăm gần đây đến quần đảo Nam Kuril.
Ông cho biết, ngày 22/7 Đại sứ quán Nhật Bản tại Nga chuyển lời phản đối tới Bộ Ngoại giao Nga, cũng như thông qua Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Yuzhno-Sakhalinsk. Ông Suga gọi việc chính phủ Nga tịch thu điện thoại là một sự việc "rất đáng tiếc".
Được biết, việc nhập khẩu thiết bị truyền thông như điện thoại vệ tinh vào lãnh thổ Nga đòi hỏi phải có giấy phép từ cơ quan Giám sát Viễn thông Nhà nước thuộc Bộ Truyền thông. Người Nhật coi quần đảo Nam Kuril là lãnh thổ của riêng mình và việc áp dụng luật pháp Nga đối với các đảo này không được họ công nhận.
Hãng thông tấn Kyodo đã dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nhật Bản rằng việc áp dụng luật pháp của Nga tại Nam Kuril là việc làm "mâu thuẫn với lập trường pháp lý của Nhật Bản".
Miễn trừ thị thực Nga - Nhật
Việc trao đổi miễn thị thực giữa các cư dân Nga ở phía Nam quần đảo Kuril và Nhật Bản bắt đầu vào năm 1992 trên cơ sở một thỏa thuận liên chính phủ để thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước và giải quyết vấn đề ký kết hiệp ước hòa bình.
Chuyến bay đầu tiên kiểu này từ Nhật Bản đến Kuril diễn ra vào tháng 9/2017, trước đó các đoàn đại biểu miễn thị thực chỉ được đi bằng tàu biển.
Ngoài ra, vào tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Vladimir Putin và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã thảo luận về khả năng hoạt động chung trên các đảo trong năm lĩnh vực: nuôi trồng thủy sản, trồng cây xanh, du lịch, năng lượng gió và xử lý rác thải. Mặc dù thực tế rằng cả hai nước đã đồng ý tập trung vào năm lĩnh vực chính của hoạt động chung, nhưng cái chính vẫn là vấn đề pháp lý của các vùng lãnh thổ.
Nhật Bản tuyên bố chủ quyền đối với các đảo Kunashir, Shikotan, Iturup và Habomai, dựa trên Hiệp ước song phương về Thương mại và Biên giới năm 1855. Tokyo coi việc trả lại các đảo này là một điều kiện để ký kết hiệp ước hòa bình với Nga.
Quan điểm của Moscow là các đảo thuộc quần đảo Kuril đã trở thành một phần lãnh thổ của Liên Xô từ sau Chiến tranh thế giới thứ II và chủ quyền của Nga đối với các đảo này là điều không thể bác bỏ.