*Ở quốc gia nào cũng vậy, dù là phương Tây hay một xứ sở vốn được xưng tụng là "hoàn hảo" như Nhật Bản, đều có những điểm bất cập.
Và hôm nay, chúng ta sẽ đến với một vấn đề rất khó chịu của xã hội Nhật có tên "hàng xóm xấu tính", qua lời kể của Alex Sturmey - một giáo viên dạy tiếng Anh và là blogger người Anh sống tại quốc gia này.
Việc có hàng xóm cạnh nhà mà khó tính (thậm chí là xấu tính) hiển nhiên chẳng ai thích cả. Nhưng nếu phải sống cạnh một hàng xóm xấu tính ở Nhật Bản thì tin tôi đi, phải gọi là một bi kịch thực sự.
Bạn sẽ chẳng bao giờ muốn gặp rắc rối với hàng xóm ở Nhật đâu vì có đến hàng tấn rào cản đang đợi, từ ngôn ngữ cho đến quy trình xử lý đầy phức tạp, vân vân và mây mây.
Cơn ác mộng bắt đầu
Hồi tháng 4/2016, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng nhạc phát ra từ căn hộ của hàng xóm. Mà nó lại không hay, với những âm thanh không thể nhầm lẫn từ trống và bass.
Tôi thì không muốn gây mất lòng ai, càng không muốn gọi cảnh sát, nhưng tiếng Nhật lại chưa đủ tốt để viết cho người ta mẩu giấy kiểu: "Ê ông biết có phát minh tên là headphone tồn tại chưa?" được.
Thế là, cách duy nhất để đối phó là tỏ ra khó chịu... vu vơ, kiểu gõ vào tường thôi ấy.
Khi mới thuê, ông chủ nhà có chỉ tôi cách giải quyết mâu thuẫn theo kiểu của Nhật Bản.
Tức là, tôi sẽ phải viết một bức thư về vấn đề tiếng ồn, gửi cho quản lý của tòa nhà - quy trình chung để giải quyết các vấn đề liên quan đến hàng xóm tại Nhật rồi.
Vị quản lý sau đó sẽ ghim một thông báo về vấn đề này lên bảng tin của tòa nhà cho tất cả mọi người, nhưng với nội dung hoàn toàn không nhắm trực tiếp đến ai.
(Ảnh minh họa)
Thế nên suốt một thời gian dài tôi đã làm theo nó. Mỗi lần gã hàng xóm mở nhạc lớn đến mức cảm tưởng cả phố cùng nghe thấy, tôi lại lóc cóc viết thư gửi bác chủ nhà.
Nhưng tôi đồ rằng tiếng Nhật của mình có vẻ chưa đủ tốt để diễn giải vấn đề này, khiến người ta không coi nó ra con khỉ gì hết và giải quyết hết sức hời hợt.
Đến lúc thì cũng phải gọi cảnh sát thôi
Một đêm nọ, khi tôi đang cố gắng ngủ cho được thì gã chết tiệt nhà bên lại mở nhạc, mà còn là nhạc điện tử (EDM), như thể gã mở đại tiệc ở nhà vậy. Chịu hết nổi, tôi quyết định quay 110 (số khẩn cấp ở Nhật), báo thẳng với cảnh sát.
Khi tôi bảo mình muốn nói tiếng Anh, người ta kết nối tôi với một phiên dịch viên. Người này báo cáo lại vấn đề, và hỏi rằng liệu tôi có muốn một phiên dịch viên đến cùng không.
May mắn là không cần, vì tôi có một anh bạn người Nhật đang ở đó. Đầu tôi lúc đó chỉ nghĩ: Thích chiến tranh hả, tôi gọi hẳn quân đội đến chơi cùng ông!
"Đội quân" của tôi xuất hiện - thực ra là 2 viên cảnh sát thôi. Tôi đẩy luôn anh bạn mình ra gặp họ để trình bày, giống như đang ném lựu đạn vậy.
Vừa nghe bạn báo cáo, tôi vừa nhìn lên ô cửa sổ nhà gã đó, vẻ mặt buồn buồn để... gợi thương cảm của nhà chức trách. Thi thoảng, tôi thở dài (dĩ nhiên là cố tình) mỗi khi có cảm giác họ đang quan sát.
Rốt cục, cảnh sát đến "thăm" tôi 6 lần, mà lần nào cũng 1 kịch bản: Họ đi cùng một phiên dịch viên, yêu cầu tôi cập nhật tình hình.
Sau khi nắm được thì họ mới gõ cửa nhà bên, gã đó thì từ chối không cho ai vào, rồi mấy anh cảnh sát nhắc nhở. Gã gật đầu hiểu ý, rồi đâu lại vào đấy.
Cuộc chiến của rác và những bức thư than vãn
Khi cảnh sát cũng bó tay, tôi quyết định gửi thư phàn nàn thẳng đến công ty quản lý căn hộ của gã. Họ gọi điện cho gã cảnh báo - có vẻ như không chỉ mình tôi than phiền.
Tuy nhiên gã chối bay biến, bảo rằng mình không chơi nhạc, và thế là họ cũng chẳng làm gì được quá nhiều.
Thế rồi một buổi tối khi trở về nhà, tôi thấy nguyên một bịch rác kèm giấy báo được nhồi vào hòm thư căn hộ của mình.
Lúc đó tôi không để ý lắm, nhưng dần dần nhận ra một sự trùng hợp: Mỗi lần gã hàng xóm về nhà, hòm thư của tôi lại đầy rác, một cách... bí ẩn.
Lúc đó tôi cũng chưa nghĩ gì đâu, cho đến khi nhìn thấy gã lục thùng rác, rồi tự tay nhồi một loạt vào hòm thư của tôi - hộp cơm, ô (dù) gãy, đũa ăn dùng 1 lần... thì cũng không còn nghi ngờ gì nữa.
Thậm chí có lần tôi còn thấy một cuốn tạp chí người lớn kèm... giấy vệ sinh đã qua sử dụng. Thú thật, tôi còn không dám nghĩ đến việc những tờ giấy ấy đã được dùng làm gì.
Dĩ nhiên là tôi không để yên. Tôi cùng một anh bạn khác lấy một vài bức thư nộp cho cảnh sát (hình như gã lấy thư của người khác nhét vào hòm của tôi). Cảnh sát lấy dấu vân tay của tôi để phục vụ điều tra, rồi để tôi ra về.
Cuối cùng, sau tất cả những lời than phiền, báo cáo, thậm chí cả cảnh sát cũng vô hiệu, tôi chính thức... chịu thua, dọn đi chỗ khác.
Nhưng cũng vui, vì công ty quản lý quyết định miễn cho tôi khoản phí rời đi trước khi hết hợp đồng, và nó đến từ tiền cọc của gã hàng xóm. Cũng coi là thắng lợi nho nhỏ, nhỉ?
Bí kíp sinh tồn khi đối mặt với hàng xóm xấu tính tại Nhật
Sau trải nghiệm lần ấy, tôi có thể chỉ ra một vài lời khuyên tốt cho bạn nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự để biết cách xử lý nhanh hơn:
- Đầu tiên là viết thư trình bày tình hình cho quản lý tòa nhà.
- Đừng bao giờ gõ cửa nhà hàng xóm để lên tiếng. Ở Nhật người ta không làm vậy, và thường kết quả sẽ tệ hơn.
- Đừng ngại gọi cảnh sát - việc gây ồn ban đêm hoàn toàn là trái luật. Cứ gọi thẳng cho số khẩn cấp, nếu không biết tiếng thì yêu cầu được nói tiếng Anh. Họ sẽ gửi kèm phiên dịch viên.
- Luôn luôn cư xử theo "phong cách Nhật" - nghĩa là đưa vấn đề cho người có thẩm quyền. Nếu tình hình tệ hơn, bạn có thể đến đồn cảnh sát địa phương để tố cáo, hoặc đến các địa điểm chuyên giải quyết vấn đề về hàng xóm.